Cần thay đổi quan điểm về nhà ở xã hội

TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng cần thay đổi quan điểm phát triển nhà ở xã hội để lo chỗ ở cho người nghèo, người thu nhập thấp... với giá thấp.

 -Cần thay đổi quan điểm về nhà ở xã hội - Ảnh 1

Doanh nghiệp đều mong muốn đóng góp cho phát triển nhà ở xã hội nhưng gặp nhiều vướng mắc về vấn đề pháp lý, nguồn vốn. (Ảnh: minh họa)

Nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp hiện nay rất lớn và cấp bách. Số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng năm 2022 cho thấy nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030 là khoảng 2,6 triệu căn hộ. Trong đó, từ năm 2021-2025 là khoảng 1,3 triệu căn.

Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đến nay đạt kết quả rất thấp so với mục tiêu đề ra. Cụ thể, hiện mới đạt 5,2/12,5 triệu m2, tương đương khoảng 41,6% nhu cầu của "Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/11/2011.

TS. Võ Kim Cương cho rằng, cần thay đổi quan điểm phát triển nhà ở xã hội để lo chỗ ở cho người nghèo, người thu nhập thấp để có chỗ ở với giá thấp.

Theo đó, ưu tiên hơn về đất đai, vốn để lo chỗ ở cho người nghèo và hướng tới chính sách cho thuê. Nhà nước quản lý đất công, vốn và cần sử dụng nguồn lực này để làm nhà cho người thu nhập thấp thuê. Khi triển khai cần có chính sách tốt trong xây dựng để đảm bảo chất lượng công trình.

Chia sẻ kinh nghiệm tại địa phương, ông Nguyễn Văn Thanh Huy, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết phát triển nhà ở xã hội là chủ trương chung của Chính phủ nhưng ở mỗi địa phương khác nhau.

Khi người lao động đến Bình Dương làm việc, UBND tỉnh xem đây là cơ hội cũng là thách thức cho địa phương. UBND tỉnh đã làm việc với Becamex để phát triển nhà ở xã hội gắn liền hệ sinh thái như y tế, giáo dục, giao thông… Người lao động phải được hưởng tất cả tiện ích xã hội như bao người dân khác. Nếu đưa đi xa, đi lại khó khăn, người lao động thu nhập thấp khó lại càng khó. Nhà ở xã hội gắn với hệ sinh thái không thể tách rời.

Về mặt tổng quan, nhà ở xã hội là một sản phẩm nhà ở, Nhà nước phải đóng vai trò để nhà ở xã hội có giá phù hợp. Không phải ban, tặng, cho… Nhà ở xã hội cần các chính sách phù hợp nhất tùy thu nhập từng địa phương.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thanh Huy, tất cả doanh nghiệp đều mong muốn đóng góp cho phát triển nhà ở xã hội nhưng gặp nhiều vướng mắc về vấn đề pháp lý, nguồn vốn… Vì thế, các gói kích cầu của Chính phủ phải giải quyết được nguồn vốn. Các quỹ vay phải có chính sách hỗ trợ người lao động cụ thể hơn, vay dài hạn 25-35 năm mới tiếp cận được nhà ở xã hội.

“Vấn đề thuê hay sở hữu, thuê là vấn đề ban đầu nhưng sở hữu là vấn đề lâu dài. Muốn người lao động sở hữu nhà ở thì phải có nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp, lâu dài”, ông Huy khẳng định.

Cùng với đó, cần tính toán thiết kế nhà ở xã hội để giảm giá thành, ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, có nhiều vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội tại thành phố, trong đó lĩnh vực này chịu tác động của 6 đạo luật nên ảnh hưởng đến quá trình phát triển dự án nhà ở xã hội.

Một thực tế hiện nay là dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng phải làm thủ tục thanh toán xong mới được miễn. Ngoài ra, còn phải kiểm tra đối tượng được mua nhà ở xã hội, thẩm định giá bán. Những việc này khiến kéo dài thời gian làm thủ tục, không hấp dẫn nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội cũng hạn chế, gói tín dụng thời gian qua không đủ để nhà đầu tư kéo giá thành xuống. Quan điểm, nhận thức của đối tượng có nhu cầu nhà ở xã hội cũng khác nhau nên ảnh hưởng đến định hướng phát triển nhà ở xã hội.

Đại diện Sở Xây dựng TP cho hay trên cơ sở rà soát các vướng mắc, thành phố đã hệ thống lại và ban hành quy trình thủ tục làm dự án nhà ở xã hội để rõ ràng các bước ở các cơ quan để thành phố kiểm soát tiến độ, nhà đầu tư biết lộ trình, quy chế phối hợp giữa các sở ban ngành. Thành phố cũng công bố chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, góp phần vào việc thực hiện đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp mà Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ.

Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tính toán thiết kế nhà ở xã hội để giảm giá thành. Ngoài ra, sở sẽ tham mưu đề án hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở, trong đó có cơ chế trích tiền lương đưa vào từ 2-3 năm để có quỹ nhà ở xã hội trong tương lai.

Trong dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết 54, TP.HCM cũng kiến nghị nhiều cơ chế, chính sách để phát triển nhà ở xã hội, trong đó có việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án được ưu đãi tăng chỉ tiêu quy hoạch 1,5 lần mà không cần phải chờ điều chỉnh quy hoạch phân khu.

Đồng thời, cho phép thành phố sắp xếp lại các dự án nhà ở xã hội trong dự án thương mại. Hiện nay, cơ chế yêu cầu chủ đầu tư dành quỹ đất 20% trong dự án thương mại để làm nhà ở xã hội nên dẫn tới nhà ở xã hội phân bố toàn địa bàn mà chưa gắn với quy hoạch. Thành phố xin cho quy hoạch nhà ở xã hội theo khu vực. Ngoài ra, thành phố cũng kiến nghị bổ sung các quỹ đất khác để phát triển nhà ở xã hội.

Minh Vân

Theo Chất lượng và Cuộc sống