Mô hình kinh tế tuần hoàn trong Khu công nghiệp Việt Nam: Thách thức và giải pháp
Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Đánh giá khả năng thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp Việt Nam – Khảo sát mô hình điểm KCN Nam Cầu Kiền”, do Viện Sức khỏe và Môi trường vì cộng đồng chủ trì, phối hợp với Công ty CP Shinec (Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền) tổ chức mới đây, PGS.TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Chủ tịch CLB các nhà Công Thương Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế – Ngân sách Quốc hội đã có tham luận trình bày nhận định xoay quanh tính khả thi của Đề án cũng như những tiềm năng mang lại khi áp dụng vào thực tế.
PGS.TS Đặng Văn Thanh trình bày tham luận tại Hội thảo.
KINH DOANH VÀ PHÁT TRIỂN trân trọng trích đăng Tham luận của PGS.TS Đặng Văn Thanh tại Hội thảo:
Qua 35 năm đổi mới và chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, với quy mô nền kinh tế ngày càng lớn, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, thu nhập quốc dân bình quân đầu người đã tăng hàng chục lần. Mục tiêu chiến lược đến năm 2030, 2045 là xây dựng đất nước Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển, công nghiệp tiên tiến.
Việt Nam kiên quyết phát triển theo mô hình tăng trưởng kinh tế mới, từ bỏ tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng dựa trên vốn và lao động rẻ, chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, năng suất, chất lượng và hiệu quả dựa trên khoa học công nghệ và đảm bảo sự phát triển bền vững. Đây không chỉ là yêu cầu cấp bách của nền kinh tế, của yêu cầu khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ thiên nhiên mà còn là khát vọng của nhân dân Việt Nam vì một đất nước hùng cường, yên bình và hạnh phúc.
Cần tìm kiếm những mô hình phát triển kinh tế vừa đảm bảo tạo ra nhiều của cải, nhiều tiện ích, nhiều việc làm vừa sử dụng hữu ích mọi nguồn lực, phục vụ lợi ích hiện tại và lợi ích tương lai, lợi ích lâu dài cho các thể hệ. Kinh tế tuần hoàn (KTTH) ra đời và nền KTTH hình thành. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới ở Việt Nam, mặc dù đã được vận hành ở không ít các quốc gia trên thế giới.
Ở Việt Nam, KTTH, mô hình KTTH đã xuất hiện, trước hết là trong nông nghiệp, hoặc trong nông công nghiệp kết hợp, nhưng chưa có sự thống nhất về nhận thức, còn thiếu những cơ chế chính sách cần thiết và việc vận dụng kinh nghiệm của các nước một cách linh hoạt sáng tạo để thiết lập mô hình KTTH vào điều kiện và thể chế đặc thù của Việt Nam là ý tưởng công việc có giá trị và thực sự hữu ích.
Đề tài nghiên cứu khoa học: “Đánh giá khả năng thực hiện mô hình KTTH trong khu công nghiệp Việt Nam: Khảo sát mô hình điểm Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền” có mục tiêu kiếm những luận giải và đưa ra những giải pháp về KTTH, một xu thế tất yếu, một triết lý gắn liền với cuộc sống của con người, một dạng vật chất được luân chuyển trong vòng tròn khép kín, cũng là yêu cầu và sự phù hợp để xây dựng chuỗi giá trị bền vững, giải pháp. Mục tiêu xa hơn của mô hình KTTH là khai thác, sử dụng có hiệu quả và bảo tồn hài hòa các nguồn lực xã hội, trực tiếp.
Đề tài nghiên cứu trong một phạm vi cụ thể là mô hình KTTH, nguồn tài nguyên phục vụ cho phát triển kinh tế bền vững tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) – mô hình điểm của Khu công nghiệp (KCN) sinh thái đầu tiên tại Việt Nam. Tất nhiên, vượt ra khỏi bối cảnh một khu công nghiệp cụ thể, đề tài nghiên cứu có tham vọng muốn tạo lập các cơ sở lý luận, các bộ tiêu chí từ một KCN có thể áp dụng và vận dụng cho những KCN khác, thậm chí những vùng kinh tế khác.
Toàn bộ báo cáo của để tài nghiên cứu được kết cấu là 4 chương:
Chương I Trình bày tổng quan về KTTH thế giới và Việt Nam. Đây là những cơ sở lý luận quan trong để khẳng định và làm căn cứ lý giải sự cần thiết , nguyên lý vận hành, mô hình ứng dụng về KTTH.
Chương II trình bày về KCN Việt Nam và khả năng áp dụng KTTH trong các KCN Việt nam, những khó khăn cơ bản. Từ những phân tích thực tế về đặc điểm, tính chất, vai trò của KCN trong phát triển bền vững và triết lý KTTH gắn với sự sống con người, đề tài đã đề ra phương pháp tiếp cận KTTH trong mô hình KCN với doanh nghiệp là trung tâm, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện. Trong sản xuất công nghiệp hoạt động hướng tới KTTH là tái chế, tái sử dụng chất thải và những phế liệu thải loại từ sản xuất, là sản xuất sạch, là kinh tế xanh và KCN sinh thái. Tuy vậy cũng phải thấy hết những khó khăn, trong đó có sự thiếu vắng, thiếu đầy đủ của cơ sở pháp lý, thiếu chính sách và chế độ hỗ trợ phù hợp, thiếu tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá và phân loại mô hình KTTH.
Chương III, Nghiên cứu và khảo sát thực tiễn mô hình điểm KCN sinh thái Nam Cầu Kiền trong áp dụng KTTH, trong đó có hoạt động KCN, đề án xây dựng KCN sinh thái Nam Cầu Kiền, trong đó có những tiêu chí để đánh giá, những khác biệt về tư duy tổ chức và thực tiễn vận hành, vấn đề xây dựng và nâng tầm thực tiễn bộ tiêu chuẩn sinh thái cũng như năng lực hoạt động của KCN sinh thái Nam Cầu Kiền. Từ đó đã có sự đánh giá khả năng áp dụng mô hình KTTH trong KCN Nam Cầu Kiền.
Chương IV Tập trung Đề xuất Bộ tiêu chí mô hình KTTH trong KCN Việt Nam nói chung, trong đó có tiêu chí theo cấp độ phân vùng, tiêu chí nhóm ngành vật liệu, Hiệu quả kinh tế và môi trường khi áp dụng Bộ Tiêu chí…
Có thể đánh giá, đề tài được nghiên cứu nghiêm túc, công phu. Kết quả nghiên cứu của đề tài là đáng trân trong và có giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Đề tài đã chứng minh xu thế tất yếu và khả năng phát triển mạnh mẽ của mô hình KTTH tại Việt nam.
Qua nội dung nghiên cứu của đề tài, có thể rút ra một số vấn đề như sau:
Trước hết, phải thống nhất về nhận thực bối cảnh và xu thế của thế giới cũng như Việt Nam hiện nay, đang trong thời kỳ phát triển như vũ bão của Khoa học công nghệ, đặc biệt là các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong bối cảnh tài nguyên đang cạn kiệt, biến đổi khí hậu và khủng hoảng môi trường.
Những điều đó đã và đang đặt ra cho thế giới, cho Việt Nam cần tìm kiếm những phương sách mới để phát triển kinh tế một cách bền vững, tạo ra ngày càng nhiều của cải có hàm lượng trí tuệ cao, năng suất, chất lượng và hiệu quả. KTTH là một hướng đi, một cách làm cần thiết và đúng hướng cả trong nông nghiệp, công nghiệp và công nghiệp trong KCN, KCN sinh thái.
Hai là, KTTH và KTTH tại KCN, KCN sinh thái là vấn đề mới, chắc chắn sẽ gặp không ít thách thức và khó khăn. Những khó khăn có thể là nhận thức về KTTH, về các quy định mang tính pháp lý, về các chính sách Luật, và chính sách cụ thể cũng như các chế độ hỗ trợ từ nhà nước, sự phối hợp và hợp tác của các ngành, các địa phương trong và ngoài vùng kinh tế, việc ứng dụng công nghệ hiện đại, tạo lập và sử dụng thiết bị mới, tiên tiến và hình thành thị trường chất thải loại và vật liệu từ chất thải.
Ba là, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể từ phía Nhà nước, từ phía các cơ quan quản lý, các tổ chức khoa học công nghệ, các doanh nghiệp trong và ngoài khu sinh thái, các chuyên gia và các nhà khoa học.
Cần có lộ trình cụ thể cho việc xây dựng và vận hành các KCN sinh thái với KTTH đóng vai trò chủ đạo.
Tôi cho rằng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chủ trương phát triển kinh tế bền vững, tài chính toàn diện và đặc biệt là khát vọng đến năm 2030,2045 về một đất nước Việt nam dân giàu, nước mạnh, nền công nghiệp hiện đại.
Do đó, cần tập trung vào các giải pháp sau:
1 – Thống nhất nhận thức về KTTH, về KCN, KCN sinh thái. Có tư duy đúng và tư duy lại về KCN hay khu hỗn hợp công nông lâm nghiệp. Thay đổi cách tư duy truyền thống về KCN, khu thương mại tự do, khu chế xuất…
2 – Tạo dựng khung pháp lý về KTTH, về KCN sinh thái, về KTTH trong KCN sinh thái, trong vùng nông lâm , ngư nghiệp chất lượng cao…, về công nghiệp tái chế, công nghiệp tái tạo, nông nghiệp.
3 – Hình thành hệ thống chính sách đối với KTTH, Công nghiệp tái chế… không chỉ chính sách đất đai, khai thác tài nguyên, chính sách thuế, phí, chính sách đầu tư mà quan trọng hơn là chính sách tạo lập môi trường đầu tư cho nông nghiệp, công nghiệp tái chế, cho việc vận hành các KCN sinh thái, các khu chăn nuôi, ươm, nuôi trồng quy mô lớn. Có chính sách rất cụ thể về thị trường chất thải, thị trường nguyên liệu vật liệu đã qua tái chế hoặc bị thải loại từ hoạt động sản xuất kinh doanh .
4 – Hoàn thiện và thừa nhận cũng như sử dụng bộ tiêu chí mô hình KTTH trong KCN. Dựa trên hai phương pháp tiếp cận KTTH và thực tiễn nghiên cứu KCN Việt Nam, đề tài đã đưa ra Bộ tiêu chí KTTH trong KCN theo cấp độ phân vùng (Quy mô nền kinh tế) và tiêu chí theo nhóm ngành Vật liệu. Đồng thời đã đánh giá hiệu quả kinh tế và môi trường khi áp dụng Bộ Tiêu chí KTTH. Sẽ có những ý kiến khác nhau về Bộ tiêu chí KTTH và có những thảo luận, trao đổi thêm, nhưng bộ tiêu chí do đề tài đề xuất là rất đáng trân trọng về ý tưởng. Đây là những gợi mở và phác thảo rất đáng quý và cần thiết. Cần hoàn thiện, cụ thể hóa bộ tiêu chí và đưa vào áp dụng thực tế.
5 – KTTH không chỉ giới hạn trong một ngành, một lĩnh vực, mà liên quan nhiều ngành kinh tế, nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực khoa học… nên rất cần sự hợp tác, phối hợp và cần có sự chỉ huy chung thống nhất từ các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền ….
KTTH và mô hình KTTH đã và đang là xu hướng mang tính quốc gia và quốc tế không chỉ vì lợi ích trước mắt mà vì lợi ích lâu dài của mỗi quốc gia, dân tộc. Đây là công việc vừa mang tính khoa học vừa có tính thực tiễn, rất cần sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý và sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, các nhà khoa học.