Chân dung ông chủ Tập đoàn Phúc Sơn: Từ cậu bé chăn vịt đến “đại gia” nghìn tỷ
Những ngày gần đây, liên quan đến những Kết luận Thanh tra về loạt dự án BT tại sân bay Nha Trang dính sai phạm nhận được sự quan tâm đặc biệt của độc giả. Tại Kết luận của Thanh tra xuất hiện những dự án của các “đại gia” bất động sản có tiếng, điển hình như 3 dự án BT của Công ty Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn) do doanh nhân Nguyễn Văn Hậu làm chủ đầu tư. Tuy nhiên những thông tin về hệ sinh thái Phúc Sơn cũng như “ông chủ” Nguyễn Văn Hậu lại thực sự thú vị.
CEO Tập đoàn Phúc Sơn: Từ Hậu “chăn vịt” đến đại gia giàu bậc nhất
Theo thông tin chúng tôi có được, doanh nhân 8X Nguyễn Văn Hậu xuất thân trong một gia đình nông dân vất vả. Tuy không được sinh ra trong một gia đình giàu có như bao doanh nhân khác những chàng trai Nguyễn Văn Hậu (sinh năm 1981, quê huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) đã “tự lực cánh sinh” để xây dựng cho mình một sự nghiệp vững chắc và trở thành ông chủ Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn) lẫy lừng khi tuổi đời mới chỉ ngoài 30.
Theo người dân huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), Nguyễn Văn Hậu có tuổi thơ đầy vất vả, từng phải chăn vịt để phụ giúp gia đình. Trước khi bước vào thương trường, ông chủ Tập đoàn Phúc Sơn còn có giai đoạn kiêm cả nghề chạy xe ngựa. Bằng nghị lực thoát nghèo, quyết “thoát khỏi luỹ tre làng” vươn lên từ hai bàn tay trắng, Hậu “chăn vịt” thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn vào những ngày đầu năm 2004 (tiền thân là Công ty TNHH Thương Mại và Xây Dựng Phúc Sơn).
Được biết, công ty của đại gia “chăn vịt” có có trụ sở chính tại xã Tam Phúc (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng. Và cũng từ đây, cái tên Hậu “pháo” hay Hậu “nổ” được giới bất động sản gắn liền với vị doanh nhân trẻ quê Vĩnh Phúc này. Được biết ông Hậu nắm giữ đến 99% giá trị cổ phần tại Phúc Sơn.
Trong suốt 5 năm sau ngày thành lập công ty, chàng trai trẻ 8X Nguyễn Văn Hậu đã phát triển Tập đoàn Phúc Sơn ngày càng lớn mạnh khi liên tục là nhà đầu tư của những dự án lớn mang tầm quốc gia và khu vực.
Tổng giám đốc trẻ tuổi Nguyễn Văn Hậu không chỉ có tài lãnh đạo mà có “máu liều”. Anh liên tiếp gây bão dư luận bởi những dự án mà người khác cho là điên rồ. Điển hình như thời điểm năm 2016, doanh nhân này đã chi 1.500 tỷ đồng xây dựng Nghĩa trang Thiên An Viên (Vĩnh Phúc), dự án này mang tầm khu vực.
Phúc Sơn của đại gia “chăn vịt” Nguyễn Văn Hậu có gì?
Mặc dù thời điểm mới thành lập, được đánh giá là doanh nghiệp còn “non trẻ”, tuy nhiên chỉ trong thời gian ngắn Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn đã và đang là chủ, nhà thầu của loạt dự án có tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỉ đồng trải dài khắp đất nước. Điển hình như dự án Khu Trung tâm thương mại và Nhà ở Phúc Sơn (Vĩnh Tường) với quy mô 130 ha.
Cũng tại Vĩnh Tường, Tập đoàn Phúc Sơn đã trúng thầu Dự án đầu tư và nâng cấp đê tả sông Hồng. Dự án này được đầu tư từ ngân sách nhà nước và được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt từ năm 2010, với thời gian thực hiện trong 5 năm (2010-2015), dự án Đầu tư xây dựng công trình Cải tạo nâng cấp đê tả Sông Hồng kết hợp đường giao thông kéo dài khoảng 28km, gồm 17km qua Vĩnh Tường và 11km qua huyện Yên Lạc. Đoạn qua Vĩnh Tường. Dự án có tổng mức đầu tư của dự án hơn 1.500 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách Trung ương là 70%, còn lại 30% là ngân sách tỉnh, chủ đầu tư là UBND huyện Vĩnh Tường.
Ngoài ra, thời điểm năm 2019, doanh nghiệp của ông Hậu cũng đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng Dự án Chợ đầu mối Vĩnh Tường từ Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Sông Hồng Thăng Long. Được biết, dự án có quy mô diện tích 186,49 ha, tổng mức đầu tư là 2.290 tỷ đồng. Tuy nhiên dự án này từng bị phản ánh có nhiều dấu hiệu bất thường và bị UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và môi trường kiểm tra.
Thời điểm đầu năm 2019, Tập đoàn Phúc Sơn cũng được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng Cụm Công nghiệp Thổ Tang – Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường với quy mô gần 36ha.
Được biết, để giành được dự án này Tập đoàn Phúc Sơn phải tham gia cả một quá trình đấu thầu. Trong đó, có thể nói bước quan trọng bậc nhất là vòng sơ tuyển thầu dự án. Tại vòng này Tập đoàn Phúc Sơn là đơn vị duy nhất trúng thầu. Cuối cùng, vào ngày 31/01/2019, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án này, Tập đoàn Phúc Sơn được lựa chọn theo hình thức chỉ định. Tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng dự án dự kiến 427 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Phúc Sơn cũng đã triển khai làm dự án khu nhà ở cho người có thu nhập thấp 15 tầng (Vĩnh Yên); khu đô thị hai bên đường Phù Đổng (Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) với quy mô 149 ha.
Hàng loạt sai phạm tại dự án sân bay Nha Trang
Nuôi mộng trở thành tập đoàn địa ốc hàng đầu Việt Nam, doanh nghiệp của doanh nhân sinh năm 1981 đã mở rộng quỹ đất thông qua nhiều dự án lớn, nhỏ ở nhiều tỉnh thành, mà TP. Nha Trang (Khánh Hòa) có thể xem như cứ điểm chủ chốt.
Tại Nha Trang, Phúc Sơn đã đầu tư các dự án lớn với tổng mức đầu tư tuyên bố lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là dự án Khu Trung tâm đô thị Thương mại – Dịch vụ – Tài chính – Du lịch Nha Trang được xây dựng trên khu đất sân bay Nha Trang cũ.
Được biết, “Siêu dự án” này được chia thành 1.300 lô đất nhà ở và hàng trăm căn biệt thự đơn lập với tổng vốn đầu tư lên đến 10.000 tỷ đồng. Đây cũng chính là dự án từng khiến cho Phúc Sơn rơi vào thế khó cùng hàng loạt những “lùm xùm” xung quanh việc triển khai thực hiện dự án.
Cụ thể, thời điểm giữa năm 2019 UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng tiếp tục kiểm tra để xác định có hay không tình trạng vi phạm mua bán, chuyển nhượng bất động sản tại dự án sân bay Nha Trang cũ. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, qua kiểm tra vào tháng 3/2018, chủ đầu tư dự án là CTCP Tập đoàn Phúc Sơn đã đưa bất động sản của dự án vào kinh doanh, thu tiền của khách hàng khi chưa đủ điều kiện.
Trước đó đầu tháng 5/2019 Sở Xây dựng Khánh Hòa đã có buổi làm việc với CTCP Tập đoàn Phúc Sơn về việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản liên quan đến dự án. Theo đó, Tập đoàn Phúc Sơn đã cung cấp văn bản về việc báo cáo đề xuất giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Được biết, tháng 11/2017, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện 3 dự án BT tại Nha Trang để đổi khu đất vàng trên.
Cụ thể gồm: Dự án các tuyến đường, các nút giao thông kết nối Khu sân bay Nha Trang có tổng mức đầu tư dự kiến 725,3 tỷ đồng; quỹ đất tạm tính: 741,671 tỷ đồng; thời gian hợp đồng dự án: 02 năm (2016 -2017).
Dự án Nút giao Ngọc Hội có tổng mức đầu tư dự kiến 1.378,9 tỷ đồng; quỹ đất thanh toán diện tích 5,37ha; thời gian hợp đồng 2 năm (2016 – 2017).
Cuối cùng là dự án đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội có tổng mức đầu tư dự kiến 1.180,1 tỷ đồng; quỹ đất thanh toán diện tích khoảng 9,68ha; thời gian hợp đồng dự án 2 năm (2016 – 2017).
Và mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố thông báo kết luận thanh tra (KLTT) về việc chấp hành chính sách, pháp luật liên quan các dự án trên. Theo Kết luận 3 dự án trên tồn tại những vi phạm. Cụ thể các DA BT không hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng vào cuối năm 2017, mặc dù đã gia hạn đến tháng 6.2021 nhưng đến thời điểm thanh tra mới thi công đạt khoảng 27% khối lượng xây lắp. Phê duyệt đề xuất DA, báo cáo nghiên cứu khả thi, tổng mức đầu tư, ký hợp đồng BT không phù hợp với tờ trình báo cáo Thủ tướng, làm tăng tổng mức đầu tư lên 484 tỉ đồng, kéo dài thời gian thực hiện DA lên thêm 30 tháng.
Đồng thời việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, ký kết hợp đồng BT còn có một số sai sót trong áp dụng định mức, đơn giá, biện pháp thi công, đền bù giải phóng mặt bằng và đưa một số hạng mục vào DA đầu tư chưa đúng quy định, làm tăng tổng mức đầu tư 3 DA lên 499,202 tỉ đồng. Phê duyệt kết quả lựa chọn NĐT, đàm phán và ký kết hợp đồng 3 DA BT có giá trị hợp đồng BT cao hơn giá trị DA BT được tỉnh phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn NĐT là: 73,49 tỉ đồng, là vi phạm về nguyên tắc xét duyệt trúng thầu…