Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vướng đề án trạm thu phí chưa được phê duyệt

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã có khoảng 90% khối lượng tiến độ, nhưng vẫn đang gặp vướng mắc về đề án thu phí chưa được phê duyệt.

Sau hơn 2,5 năm tiếp nhận dự án, dưới sự điều hành của Tập đoàn Đèo Cả tiến độ hiện tại đạt khoảng 90% khối lượng, những đoạn đường cao tốc cuối cùng đang được thảm nhựa, hệ thống an toàn giao thông, điện chiếu sáng cũng đang được hơn 1.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân nỗ lực ngày đêm gấp rút thi công nhanh chống đưa vào hoạt động.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vướng đề án trạm thu phí chưa được phê duyệt - Ảnh 1

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đi qua vùng địa chất khó khăn với gần 40km đường đi qua vùng địa chất yếu cần phải xử lý nền bằng phương pháp cắm bấc thấm gia tải. Doanh nghiệp dự án đã chủ động mời các chuyên gia nghiên cứu, lựa chọn các giải pháp kỹ thuật tối ưu đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật dự án, rút ngắn tiến độ,.... Đối với việc giải quyết bài toán nguồn nguyên vật liệu khan hiếm, giá cả biến động lớn, doanh nghiệp triển khai dự án đã chủ động tìm kiếm nhà cung cấp và ký kết hợp đồng bình ổn giá. Các nhà thầu kém năng lực thi công và thiếu năng lực tài chính để thực hiện Dự án cũng được rà soát loại bỏ, thay thế bởi các nhà thầu có năng lực.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, Doanh nghiệp dự án đã chủ động thực hiện tiêm chủng vaccine phòng ngừa COVID – 19 cho toàn bộ công nhân viên của công trình. Khi các nhà đầu tư và các nhà thầu gặp khó khăn do dịch bệnh, không đủ nguồn vốn tham gia dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã ứng 500 tỷ đồng bổ sung cho Dự án để không làm ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Cao tốc đã cơ bản hoàng thành nhưng vướng đề án trạm thu phí chưa thể đưa vào hoạt động.  
Cao tốc đã cơ bản hoàng thành nhưng vướng đề án trạm thu phí chưa thể đưa vào hoạt động.  

Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn đang gặp vướng mắc về đề án thu phí tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương chưa được phê duyệt. Vì vậy, việc thu phí hoàn vốn đầu tư cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận khi hoàn thành và đưa vào khai thác trong quí I/2022 sẽ không thực hiện được và còn chậm trễ kéo dài cho đến khi kết nối được với hệ thống thu phí tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Để dự án được đưa vào hoạt động, doanh nghiệp thực hiện dự án đề xuất phương án: Phương án 1 là sửa chữa, nâng cấp hệ thống hạ tầng và thay mới hệ thống thiết bị thu phí các trạm thu phí của tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương để thực hiện chức năng kiểm soát đầu vào (hướng TP Hồ Chí Minh đi Mỹ Thuận) và đầu ra (hướng Mỹ Thuận đi TP Hồ Chí Minh) theo nguyên tắc chỉ thu phí các phương tiện lưu thông qua tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (từ điểm đầu là nút giao Thân Cửu Nghĩa đến điểm cuối là nút giao An Thái Trung và ngược lại); không thu phí các phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (từ trạm Chợ Đệm đến điểm đầu cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là nút giao Thân Cửu Nghĩa và ngược lại). Với phương án này không cần giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư 160 tỷ đồng, thời gian thực hiện khoảng 7 tháng.

Phương án 2 là xây dựng trạm thu phí mới trên tuyến chính tại Km51+940, với phương án này cần phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư khoảng 140 tỷ đồng, thời gian triển khai và thi công kéo dài (13 tháng) dẫn đến việc chậm đưa vào thu phí hoàn vốn khoảng 6 tháng, phát sinh phí lãi vay so với phương án 1 khoảng 396 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, khi cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương cho phép thu phí trở lại, hệ thống trạm thu phí đặt trên tuyến chính không tận dụng được sẽ gây lãng phí.

Doanh nghiệp dự án kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cần có phương án xử lý dứt điểm đối với vấn đề này để không làm ảnh hưởng đến việc đưa Dự án vào vận hành, khai thác, phát huy hiệu quả.

Kim Cương

Theo Doanh nghiệp Việt Nam