Cần tháo gỡ vốn và thủ tục pháp lý cho bất động sản

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank cho rằng, việc khơi thông dòng vốn của lĩnh vực bất động sản là cần thiết, đây là điểm nghẽn cần tháo gỡ kịp thời.

 

Các ngân hàng luôn xác định đồng hành cùng doanh nghiệp.
Các ngân hàng luôn xác định đồng hành cùng doanh nghiệp.

Theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã: STB) cho biết, phải nói trong thời gian qua, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Sacombank là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù.

Chia sẻ về khó khăn thời gian qua, bà Diễm cho biết, chuỗi cung ứng đứt gãy, các chi phí phục vụ cho các doanh nghiệp tăng rất cao. Trong dịch COVID-19, nguồn lực lao động bị ảnh hưởng rất lớn, rồi lạm phát, nền kinh tế suy giảm, doanh nghiệp thiếu hụt nguồn tiền cũng như như tính thanh khoản, cung cầu của nền kinh tế bị ảnh hưởng rất lớn, thêm một số rào cản pháp lý thực sự khó khăn. Người dân dịch chuyển các hành vi sang giao dịch mua sắm trực tuyến, các doanh nghiệp rất khó khăn.

Về phía ngân hàng, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết: “Không chỉ doanh nghiệp, bản thân các ngân hàng thương mại cũng phải đối mặt với những khó khăn trong thời gian qua”.

Cũng theo bà Diễm, thời gian qua ngân hàng phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa phải chống dịch vừa phải vận hành doanh nghiệp của mình, vừa phải đồng hành cùng nền kinh tế. Cùng với đó vừa phải duy trì lãi suất kinh doanh, vừa phải duy trì miễn giảm phí, giảm lãi theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng phải đảm bảo tính thanh khoản ổn định duy trì suốt mùa dịch.

“Về phía ngân hàng, các ngân hàng chứ không riêng gì chúng tôi luôn luôn xác định đồng hành cùng khách hàng dựa trên sự khó khăn của nền kinh tế, cân đối giữa lợi nhuận, hy sinh một phần lợi nhuận, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp khó khăn do dịch” bà Diễm nhấn mạnh.

Theo bà Diễm, năm 2021, Sacombank đã hy sinh gần 3.000 tỷ đồng lợi nhuận. Ngân hàng đã chia sẻ và đồng hành từ hỗ trợ lãi suất, miễn giảm phí, miễn giảm lãi vay… và ủng hộ phòng, chống dịch. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ cũng đưa ra chính sách hỗ trợ lãi suất như: Nghị định 31, Thông tư 03; áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ lãi suất, mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ mức 2%. Hiện nay cũng đã phân hạn mức đó cho các ngân hàng áp dụng và tìm ra những đối tượng khách hàng phù hợp, đưa chính sách hỗ trợ giảm lãi suất này xuống cho doanh nghiệp.

Đề cập về sự hỗ trợ, đồng hành cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho rằng, quan trọng nhất bây giờ, doanh nghiệp cần vốn nhưng room tín dụng có những hạn hẹp nhất định do phải điều tiết chính sách giữa lạm phát và điều hành kinh tế ổn định.

Vì vậy, theo bà Diễm, Sacombank phải sàng lọc doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp tiêu dùng rồi cho vay cá nhân, cho vay online, cuối cùng mới tới bất động sản và trái phiếu.

Cũng theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm việc khơi thông dòng vốn của lĩnh vực bất động sản là cần thiết, đây là điểm nghẽn cần tháo gỡ kịp thời. Bởi nếu không khơi thông nguồn vốn cho lĩnh vực này thì nền kinh tế của chúng ta sẽ rất khó phát triển.

Bảo Phương

Theo Chất lượng và cuộc sống