Cần 50.000 tỷ đồng để khởi động 'siêu cảng' Trần Đề
Để tháo gỡ nút thắt trong hoạt động vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu mà trọng tâm là giảm chi phí logistics của các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì việc đầu tư bến cảng Trần Đề được đánh giá là hết sức cần thiết.
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng vừa có buổi làm việc với các đơn vị có liên quan để nghe báo cáo đầu kỳ nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề thuộc cảng biển Sóc Trăng.
Tại cuộc họp, đại diện đơn vị tư vấn dự án cho biết theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng biển Sóc Trăng được phân loại là cảng biển loại III, thuộc nhóm cảng biển số 5, quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt khi hình thành cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Trần Đề.
Quyết định phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư khu bến cảng Trần Đề, giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn lên đến 50.000 tỷ đồng.
Theo đánh giá của đơn vị tư vấn, để tháo gỡ nút thắt trong hoạt động vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu mà trọng tâm là giảm chi phí logistics của các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì việc đầu tư bến cảng Trần Đề là hết sức cần thiết.
Việc xây dựng bến cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Trần Đề nhằm phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tăng cường kết nối, giảm chi phí vận tải và khối lượng hàng hóa tiếp chuyển lên các cảng biển Đông Nam Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Từ sự cần thiết của dự án, đơn vị tư vấn đưa ra phương án cho tổng diện tích quy hoạch 1.082ha đến năm 2028 và năm 2050 là 4.435ha. Trong đó, bến cảng ngoài khơi vào năm 2028 là 81,6ha và nâng lên 435ha vào năm 2050. Đối với khu dịch vụ hậu cần và logistics, đơn vị tư vấn đưa ra diện tích 1.000ha vào năm 2028 và năm 2050 là 4.000ha.
Ngoài cầu cảng gồm bến ngoài khơi và bến tiếp chuyển trong bờ, dự án còn có kè chắn sóng và cầu vượt biển dài gần 18km.
Tổng mức đầu tư sơ bộ đến giai đoạn hoàn thành là 153.896 tỷ đồng nếu cát được khai thác tại mỏ và 186.365 tỷ đồng theo giá cát thị trường.
Bến cảng ngoài khơi Trần Đề, gồm cầu cảng có tổng chiều dài 5.300m; tàu container trọng tải đến 100.000 DWT (6.000 đến 8.000 Teus), tàu hàng rời 160.000 DWT.
Giai đoạn khởi động, gồm 2 bến/800m cho tàu tổng hợp, container trọng tải đến 100.000 DWT và 2 bến phao chuyển tải hàng rời (than) cho tà̉u trọng tải đến 160.000 DWT.
Phát biểu kết luận cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đề nghị đơn vị tư vấn hoàn chỉnh báo cáo. Về hình thức lựa chọn nhà đầu tư, địa phương thống nhất đề xuất của tư vấn rằng tỉnh cùng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá, đấu thầu.
Sau cuộc họp này, lãnh đạo Sóc Trăng giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp đơn vị tư vấn hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; báo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường và thông qua lần 2 trong tháng 2/2024.
Sở Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ tham mưu tổ chức thẩm định báo cáo ở cấp tỉnh (thông qua Hội đồng thẩm định, dự kiến UBND tỉnh sẽ thành lập Hội đồng thẩm định trong tháng 1/2024). Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tham mưu UBND tỉnh thực hiện quy trình, thủ tục lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án (trên cơ sở xem xét Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi).
Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng được giao liên hệ Cục Hàng hải Việt Nam, xúc tiến việc thuê tư vấn nghiên cứu, lập đề án đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với cảng biển Trần Đề.