Cạnh tranh room tín dụng, ngân hàng sẽ giảm sâu lãi suất cho vay?

Việc các ngân hàng được nới thêm room tín dụng có thể sẽ là động lực để lãi suất cho vay tiếp tục giảm.

Theo thông báo mới nhất của NHNN, các ngân hàng đã hoàn thành 80% chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ được nới room tín dụng trong phần còn lại của năm 2024. Tính đến thời điểm hiện tại, có 4 ngân hàng đã hoàn thành khoảng 80% chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trở lên, gồm có HDBank, Techcombank, LPBank và ACB.

Theo VPBankS Research, chính sách này sẽ là động lực cho các ngân hàng cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong việc giành room tín dụng và thị phần. Một số ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay để thúc tăng trưởng tín dụng.

Báo cáo của NHNN chỉ ra, trong nửa đầu năm, lãi suất đối với các khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm trong bối cảnh lãi suất huy động tăng. Tính đến cuối tháng 6/2024, lãi suất cho vay bình quân toàn ngành ở mức 8,3%/năm, thấp hơn 0,96% so cuối năm 2023. Mặt bằng lãi suất cho vay nhìn chung hiện đang ở mức khá thấp, bình quân rơi vào khoảng 6 - 8%/năm.

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng vẫn đang tiếp tục tung ra nhiều gói ưu đãi cho vay đối với cả khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp. Đơn cử như BIDV vừa dành gói tín dụng với ưu đãi lãi suất giảm tới 2%/năm so với mức lãi vay thông thường cho các doanh nghiệp khi phát hành bảo lãnh thực hiện các gói thầu vào các bệnh viện, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục.

Cạnh tranh room tín dụng, ngân hàng sẽ giảm sâu lãi suất cho vay? - Ảnh 1

Tại BVBank, ngân hàng này cho vay với lãi suất từ 4,49%/năm, thời gian vay tối đa 25 năm, ân hạn gốc 24 tháng đối với khách hàng cá nhân, tiểu thương, hộ kinh doanh vay vốn để duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh.

Tại Agribank, từ nay đến ngày 31/10/2024, Agribank sẽ dành 20.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay trung, dài hạn để đầu tư hoạt động sản xuất - kinh doanh, với lãi suất từ 6%/năm, kỳ hạn vay từ 12 tháng trở lên.

Hay từ nay đến hết ngày 30/9/2024, LPBank dành 1.000 tỷ đồng cho khách hàng vay mua nhà đất và nhà dự án, với lãi suất chỉ từ 3,9%/năm và thời hạn tối đa 35 năm. Eximbank cũng đang tích cực ưu đãi cho gói tín dụng bất động sản khi cho vay tới 85% giá trị tài sản đảm bảo, lãi suất chỉ từ 3,5%/năm, thời hạn cho vay tối đa 40 năm và chính sách ân hạn gốc 7 năm.

Song, ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch Saigon Ratings cho rằng cả doanh nghiệp lẫn người đi vay nói chung không nên kỳ vọng lãi suất cho vay giảm sâu hơn nữa. Theo lý giải của đại diện Saigon Ratings, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng vẫn đang có xu hướng gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây, buộc các ngân hàng phải tăng thêm chi phí trích lập dự phòng của các ngân hàng. Chưa kể, vào cuối năm 2024, các ngân hàng còn phải xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng theo Thông tư 02 khiến các ngân hàng khó có thể hạ thêm lãi suất cho vay.

Đồng quan điểm, ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc NHTM Bản Việt (BVBank) nhận định mặt bằng lãi suất cho vay khó có thể giảm sâu hơn nữa khi lãi suất cho vay đang ơ mức nền thấp so với cuối năm ngoái.

Theo ông, bản thân các ngân hàng cũng phải trả lãi cho người gửi và cân đối nguồn vốn, đảm bảo các tỷ lệ an toàn. Do đó, với vốn huy động có lãi suất cao mà ngân hàng đã huy động thời gian qua, thì nay vẫn phải giữ một mặt bằng lãi suất ổn định hoặc theo xu hướng cao hơn để giữ không mất chênh lệch giữa huy động - cho vay. Chưa kể, các ngân hàng cũng phải đáp ứng nhu cầu vốn dự kiến đa dạng và tăng cao hơn của nền kinh tế giai đoạn cuối năm, cản trở kỳ vọng hạ lãi suất vay sâu hơn.

Khánh Tú

Theo VietnamFinance