CEO Fecon Nguyễn Văn Thanh: 'Thoái vốn một dự án điện sẽ là cứu cánh cho kết quả kinh doanh 2022'

Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Fecon (HoSE: FCN) cho biết năm 2022, công ty khó lòng hoàn thành mục tiêu doanh thu, tuy nhiên với việc bán thành công Vĩnh Hảo 6 vào cuối quý này, lợi nhuận sẽ có sự tăng trưởng so với năm trước.

Dòng tiền gặp khó, CTCP Fecon chấp nhận lùi thời gian trả cổ tức

Bão giá nhiên liệu thổi bay 2 triệu USD lợi nhuận

Sau một năm 2021 có phần chật vật, Fecon đã bước vào năm 2022 với nhiều kỳ vọng, lạc quan. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, ban lãnh đạo Fecon đã trình một kế hoạch kinh doanh táo bạo với doanh thu hợp nhất 5.000 tỷ đồng, lãi sau thuế hợp nhất 280 tỷ đồng, đều là những con số kỷ lục từ trước đến nay.

Tuy nhiên, diễn biến thực tế lại không xảy ra như những gì ban lãnh đạo Fecon mong đợi. Những tác động bất lợi từ kinh tế thế giới (chiến sự Nga – Ukraine leo thang, lạm phát bùng nổ…) đã ảnh hưởng mạnh tới kinh tế trong nước, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của Fecon gặp trục trặc.

“Chúng tôi vốn dĩ có thể kí rất nhiều hợp đồng nhưng tình hình bất lợi nên phải từ chối. Làm càng nhiều dự án lúc này đồng nghĩa với càng nhiều rủi ro”, CEO Nguyễn Văn Thanh nói với VietnamFinance.

Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 đã phản ánh rất rõ nét những khó khăn của Fecon: doanh thu 1.540 tỷ đồng (tăng 15%) nhưng lợi nhuận gộp giảm 19%, lợi nhuận trước thuế giảm 86%, chỉ đạt 9 tỷ đồng; thậm chí quý I/2022, Fecon còn lỗ - quý lỗ đầu tiên trong lịch sử.

Bão giá được nhìn nhận là một trong nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên. CEO Nguyễn Văn Thanh cho biết: “Giá nhiên liệu, trực tiếp là xăng dầu, tăng quá dữ dội. Nếu như với các nguyên vật liệu khác, chúng tôi có thể mua trước, đàm phán với nhà cung cấp thì với xăng dầu lại không. Mặt hàng này mua ngày nào biết ngày đó. 6 tháng đầu năm, đà tăng của xăng dầu đã đốt của chúng tôi 46 tỷ đồng (tương đương 2 triệu USD) lợi nhuận. Dù đã tính toán các rủi ro về giá nguyên nhiên liệu nhưng đà tăng của xăng dầu là hoàn toàn bất ngờ, không tưởng tượng nổi. Các nhà cung cấp nguyên vật liệu cũng chịu tác động như vậy, dẫn đến họ cũng tăng giá và không thể hỗ trợ Fecon”.

Ngoài chi phí nguyên nhiên liệu, một bất lợi khác với Fecon là khó khăn của các chủ đầu tư. Chính sách tiền tệ thắt chặt dẫn đến nhiều chủ đầu tư khó khăn về dòng tiền, chậm thanh toán cho nhà thầu. Việc chủ đầu tư hỗ trợ cho Fecon cũng vì thế mà suy giảm theo, chỉ một vài đơn vị có hỗ trợ, song ở mức không đáng kể. “Nhiều dự án của chúng tôi có biên lợi nhuận rất thấp, thậm chí lỗ”, ông Thanh nói.

Kỹ thuật của lợi nhuận

Vấn đề lợi nhuận thấp của Fecon trong 6 tháng đầu năm là một thực tế không chối cãi. Tuy vậy, bình tâm mà xét, có thể thấy hai điều.

Một là chi phí. 6 tháng đầu năm 2022, chi phí tài chính của Fecon rất lớn, đạt 100 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ riêng chi phí tài chính này đã “đánh bay” hơn 50% lợi nhuận gộp. Tuy nhiên, điều này không xuất phát từ việc Fecon vay chồng nợ chất. Ngược lại, từ 2021 đến nay, doanh nghiệp này đã cải thiện mạnh mẽ về chất lượng tài sản (giảm các khoản phải thu, nợ khó đòi, hàng tồn kho), giảm quy mô nợ phải trả, giảm dòng tiền vay mượn bên ngoài…

Chi phí tài chính tăng như trên chủ yếu do phát sinh tăng chi phí lãi vay của công ty con - Công ty Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng. 6 tháng đầu năm trước, chi phí lãi vay này được vốn hóa vào chi phí đầu tư dự án nhưng 6 tháng đầu năm nay, đó lại là chi phí trong kỳ khi dự án đã đi vào hoạt động thương mại.

Như vậy, có thể thấy khoản lỗ hoạt động tài chính phần nào mang yếu tố kỹ thuật.

Hai là khoản đầu tư. Năm 2022, Fecon đặt mục tiêu chuyển nhượng tại một trong hai, hoặc cả hai dự án năng lượng lớn: Vĩnh Hảo 6 và Quốc Vinh Sóc Trăng. Hai dự án này dự kiến sẽ mang lại cho công ty khoản lợi nhuận cỡ 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, việc chuyển nhượng chưa thành công, dẫn đến công ty không thể “book” lợi nhuận.

Rút lại, có thể thấy, kết quả kém tích cực trong 6 tháng đầu năm của Fecon là có thể thông cảm được. Bởi ngoài 2 yếu tố vừa nêu trên, đừng quên rằng doanh thu của Fecon vẫn đang tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ. Và tính đến hết tháng 9 vừa qua, giá trị hợp đồng ký mới đã đạt đến con số 3.500 tỷ đồng. CEO Nguyễn Văn Thanh nói từ đây đến hết năm, công ty kỳ vọng ký được thêm 2.000 tỷ đồng nữa.

Triển vọng cuối năm

Nói với VietnamFinance về quý III/2022, CEO Nguyễn Văn Thanh thừa nhận kết quả không như ý. Dư âm của bão giá vẫn còn rất mạnh, khiến chi phí thi công tăng vọt. Chính sách thắt chặt tiền tệ khiến các chủ đầu tư khó khăn, dẫn đến các dự án đang triển khai ở mức độ cầm chừng, nhiều dự án trong kế hoạch đấu thầu cũng dừng lại. Sản lượng và doanh thu vì thế suy giảm hơn so với năm trước.

Đây cũng là thực trạng chung của ngành xây dựng trong giai đoạn qua. Fecon ở lĩnh vực nền móng và hạ tầng ngầm còn “đỡ” hơn các doanh nghiệp trong mảng xây dựng dân dụng – thương mại, vốn đã ít việc lại còn chịu cạnh tranh khốc liệt về giá.

Tuy nhiên, khó khăn không kéo dài mãi. Quý IV/2022 đã xuất hiện nhiều hơn những thông tin tích cực, giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của Fecon khởi sắc.

Bên cạnh đó, Fecon đã đạt được thỏa thuận quan trọng trong việc chuyển nhượng Vĩnh Hảo 6. Vừa qua, HĐQT Fecon đã thông qua giao dịch chuyển nhượng cổ phần để thoái toàn bộ vốn đầu tư, ước tính thương vụ sẽ hoàn tất vào tháng 12 và kịp ghi nhận lợi nhuận cho năm nay.

Với các dự án bất động sản, Fecon đã đặt một chân vào dự án tại Thái Nguyên (khu đô thị Nam Thái - phần diện tích 24,68ha). CEO Nguyễn Văn Thanh cho biết trong thời gian tới, công ty sẽ được công nhận chủ đầu tư và sẽ lập tức triển khai dự án. Tuy nhiên, dự án bất động sản này không kịp ghi nhận lợi nhuận cho năm 2022. Nó sẽ cùng một số dự án khác thể hiện vai trò trong năm sau, nhanh nhất là từ quý I.

“Năm nay, Fecon nhiều khả năng không thể hoàn thành được kế hoạch kinh doanh. Tuy vậy, lợi nhuận năm nay sẽ vẫn tăng trưởng so với năm trước. Trong bối cảnh rất khó khăn của ngành xây dựng, Fecon đề cao sự ổn định, chắc chắn. Chúng tôi kỳ vọng năm tới, Chính phủ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn đầu tư công, có cơ chế giá phù hợp, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Năm tới, Fecon sẽ đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng hơn các mục tiêu, song nhấn mạnh rằng chúng tôi vẫn sẵn sàng để bứt phá”, ông Thanh chia sẻ.

Ái Châu Tử

Theo VietnamFinance