Chi phí trả lãi tiền gửi đang 'gặm nhấm' lợi nhuận ngân hàng ra sao?
(SHTT) - 9 tháng đầu năm, chi phí trả lãi tiền gửi tại KienLongBank tăng mạnh thêm 270 tỷ đồng so với cùng kỳ, trong khi tại ABBank cũng tăng thêm 500 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý 3/2020 của nhiều ngân hàng cho thấy, ngoài việc tăng trưởng tín dụng sụt giảm do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, trích lập dự phòng rủi ro tăng do các ngân hàng cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp khiến lợi nhuận ngân hàng sụt giảm, thì ở một số nhà băng chi phí trả lãi tiền gửi tăng cao cũng là yếu tố kéo lợi nhuận đi xuống.
Chẳng hạn tại KienLongBank, chi phí trả lãi tiền gửi tăng cũng là yếu tố khiến lợi nhuận tại ngân hàng giảm 38%.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm nay, chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự tại ngân hàng này tăng trên 300 tỷ đồng, tương đương tăng 15% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, riêng chi phí trả lãi tiền gửi cũng tăng mạnh gần 270 tỷ đồng, tương đương tăng 16% so với cùng kỳ, lên hơn 1.989 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng vọt 96% trong 9 tháng đầu năm 2020, ghi nhận hơn 83 tỷ đồng.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, sau khi trừ đi các chi phí có mức tăng nói trên, KienLongBank đạt lợi nhuận trước và sau thuế gần 145 tỷ đồng và hơn 115 tỷ đồng.
So sánh với con số lợi nhuận trước thuế 236 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 188 tỷ đồng của cùng kỳ 2019, lợi nhuận của KienLongBank đã giảm lần lượt 39% và 38% trong 9 tháng đầu năm 2020.
Tại ABBank, trong 9 tháng đầu năm nay, chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự tăng trên 400 tỷ đồng, tương đương tăng 15% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, chỉ riêng chi phí trả lãi tiền gửi cũng tăng mạnh trên 500 tỷ đồng, tương đương tăng 20% so với cùng kỳ, lên hơn 3.049 tỷ đồng. Cùng với đó, trích lập dự phòng rủi ro tuy đã giảm nhẹ 2% nhưng kết thúc 9 tháng đầu năm, ABBank vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ, đạt hơn 753 tỷ đồng.
Tương tự, trong báo cáo tài chính quý 3/2020 của LienVietPostBank, chi phí trả lãi tiền gửi tăng cũng tác động không nhỏ tới lợi nhuận ngân hàng chỉ tăng nhẹ 6%.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm, LienVietPostBank ghi nhận chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự tăng thêm hơn 800 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên mức 8.335 tỷ đồng. Trong đó, trả lãi tiền gửi tăng hơn 390 tỷ đồng, lên gần 6.112 tỷ đồng; trả lãi phát hành giấy tờ có giá cũng tăng thêm 530 tỷ đồng, tương đương tăng 57% so với cùng kỳ, lên mức 1.460 tỷ đồng
Kết thúc 9 tháng đầu năm, sau khi trừ các chi phí trên, lãi trước và sau thuế tại LienVietPostBank chỉ tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ, đạt 1.741 tỷ đồng và 1.395 tỷ đồng. Với con số này LPB cũng đã vượt kế hoạch so với chỉ tiêu 1.700 tỷ đồng lãi trước thuế cả năm 2020 nhưng mức tăng cũng không đáng kể.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng từng cho biết: “Thời gian tới NHNN sẽ xem xét để giảm tiếp các lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, lãi suất thị trường mở…; Cùng với đó, NHNN sẽ quyết liệt chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay bền vững".
Để hiện thực cam kết này, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã 4,5 lần đồng loạt giảm lãi suất huy động. Việc điều chỉnh giảm mạnh trong thời gian gần đây được cho là do thanh khoản của các ngân hàng thương mại khá dồi dào, trong khi do tác động của đại dịch Covid-19, tín dụng tăng trưởng khá chậm.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước vào đầu tháng 5/2020 cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động VNĐ trên thị trường ngân hàng hiện phổ biến chỉ 5,3-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng và cao nhất 6,6-7,4%/năm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Trong tháng 12/2020, lãi suất huy động cao nhất tại ABBank, KienLongBank là 7,1% tại kỳ hạn 13 tháng trở lên. Còn đối với LienVietPostBank lãi suất huy động cao nhất tháng 12/2020 là 7,9% ở kỳ hạn 13 tháng. Có thể thấy, so với mặt bằng chung, lãi suất tiền gửi tại ABBank, KienLongBank và LienVietPostBank vẫn đang ở mức khá cao.