Cận cảnh siêu dự án ‘ôm đất’ gần 20 năm tại quận Hà Đông
Đã gần 20 năm từ khi dự án được quy hoạch, khu đô thị này vẫn trong trạng thái “án bính bất động”, gây lãng phí “đất vàng” suốt nhiều năm qua.
Dự án khu đô thị sinh thái Đồng Mai nằm tại quận Hà Đông, Hà Nội do CTCP đầu tư phát triển Phong Phú làm chủ đầu tư với chức năng là cụm công nghiệp. Dự án có tổng diện tích khu đất lập quy hoạch năm 2007 khoảng gần 230ha tại các xã: Đồng Mai, Yên Nghĩa, Phú Lãm TP. Hà Đông (nay là các phường: Đồng Mai, Yên Nghĩa, Phú Lãm, quận Hà Đông).
Sau 17 năm, dự án vẫn là bãi đất trống, chưa có hoạt động xây dựng nên không được cấp sổ đỏ. Đất thuộc dự án gần như "đóng băng”.
Giá đất xung quanh khu đô thị Đồng Mai dao động từ 50-100 triệu đồng/m2. Theo thông tin từ môi giới, tại các lô đất nền dịch vụ sẽ có diện tích trung bình từ 40-50m2, có sổ đỏ và có giá dao động từ 60 triệu đồng/m2. Tại các khu vực gần nghĩa trang thì giá rẻ hơn dao động từ 50-60 triệu đồng/m2. Còn các lô đất đẹp có thể kinh doanh sẽ có mức giá từ 65-70 triệu đồng. Các lô đất tại các góc mặt đường có thể lên đến 100 triệu đồng/m2.
Năm 2008, sau khi sáp nhập tỉnh Hà Tây vào TP. Hà Nội, UBND TP. Hà Nội có chủ trương di dời các khu công nghiệp ra khỏi khu vực phát triển đô thị, do đó cụm công nghiệp Đồng Mai không còn phù hợp. Công ty Phong Phú đã đề nghị điều chỉnh quy hoạch cụm công nghiệp Đồng Mai và điều chỉnh chức năng từ cụm công nghiệp thành khu đô thị Đồng Mai.
Đến năm 2013 UBND TP. Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực Đồng Mai, tỷ lệ 1/2000 để công ty Phong Phú thực hiện các bước chuyển đổi sang xây dựng đô thị.
Năm 2015, đã chính thức được UBND TP. Hà Nội phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nhưng đến nay dự án vẫn là cánh đồng hoang, gây lãng phí tài nguyên đất, chậm trễ trong phát triển kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Dù dự án chưa được triển khai nhưng trên khu vực đất của dự án xuất hiện hoạt động của trạm trộn bê tông “khủng” của CTCP Bê tông xây dựng và thương mại Phúc Thành (Công ty Phúc Thành) hoạt động ngày đêm, gây ô nhiễm môi trường.
Theo thông tin từ báo Tiền phong, về hoạt động của trạm bê tông Phúc Thành, đại diện chủ đầu tư cho biết khoảng năm 2016, có cho công ty Phúc Thành mượn đất trong dự án để làm trạm trộn bê tông phục vụ cho việc xây dựng dự án. Tuy nhiên, do vướng mắc dự án chưa thể triển khai nên phía công ty đã nhiều lần có văn bản yêu cầu công ty Phúc Thành di dời trạm trộn bê tông ra khỏi dự án nhưng đến nay phía công ty Phúc Thành vẫn chưa chịu di dời để trả lại mặt bằng dự án.