Cần một "lực đẩy" mới cho mô hình khu công nghiệp sinh thái
Phát biểu tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân cho rằng, lãnh đạo các tỉnh, thành, khu kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp đang mong muốn sửa đổi toàn diện Nghị định số 82 năm 2018 nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn cho việc cải thiện đầu tư, kinh doanh, đồng thời thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc huy động các nguồn lực của khu vực tư nhân, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Một trong những nội dung được quan tâm là chính sách khuyến khích phát triển các mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái.
KCN sinh thái được coi là hướng phát triển bền vững tại Việt Nam.
Cửa đã mở, nhưng…
Tính đến cuối năm 2020, cả nước có 381 KCN, khu chế xuất (gọi chung là khu công nghiệp) được thành lập với tổng diện tích quy hoạch 114.000 ha, trong đó, diện tích đã được giao đất và đưa vào sử dụng 90.800ha, chiếm 2,31% diện tích đất phi nông nghiệp, tăng 18.800 ha so với năm 2010.
Trong 10 năm tới, Việt Nam dự kiến quy hoạch tăng thêm 115.000ha đất dành cho KCN, với khoảng 558 khu công nghiệp trên cả nước, gấp gần 1,5 lần so với số lượng hiện nay…
Trong những năm qua, hệ thống khu công nghiệp đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội, tuy nhiên cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, đòi hỏi phải điều chỉnh và xây dựng mô hình phát triển bền vững hơn, phù hợp với Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh và các cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên hợp quốc, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP 21)…
Việc phát triển nhanh các khu công nghiệp trong thời gian qua đã tạo sức ép không nhỏ đối với môi trường. Lượng thải và các chất gây ô nhiễm môi trường cũng gia tăng, gây tác hại đến sức khỏe người dân, ảnh hưởng xấu tới tăng trưởng bền vững của đất nước.
Do vậy, thực tế cấp thiết đòi hỏi phải đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp sinh thái. Tuy nhiên, hiện nay bản thân các khu công nghiệp sinh thái cũng gặp không ít khó khăn, mà rào cản đến từ chính sách cho khu vực này góp phần không nhỏ. Năm 2018, Nghị định 82/2018 của Chính phủ ra đời đã “cởi trói” cho KCN, để không còn bị bó hẹp trong mối quan hệ sản xuất – cung ứng sản xuất mà “hướng đến gắn kết sự phát triển của KCN với quá trình đô thị hóa của các địa phương”. Từ đó, mở ra mô hình KCN – đô thị – dịch vụ.
Theo Nghị định 82, một số tiêu chí mà KCN sinh thái phải đạt được như có ít nhất 25% diện tích là cây xanh, giao thông; hạ tầng dịch vụ được dùng chung; tối thiểu 20% doanh nghiệp trong KCN áp dụng các giải pháp áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn; ít nhất 10% doanh nghiệp trong KCN có kế hoạch tham gia các liên kết cộng sinh công nghiệp… Các doanh nghiệp trong KCN sinh thái phải có liên kết cộng sinh. Đó là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong KCN để tận dụng tài nguyên, tối ưu hóa việc sử dụng, tái sử dụng các yếu tố đầu ra, đầu vào như nguyên vật liệu, nước, năng lượng, chất thải, phế liệu… Thông qua sự hợp tác này, các doanh nghiệp hình thành mạng lưới trao đổi các yếu tố sản xuất, sử dụng chung hạ tầng và các dịch vụ phục vụ sản xuất, cải thiện quy trình công nghệ và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi một KCN truyền thống thành KCN sinh thái có liên kết cộng sinh sẽ gặp không ít thách thức. Ngay cả việc định nghĩa thế nào là chất thải còn chưa nhất quán.
Để KCN được công nhận là KCN sinh thái, ngoài đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 37 của Nghị định, chủ đầu tư phải qua nhiều bước, nhiều thủ tục mới được công nhận là KCN sinh thái. Từ trình hồ sơ đăng ký chứng nhận KCN sinh thái lên Ban quản lý KCN, khu kinh tế. Ban quản lý gửi hồ sơ lấy ý kiến của 6 bộ ngành (Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng). Sau khi xin ý kiến của các bộ ngành, trong trường hợp đạt, Ban quản lý tổng hợp báo cáo UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận KCN sinh thái.
Theo ông Phạm Hồng Điệp, chủ đầu tư KCN sinh thái Nam Cầu Kiền thì những ưu đãi trong Nghị định 82 không thiết thực với nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng kết cấu hạ tầng KCN, doanh nghiệp trong KCN, chưa đủ khuyến khích nhà đầu tư phát triển theo mô hình KCN sinh thái và các doanh nghiệp phát triển theo mô hình doanh nghiệp sinh thái.
Thậm chí, theo ông Phạm Hồng Điệp, quá trình thẩm định hồ sơ công nhận KCN sinh thái phải thông qua nhiều bộ ban ngành, gây ra khó khăn cho chủ đầu tư KCN.
Mặt khác, thực tế hoạt động quản lý chất thải tại Việt Nam cũng chưa phù hợp nhu cầu tái sử dụng. Chưa kể một số chất thải nguy hại có thể tái sử dụng nhưng không được xử lý tại chỗ mà phải vận chuyển đến một nơi phù hợp và phải có giấy phép. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng dùng chung tại các KCN hiện nay mới chỉ đạt mức cơ bản về điện, nước và xử lý nước thải. Để có thể kết nối dòng nguyên liệu giữa các doanh nghiệp thì cần phải đầu tư lại, hoặc nâng cấp toàn bộ hạ tầng, đường dẫn… Việc này đòi hỏi số vốn đầu tư không nhỏ.
Từ đó có thể thấy, cải cách thể chế kinh tế là nhân tố cần và đủ để góp phần quan trọng vào việc củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp; nhà đầu tư trong lĩnh vực khu công nghiệp sinh thái. Trong bối cảnh hiện nay, cần có những cách làm, giải pháp quyết liệt hơn, đột phá hơn để giúp nhà đầu tư “tự tin” khi bỏ vốn đầu tư xây dựng KCN sinh thái.
KCN sinh thái Nam Cầu Kiền.
Cần hơn nữa cơ chế, ưu đãi cho nhà đầu tư KCN
Phát biểu tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân cho rằng, đại dịch Covid-19 đã kích hoạt quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng kỹ thuật, kinh tế số, các ngành liên quan bảo vệ sức khỏe, môi trường được triển khai quyết liệt. Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục tìm giải pháp mở ra không gian cho các hoạt động kinh tế mới như: Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, giải pháp để tạo ra động lực cho cải cách thể chế hướng tới thông lệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập, phục hồi và phát triển bền vững.
Theo ông Lã Thanh Tân, xây dựng và phát triển KCN, khu kinh tế là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng, Nhà nước. Một trong số đó là chính sách cho phát triển mô hình KCN sinh thái, nhằm thu hút tối đa nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng.
Thời gian qua, một số quy định về KCN, khu kinh tế đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình KCN, khu kinh tế, trong đó Nghị định số 82 năm 2018 của Chính phủ về quản lý KCN, khu kinh tế đã tạo cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ về cơ chế, chính sách phát triển KCN, khu kinh tế.
Tuy nhiên, kết quả tổng kết, đánh giá toàn diện trong 30 năm xây dựng và phát triển KCN, khu kinh tế vẫn chỉ ra rằng: việc hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương (nhất là phân cấp, phân quyền cho các ban quản lý KCN, khu kinh tế) và đổi mới loại hình KCN, khu kinh tế còn chậm, chưa tạo được những chuyển biến căn bản. Chất lượng thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu, liên kết, hợp tác trong KCN.
Trên thực tế, cộng đồng doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và ban quản lý các KCN, khu kinh tế đang mong muốn sửa đổi toàn diện Nghị định số 82 năm 2018 nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn cho việc cải thiện đầu tư, kinh doanh, đồng thời thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc huy động các nguồn lực của khu vực tư nhân, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Một trong những nội dung được quan tâm là chính sách khuyến khích phát triển các mô hình KCN sinh thái.
Vì vậy, những chính sách ưu đãi đầu tư vào khu vực này cần thiết thực đối với nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, doanh nghiệp trong KCN, có sự đột phá để khuyến khích nhà đầu tư phát triển theo mô hình KCN sinh thái.
Từ đó, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị về chính sách, ngoài những ưu đãi cho KCN sinh thái theo quy định hiện hành thì Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp có thể được áp dụng tương tự như khu kinh tế. Cụ thể, đại biểu Lã Thanh Tân nhấn mạnh cần thiết phân cấp cho ban quản lý KCN, khu kinh tế và các sở, ngành liên quan ở địa phương thẩm định và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận KCN sinh thái, vì các tiêu chí KCN sinh thái đã được quy định cụ thể trong Nghị định của Chính phủ và việc phân cấp cho ban quản lý KCN, khu kinh tế sẽ cắt giảm được thời gian thực hiện thủ tục hành chính.
Còn ông Phạm Hồng Điệp – Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền đưa ra một số đề xuất kiến nghị. Cụ thể, cần ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp: Thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, miễn thuế 04 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo. Thời gian áp dụng miễn giảm theo quy định chung của pháp luật hiện hành.
Ưu đãi về tiền thuê đất, thuê mặt nước: Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho toàn bộ thời hạn thuê đối với KCN sinh thái. Ưu đãi về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: Miễn tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho toàn bộ thời hạn của dự án. Ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu: Ưu đãi chung theo quy định pháp luật hiện hành.
Ngoài những ưu đãi trên, các chủ đầu tư cũng đề xuất giảm bớt thủ tục hành chính, công nhận KCN sinh thái cụ thể bộ hồ sơ xin công nhận khu công nghiệp sinh thái do chủ đầu tư đề xuất được thẩm định tại Ban quản lý KCN, khu kinh tế và các sở ngành liên quan và trình UBND tỉnh, thành phố ban hành giấy chứng nhận KCN sinh thái.
Có thể nói, việc áp dụng KCN sinh thái tại Việt Nam là một trong những giải pháp để hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Phát triển KCN sinh thái có thể cải thiện hoạt động kinh tế, đồng thời giảm thiểu các tác động tới môi trường bởi nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên, giảm bỏ chất thải và thích hợp cho phát triển công nghiệp xanh. Tuy nhiên, để phát triển và nhân rộng mô hình này tại Việt Nam, hệ thống chính sách đóng vai trò vô cùng quan trọng. Do vậy, cộng đồng doanh nghiệp rất mong mỏi về một “lực đẩy” mới cho mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam.