Các nhà khoa học góp ý cho Dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô
Các nhà khoa học tập trung đưa ra ý kiến về phương án kết nối và tổ chức giao thông, quyền lợi nhà đầu tư, việc sử dụng, khai thác quỹ đất tại khu vực nút giao, nhu cầu vật liệu...
Ngày 12/9, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Hội Khoa học và kỹ thuật cầu đường Việt Nam tổ chức Hội thảo "Tác động của việc xây dựng Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội".
Ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh, việc thông qua chủ trương đầu tư và triển khai xây dựng Dự án Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội để sớm đưa vào vận hành sẽ giúp cải thiện hạ tầng giao thông, giảm ách tắc đường vành đai 3, tăng cường kết nối, tạo thêm động lực phát triển mạnh mẽ cho Hà Nội và các địa phương lân cận thuộc Vùng Thủ đô Hà Nội.
Tại Hội thảo, các chuyên gia bày tỏ nhất trí với đánh giá tác động trong Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án. Tuy nhiên, Báo cáo cần chú ý bổ sung thêm các phân tích về ưu thế trong quản lý chất lượng, quản lý tiến độ thực hiện dự án của nhà đầu tư so với dự án đầu tư công như giảm thiểu nhiều thủ tục, thời gian trong đấu thầu; nhà đầu tư chủ động trong lựa chọn tổng thầu EPC để thực hiện dự án. Mặt khác, Báo cáo cũng cần phân tích thêm việc giảm áp lực huy động vốn đầu tư công trong giai đoạn đầu tư xây dựng (khoảng 52 % tổng mức đầu tư của Dự án thành phần 3)… Đây là những lợi thế hết sức quan trọng của dự án PPP.
Ông Phạm Khắc Thưởng, Tổng Thư ký Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, với các chính sách đặc thù trong đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 như việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tạo cơ hội, thuận lợi cho giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Khắc Thưởng, việc kết nối giữa tuyến đường Vành đai 4 và các tuyến đường bộ cao tốc khác cần nghiên cứu, xem xét để giải quyết hợp lý đối với các nút giao cắt giữa các đường cao tốc; giao cắt với các tuyến đường sắt; các nút giao liên thông; kết nối hạ tầng khác và kết nối phục vụ dân sinh.
Dự án có tổng vốn đầu tư lớn, đòi hỏi nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh. Trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư nên đàm phán về mức vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia dự án, bảo đảm phù hợp với năng lực nhà đầu tư, giảm thiểu áp lực về huy động vốn vay.
Ông Lê Mạnh Cường đến từ Viện Kinh tế, Bộ Xây dựng đề nghị, do nhu cầu vật liệu cho dự án (cát, đá, xi măng, thép) tương đối lớn, được triển khai đồng thời với các dự án khác trong khu vực, trong khi các địa phương có dự án đi qua có nguồn vật liệu hạn chế, UBND TP. Hà Nội – cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần làm rõ nguồn cung cấp vật liệu, xây dựng phương án khai thác cụ thể (trong đó phải đánh giá hiện trạng các mỏ hiện nay, phương án vận chuyển và thi công cho từng hạng mục của dự án).
“UBND Thành phố cần tiếp tục rà soát cập nhật danh mục các mỏ vật liệu vào hồ sơ khảo sát Dự án thành phần 3 làm cơ sở phê duyệt cùng với Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án”, ông Cường đề xuất.
Còn theo ông Lê Xuân Trọng - đại diện Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải, ngoài các vấn đề liên quan đến phát triển mạng đường cao tốc, vai trò kết nối của tuyến cao tốc, cần xem xét và nghiên cứu kỹ các phương án bảo đảm việc phát triển quỹ đất hai bên tuyến đường một cách hiệu quả nhất, bảo đảm không gian phát triển các khu đô thị, công nghiệp ...Đồng thời cần làm rõ những ảnh hưởng hay tác động của hướng tuyến đối với việc phân cách không gian, khu vực phát triển của các địa phương có tuyến đường đi qua.
Để dự án về đích đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và hiệu quả, nhất là khi Dự án Thành phần 3 đầu tư theo phương thức PPP, các đại biểu lưu ý, cần xem xét kỹ lưỡng về các bài toán liên quan đến hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội, quyền lợi của nhà đầu tư, phương án kết nối và tổ chức giao thông, giải phóng mặt bằng, dân cư, môi trường, cảnh quan, không gian...
Cũng tại hội thảo, một số chuyên gia đề nghị, cần nghiên cứu, xem xét để giải quyết hợp lý đối với các nút giao cắt giữa các đường cao tốc; giao cắt với các tuyến đường sắt; các nút giao liên thông; kết nối hạ tầng khác và kết nối phục vụ dân sinh. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng, khai thác quỹ đất tại khu vực các nút giao.