Các “ông lớn” bất động sản Vinhomes, Novaland, GP.Invest đã kiến nghị gì với Thủ tướng?

Tham dự Hội nghị trực tuyến thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững vào sáng 17/2, nhiều “ông lớn” như Vinhomes, Novaland hay GP.Invest đã đồng loạt đưa ra những kiến nghị “nóng” nhằm tháo gỡ khó khăn về tín dụng, lãi suất, nguồn cung...

Các “ông lớn” bất động sản Vinhomes, Novaland, GP.Invest đã kiến nghị gì với Thủ tướng? - Ảnh 1
Các “ông lớn” bất động sản Vinhomes, Novaland, GP.Invest đã kiến nghị gì với Thủ tướng? - Ảnh 2

Là đại diện doanh nghiệp đầu tiên phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch HĐQT CTCP Vinhomes cho biết, hiện nay thị trường bất động sản đang có vướng mắc nổi cộm như thủ tục pháp lý phê duyệt các dự án còn chậm, dòng vốn tín dụng hạn chế, nguồn cung nhà ở khan hiếm, cung cầu lệch pha, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không phát hành được.

Các “ông lớn” bất động sản Vinhomes, Novaland, GP.Invest đã kiến nghị gì với Thủ tướng? - Ảnh 3

Còn đối với khía cạnh kinh tế, lĩnh vực bất động sản có liên quan mật thiết đến nhiều ngành nghề kinh doanh và các chuỗi cung ứng khác, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến cuộc sống của hàng triệu người lao động cũng như mang lại nguồn thu lớn cho Nhà nước.

Ông Hoa nhấn mạnh, nếu khó khăn tiếp tục kéo dài mà không có giải pháp kịp thời sẽ có nhiều doanh nghiệp bất động sản phải đóng cửa, phá sản, nguồn cung nhà ở sẽ càng thiếu hụt.

Các “ông lớn” bất động sản Vinhomes, Novaland, GP.Invest đã kiến nghị gì với Thủ tướng? - Ảnh 4

Trong khi đó tại phần kiến nghị, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland) mong muốn được hỗ trợ về cơ chế.

Cụ thể, Novaland kiến nghị Chính phủ và NHNN ban hành một quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án bất động sản từ 2-3 năm để giúp các doanh nghiệp có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án. Điều này nhằm phòng tránh 10-20% dư nợ của nền kinh tế bị chuyển sang nợ xấu.

Doanh nghiệp cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án của các doanh nghiệp trên cả nước, bởi ách tắc này đã kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết...

Đại diện Novaland mong muốn người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo chọn khu đô thị vệ tinh Aqua City tại tỉnh Đồng Nai làm dự án thí điểm để Tổ công tác của Thủ tướng cùng địa phương tháo gỡ khó khăn và thời gian tháo gỡ trong 1 tháng.

Các “ông lớn” bất động sản Vinhomes, Novaland, GP.Invest đã kiến nghị gì với Thủ tướng? - Ảnh 5

Theo ông Nhơn, lãi suất từ cuối năm ngoái tăng khá nhanh, có khoản vay lãi suất đã tăng gần 30%. Nếu mức tăng này tiếp tục duy trì thì dự án đang ở mức lãi suất cũ sẽ thành lỗ ở mức lãi suất mới.

Do đó, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại có biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất huy động, qua đó nhanh chóng giảm lãi suất cho vay phục hồi thị trường.

Với vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, theo ông Nhơn, việc sửa đổi Nghị định 65 đã soạn thảo từ đầu tháng 12/2022 nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. Ông cho rằng các nội dung trong dự thảo nếu được ban hành sẽ góp phần tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như thị trường trái phiếu.

“Không chỉ doanh nghiệp bất động sản mà các ngân hàng thương mại và người dân là các trái chủ đều mong các nội dung sửa đổi này được ban hành sớm”, ông Bùi Thành Nhơn nói thêm.

Các “ông lớn” bất động sản Vinhomes, Novaland, GP.Invest đã kiến nghị gì với Thủ tướng? - Ảnh 6

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest) đưa ra kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép sử dụng tài sản hình thành trong tương lai của chính dự án xin vay làm tài sản đảm bảo nếu phương án có hiệu quả mà không phải sử dụng tài sản đảm bảo độc lập khác.

Ông cũng đề nghị NHNN chỉ đạo xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay bất động sản cho từng trường hợp cụ thể tuỳ thuộc vào tín nhiệm của từng khách hàng, từng dự án mà không đánh giá hệ số rủi ro đồng loạt 200%.

Các “ông lớn” bất động sản Vinhomes, Novaland, GP.Invest đã kiến nghị gì với Thủ tướng? - Ảnh 7

Với trường hợp cụ thể của GP.Invest, ông Hiệp cho hay, GP.Invest sắp tới có nhu cầu vay ngân hàng khoảng 8.000 tỷ đồng để triển khai một loạt dự (với tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng). Do đó, doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép sử dụng tài sản hình thành trong tương lai của chính dự án xin vay làm tài sản đảm bảo nếu phương án có hiệu quả mà không phải sử dụng tài sản đảm bảo độc lập khác.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp, ông ông Hiệp đánh giá năm 2023 sẽ có một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trầm lắng.

Đây là một vấn đề lớn của toàn xã hội nhưng trước hết cũng phải thấy là có một số doanh nghiệp đã “quá đà” trong việc phát hành trái phiếu để “ôm dự án” nên đã gây ra biến động phức tạp cho thị trường tài chính và ảnh hưởng lớn đến niềm tin của thị trường bất động sản. Tuy là trái phiếu riêng lẻ nhưng vẫn có giao dịch qua lại như trái phiếu phát hành công chúng nên ảnh hưởng của trái phiếu riêng lẻ tới thị trường bất động sản và xây dựng là rất lớn.

“Để giải quyết tháo gỡ trước mắt, cần thiết phải cho gia hạn các trái phiếu này để tháo bớt áp lực dòng tiền thanh toán cho các công ty phát hành và sau đó bên cạnh biện pháp cho hoán đổi nợ trái phiếu bằng tài sản, bất động sản của công ty phát hành cần có cơ quan đứng ra đánh giá cụ thể đối với từng doanh nghiệp đang phải chuẩn bị thanh toán trái phiếu mà không cân đối được dòng tiền”, ông Hiệp nêu rõ.

An Nhiên

Theo Kinh doanh và Phát triển