Dòng tiền gặp khó, CTCP Fecon chấp nhận lùi thời gian trả cổ tức

Kinh doanh thua lỗ, tín dụng bị ‘siết’ và lãi suất tăng mạnh là những lý do khiến CTCP Fecon không đủ sức thanh toán cổ tức năm 2021 bằng tiền với tỷ lệ 3%.

Ngày 25/10, CTCP Fecon (mã: FCN) công bố thông báo nghị quyết HĐQT về việc thay đổi thời gian thanh toán cổ tức năm 2021 bằng tiền. Ngày thanh toán đã thông báo là 28/10/2022, ngày điều chỉnh là 16/1/2023.

Trước đó, vào tháng 9 vừa qua, HĐQT công ty đã phê duyệt việc trả cổ tức năm 2021 bằng tiền với tỷ lệ 3%. Với hơn 157,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, ước tính công ty sẽ chi khoảng 47 tỷ đồng cho lần trả cổ tức này.

fecon-cham-tra-co-tuc  
fecon-cham-tra-co-tuc  
Giải trình về lý do lùi thời gian thanh toán cổ tức, CTCP Fecon cho biết, trong quý 4/2022, hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối thu chi của công ty gặp nhiều khó khăn do diễn biến của thị trường xây dựng và hoạt động tín dụng chung không thuận lợi.

Theo FCN, các hoạt động đầu tư đang ngừng trệ do nguồn vốn tín dụng khó khăn. Do đó, các hợp đồng mới dự kiến ký kết của công ty đều bị chậm tiến độ. Điều này ảnh hưởng đến dòng tiền dự kiến thu hồi trong các tháng cuối năm.

Doanh nghiệp giải thích thêm, trong giai đoạn cuối năm, với việc siết chặt hoạt động tín dụng của các ngân hàng và tổ chức tín dụng, room giải ngân bị hạn chế, mặt bằng lãi suất tăng nhanh và mạnh. Trong khi đó, đây là nguồn tài trợ vốn để Fecon cũng như các chủ đầu tư, tổng thầu có thể triển khai dự án, hợp đồng xây dựng đã ký kết.

Việc này dẫn đến tiến độ thực hiện và nguồn thu tiền về từ các dự án bị chậm, chi phí tài chính tăng cao, ảnh hưởng nặng đến kế hoạch cân đối thu chi của Fecon.

Hiện CTCP Fecon chưa công bố báo cáo tài chính quý 3/2022. Tuy nhiên, theo kết quả 6 tháng đầu năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần 1.541 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Do lỗ 7 tỷ trong quý 1/2021 nên lãi sau thuế nửa đầu năm của Fecon chỉ còn 1,2 tỷ đồng, giảm 97,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt hơn 8 tỷ, giảm 84%.

Đáng chú ý, tính đến cuối tháng 6/2022, Fecon có tới 1.481 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn và 1.145 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Tổng nợ vay chiếm 34% cơ cấu nguồn vốn. Công ty phải trả gần 53 tỷ đồng tiền lãi vay, tăng 56% do phát sinh tăng chi phí lãi vay của công ty con là Công ty Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng.

Trong bối cảnh nguồn vốn qua tín dụng bị ‘siết’ chặt cộng với tình hình kinh doanh ảm đạm, do đó Fecon đã chọn cách huy động vốn từ kênh trái phiếu nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của công ty.

Theo đó, ngày 13/6/2022, doanh nghiệp xây dựng này phát hành thành công lô trái phiếu mã FCNH2223001 kỳ hạn 18 tháng có giá trị 150 tỷ đồng với lãi suất lên tới 11%/năm. Mục đích nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của công ty. Trái phiếu được đảm bảo bằng 22,7 triệu cổ phần của CTCP Đầu tư Fecon (FCI) và 15,6 triệu cổ phần CTCP Công trình ngầm Fecon. Đây là 2 công ty con của Fecon.

Kết quả phát hành lô trái phiếu mã FCNH2223001 (nguồn: HNX)  
Kết quả phát hành lô trái phiếu mã FCNH2223001 (nguồn: HNX)  
Trước đó, ngày 15/6/2021, Fecon cũng chào bán thành công lô trái phiếu mã FCNH2123001 kỳ hạn tối đa 24 tháng có giá trị 95 tỷ đồng. Số tiền thu được từ phát hành trái phiếu để hợp tác kinh doanh với CTCP đầu tư Năng lượng Ecotech Việt Nam để thực hiện dự án Công ty TNHH Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng.

Trái phiếu được đảm bảo bằng 3 triệu cổ phiếu CTCP Fecon (mã:FCN); 4,1 triệu cổ phiếu CTCP khoáng sản Fecon (FCM); hơn 10 triệu cổ phần CTCP Fecon South (FCS); 5 triệu cổ phiếu CTCP Năng lượng Fecon(FCP).

Nhà máy điện gió Quốc Vinh do liên danh CTCP Fecon (đại diện là Công ty cổ phần đầu tư FECON) và Công ty Ecotech làm chủ đầu tư với công suất giai đoạn 1 là 30 MW, tổng mức đầu tư hơn 1.420 tỷ đồng trên diện tích quy hoạch 7,5 ha trên đất liền. Nhà máy có 6 trụ turbine gió, mỗi turbine có công suất 5 MW. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng khoảng 97,5 triệu kWh/năm.

Tại Dự án này, FECON đồng thời đảm nhiệm vai trò tổng thầu trong nước các hạng mục xây dựng và hạ tầng, phụ trách toàn bộ móng tuốc bin, hạ tầng giao thông, trạm biến áp và hệ thống đường dây truyền tải điện 110 KV dài 18,9 km.

Được biết, đây là dự án đầu tư thứ hai của CTCP Fecon trong mảng năng lượng tái tạo (sau Dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 - 50 MW), đánh dấu bước tiến mới của doanh nghiệp trong lĩnh vực này nói riêng và chiến lược “đi bằng hai chân: thi công và đầu tư” nói chung.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 26/10/2022, thị giá cổ phiếu FCN đang ở dưới mệnh giá, dừng ở mức 9.210 đồng/cp, giảm mạnh 71% so với thời điểm đầu năm (6/1/2022 có giá 31.900 đồng/cp).

Diễn biến cổ phiếu FCN từ đầu năm 2022 đến nay.  
Diễn biến cổ phiếu FCN từ đầu năm 2022 đến nay.  

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ