Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tăng vốn lên mức 1 tỷ USD

Tổng mức đầu tư dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) dự kiến tăng khoảng 6.280 tỷ đồng so với chủ trương của Quốc hội, từ 17.837 tỷ đồng lên 24.117 tỷ đồng (tương đương gần 1 tỷ USD)

Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải), tổng mức đầu tư dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) dự kiến tăng khoảng 6.280 tỷ đồng so với chủ trương của Quốc hội, từ 17.837 tỷ đồng lên 24.117 tỷ đồng.

Hiện dự án đang được thẩm định nội bộ hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án để trình cấp có thẩm quyền. Nguyên nhân khiến dự án tăng vốn chủ yếu nằm ở chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB).

So với chi phí GPMB được duyệt ban đầu, chi phí ở thời điểm hiện tại dự kiến tăng khoảng 4.080 tỷ đồng.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) tăng vốn thêm 6.280 tỷ đồng (ảnh minh họa)
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) tăng vốn thêm 6.280 tỷ đồng (ảnh minh họa)

Phạm vi đầu tư dự án cũng đề xuất điều chỉnh bổ sung nút giao Mỹ Xuân - Ngãi Giao tại dự án thành phần 3 với chi phí dự kiến gần 1.600 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí xây dựng được cập nhật một số cầu trong nút giao, hệ thống trạm thu phí, trạm cân kiểm soát tải trọng xe được bổ sung với chi phí dự kiến hơn 600 tỷ đồng.

Về tiến độ triển khai dự án, chủ đầu tư báo cáo tính đến đầu tháng 12/2024, trong 3 dự án thành phần, hiện chỉ có dự án thành phần thứ 3 đáp ứng tiến độ. Sản lượng thi công đến nay đạt hơn 49% giá trị xây lắp của hợp đồng.

Dự án thành phần 1 sản lượng hiện đạt khoảng 11% giá trị hợp đồng, chậm 12% so với kế hoạch. Sản lượng thi công dự án thành phần 2 đạt hơn 20% giá trị hợp đồng, chậm hơn 10% so với kế hoạch.

Vướng mắc lớn nhất của dự án là công tác bàn giao mặt bằng để thi công dự án thành phần 1 và 2 chưa đảm bảo. Trong đó, tỷ lệ mặt bằng thi công dự án thành phần 1 mới đạt 67%; các khu tái định cư phục vụ GPMB trên địa bàn TP. Biên Hòa chưa triển khai xây dựng.

Tỷ lệ bàn giao mặt bằng dự án thành phần 2 mới đạt hơn 93%. Các khu tái định cư phục vụ GPMB (trên địa bàn huyện Long Thành) chưa hoàn thành.

Bên cạnh đó, công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật triển khai chậm, việc di dời, hoàn trả sẽ mất nhiều thời gian, thủ tục. Đặc biệt, các công trình đường điện trên 35KV, đường ống cấp nước đường kính trên 500... gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.

Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; tập trung ưu tiên bàn giao trước các vị trí cơ bản đã đủ thủ tục pháp lý, các vị trí xử lý nền đất yếu, cầu vượt, cống-hầm chui để các nhà thầu tổ chức triển khai thi công; đẩy nhanh tiến độ chi trả tiền cho người dân.

Trần Lê

Theo VietnamFinance