Cảnh giác cơn sốt đấu giá đất ở nông thôn

Hiện nay, có rất nhiều cơn sốt ảo đấu giá tại đất nông thôn ở một số địa phương. Chính vì vậy, nhà đầu tư cần tỉnh táo để tránh bị lừa.

Cảnh giác trước cơn sốt đất tại địa phương.  
Cảnh giác trước cơn sốt đất tại địa phương.  
Nhiều mảnh đất giá cao “ngất ngưởng”

Cụ thể, giữa tháng 9/2021, UBND huyện Nho Quan, Ninh Bình thông báo đấu giá quyền sử dụng 174 lô đất quy hoạch xây dựng nhà ở tại khu dân cư Vườn Lang tại xã Phú Lộc, có diện tích từ 95- 402m2 với giá khởi điểm từ 4,5 -5 triệu đồng/m2.

Tiền đặt trước theo phương án đấu giá (tiền cọc) được quy định từ 70-100 triệu đồng/hồ sơ.

Kết quả, trải qua 5 vòng đấu giá công khai, giá đã đẩy lên 5,6-7,8 triệu đồng/m2; trong đó có lô đất có giá khởi điểm chỉ khoảng 650 triệu đồng đã bị đẩy lên hơn 1,3 tỷ đồng. Khi có kết quả trúng đấu giá từ vòng đầu, địa phương này nhộn nhịp xe qua lại của dân môi giới, “cò đất”.

Sau đó, tới thời điểm địa phương yêu cầu nộp đủ số tiền trúng đấu giá, hàng loạt “nhà đầu tư” sẵn sàng bỏ cọc.

Tuy nhiên, tình trạng này không chỉ diễn ra ở Ninh Bình mà còn có ở nhiều địa phương khác.

Mới đây, UBND huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đã ra hàng loạt quyết định về việc hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với 35 lô đất.

Trước đó, kết quả rà soát của UBND huyện Lạng Giang (Bắc Giang) cũng cho thấy, đến thời điểm tháng 4/2021, toàn huyện có 103 lô đất sau đấu giá đã hết thời hạn nộp tiền nhưng khách hàng bỏ cọc, không nộp tiền sử dụng đất.

Giá đất ở nông thôn có sự bất thường?

Trao đổi về vấn đề này với Báo Giao thông, đại diện Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất (Bộ TN&MT) thừa nhận có sự bất thường đang diễn ra tại các cuộc đấu giá đất ở vùng nông thôn.

“Việc đấu giá đất nông thôn lâu nay đều có mục đích tăng thu ngân sách địa phương và cấp nguồn cung cho thị trường.

Tuy nhiên đất đai không giống như hàng hoá khác, chính quyền muốn tung hàng ra can thiệp thị trường để bình ổn giá phải trải qua nhiều thủ tục, đảm bảo các yếu tố về cơ sở hạ tầng”, ông cho biết thêm.

Chuyên gia kinh tế, TS.Trần Kim Chung cũng cho rằng, dù chưa có sự đong đếm chính xác về sự tác động đấu giá đất tới thị trường bất động sản, nhưng hiện tượng “đẩy sóng” đất đã được cảnh báo từ lâu, song vì quá nhiều cơ quan cùng quản lý nên chưa được giải quyết triệt để.

“Chủ trương giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá giúp tăng thu cho ngân sách địa phương nhưng phần nào cũng gây ảnh hưởng tới thị trường bất động sản. Đây cũng chính là vấn đề những người làm chính sách và cả đội ngũ tổ chức thực hiện đấu giá phải xem lại quy định về quy mô, tỷ lệ đất đấu giá phù hợp với từng điều kiện cụ thể tại địa phương”, ông Chung cho hay.

Quang Duy

Theo Sở hữu trí tuệ