Căn hộ tái định cư bỏ hoang: Chọn lối ra nào?
Từ nửa đầu năm nay, thị trường bất động sản (BĐS) chứng kiến hàng loạt biến động về giá, các kiến nghị thay đổi chính sách vốn vay nhưng vẫn luôn còn đó hiện tượng lãng phí đất đai giữa các khu đô thị sầm uất. Hàng nghìn căn hộ và đất nền tái định cư (TĐC) bỏ hoang nằm “chễm chệ” tại các khu đất vàng, trong khi nhiều người dân không có chỗ ở, đặc biệt là người dân sống ven kênh rạch.
Người lao động nghèo “khát” nhà ở
Đối nghịch với sự lãng phí đất đai nghiêm trọng nhưng vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để suốt chục năm qua, hàng nghìn lao động nghèo khao khát được phê duyệt cho thuê lại các căn hộ tái định cư cũ với giá rẻ.
Anh Đức Khang, công nhân làm việc tại TP.HCM cho biết, anh và nhiều người lao động khác hiện đa số sống tạm bợ trong những căn trọ vỏn vẹn mười mấy mét vuông, anh chỉa sẻ: “Với mức lương eo hẹp, gia đình tôi phải chi trả không biết bao nhiêu loại phí sinh hoạt và tiền học cho con cái. Cả mấy ngàn căn rộng rãi vậy mà để trống. Thuê được trong đó để ở thì tốt quá. Nghe đâu cũng có người được phân căn hộ tái định cư ở đây, họ không ở nên cũng cho thuê lại giá cỡ 4 triệu, công nhân như chúng tôi sao mà thuê nổi! Tầm 2 triệu thì lương công nhân mới trang trải nổi.”.
Khu tái định cư Vĩnh Lộc B với không gian thông thoáng, đường sá rộng rãi, hơn nữa xung quanh lại gần các trường học, chợ và các tuyến đường lớn. Nhìn cảnh bỏ hoang, không ai dọn vào ở, sau hơn 10 năm xây dựng vẫn vắng lặng. Anh Thái - một người dân sinh sống gần khu này - cho biết khu vực này có đầy đủ các tiện ích nhưng đâu được thuê để ở.
Theo số liệu từ Sở Xây dựng TP.HCM, TP có 11.681 căn hộ và nền đất tái định cư, trong đó đã phân bổ cho quận/huyện khoảng 4.000 căn hộ và nền đất, dùng làm quỹ dự phòng hơn 2.500 căn hộ và nền đất, đang làm thủ tục bán đấu giá gần 5.000 căn hộ và nền đất. Trước đó, báo chí từng phản ánh TP.HCM có 9.434 căn hộ và hơn 2.500 nền đất tái định cư bỏ trống trong nhiều năm, chi phí duy tu bảo dưỡng hơn 70 tỉ đồng/năm.
Trong số gần hàng chục nghìn căn hộ tái định cư bị bỏ hoang ở TP.HCM, có đến hơn một nửa, tức 5.300 căn thuộc các dự án tại khu đô thị mới Thủ Thiêm ở các lô từ R1 đến R7 trong khu tái định cư 38,4ha Bình Khánh, Quận 2.
“Đắp chiếu” hàng nghìn tỷ đồng đầu tư
Đề cập đến vấn đề chưa nhanh chóng đấu giá để người dân thuê hoặc mua ở, ông Phạm Đăng Hồ - trưởng phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM - cho biết số căn hộ, nền tái định cư TP.HCM đang làm thủ tục bán đấu giá hầu hết nằm ở khu vực ngoại thành, không phù hợp nhu cầu của người dân hoặc căn hộ xây dựng quá lâu, số lượng không lớn, nằm tản mác rất khó để cân đối bố trí tái định cư cho người dân trong cùng một dự án.
Tuy nhiên, việc đấu giá hiện nay đang vướng về thẩm quyền do trước đây HĐND TP.HCM có nghị quyết phân cấp, ủy quyền cho chủ tịch UBND TP bán đấu giá nhà thuộc diện điều chỉnh nghị định 167 (quy định về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công), còn chưa phân cấp, ủy quyền bán đấu giá với nhà tái định cư. Do vậy, sắp tới TP phải báo cáo với HĐND TP và tìm cách giải quyết.
Về ý kiến chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà ở xã hội, ông Hồ cho hay theo quy định, những hộ bị giải tỏa nếu không có chỗ ở nào khác và không đủ tiền mua nhà tái định cư sẽ được mua hoặc thuê nhà ở xã hội. Nếu chuyển nhà ở tái định cư sang nhà ở xã hội để bố trí tái định cư sẽ phù hợp quy định và TP tập trung việc này.
Tuy nhiên, hiện giá bán nhà ở xã hội không bao gồm tiền sử dụng đất, trong khi quỹ nhà tái định cư được tạo lập có nhiều nguồn gồm nguồn đầu tư bằng vốn ngân sách, mua lại dự án nhà ở thương mại của tư nhân và sử dụng nhà ở xã hội (của Nhà nước hoặc tư nhân) xây dựng.
Do vậy, nếu chuyển sang nhà ở xã hội bán không tính tiền sử dụng đất sẽ không đảm bảo thu lại nguồn ngân sách do TP đã bỏ ra. Vì thế, việc đấu giá để có nguồn tiền đầu tư tiếp nhà tái định cư hoặc nhà ở xã hội sẽ phù hợp hơn.
Trước thực trạng hàng ngàn căn hộ, nền đất tái định cư để hoang, nhiều chuyên gia kiến nghị rằng ngoài quỹ nhà bán đấu giá, chuyển mục đích sử dụng nên có cơ chế thoáng cho thuê nguồn nhà dự phòng để tạo nguồn thu.
TS Đào Ngọc Nghiêm - phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cho biết trong chương trình phát triển hạ tầng (hiện rất lớn) cần phải có nhà tái định cư. Tuy nhiên, phải làm thế nào để phát huy hết thế mạnh của nhà tái định cư bởi không chỉ là nơi để ở mà còn phải đảm bảo cuộc sống của người dân theo hướng phải bằng hoặc hơn nơi họ đã ở.
Các khu tái định cư cần đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, nhất là công trình hạ tầng xã hội xung quanh trong khi các khu tái định cư hiện nay thiếu hạ tầng xã hội, ví dụ trong khu tái định cư trẻ em không có sân chơi, trường mầm non...
Theo ông Nghiêm, những căn hộ bỏ hoang nên có cơ chế mở để cho thuê ngắn hạn, tạo nguồn thu. Việc cho thuê nên có kèm yêu cầu khi Nhà nước cần thì phải bàn giao lại. Với những căn hộ thừa ra, không dùng đến, cần có chính sách bán đứt cho những người có nhu cầu vì thực tế hiện nay nhà ở vẫn đang là câu chuyện rất bức thiết.
Số liệu từ Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy trên địa bàn TP có 11.681 căn hộ và nền đất tái định cư. Trong đó có thể kể đến các khu tái định cư trên đất vàng như khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), khu TĐC Cây Dầu 1 và 2 (quận 9), khu TĐC Long Sơn (quận 9), khu TĐC Bình Khánh (quận 2), khu TĐC Trung Thành (huyện Bình Chánh), khu TĐC Phước Kiển (huyện Nhà Bè), khu TĐC Phan Văn Hớn (huyện Hóc Môn).