Siêu đô thị TP.HCM mới, cất cánh với những dự án hạ tầng tỷ USD

TP. HCM mới hình thành đang mở ra các cơ hội kết nối và phát triển hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngày 27/6, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP. HCM, tổng chiều dài 207,26km, với tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 hơn 120.000 tỷ đồng. Dự án đi qua TP. HCM và các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.

Dự kiến công trình hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2029. Từ đó sẽ tạo trục giao thông chiến lược kết nối vùng Đông Nam bộ với Tây Nam bộ và Tây Nguyên, thúc đẩy lưu thông hàng hóa từ khu công nghiệp, khu đô thị đến các cảng biển, cảng hàng không và ngược lại, góp phần tạo không gian phát triển mới.

Hiện nay, từ TP. HCM đi đến Bà Rịa - Vũng Tàu theo 3 tuyến đường chính, từ quốc lộ 1A hay đường cao tốc TP. HCM - Long Thành hoặc hướng phà Cát Lái qua Nhơn Trạch, sau đó cùng nhập vào quốc lộ 51. Trong đó tuyến quốc lộ 1A gần như ít người chọn vì quá lâu do mật độ xe dày đặc. Đường cao tốc TP. HCM - Long Thành, được xem là huyết mạch kết nối TP. HCM với Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng nhiều năm nay cũng thường xuyên kẹt xe. Trong khi, quốc lộ 51 đã quá tải nghiêm trọng, vốn được thiết kế với quy mô 6 làn xe, nhưng lưu lượng phương tiện thực tế đã vượt gấp 5 lần so với thiết kế ban đầu, lên khoảng 60.500 xe/ngày đêm.

Giai đoạn 2026-2030, TP. HCM dự kiến bố trí vốn đầu tư công cho lĩnh vực giao thông lên tới 766.000 tỷ đồng (ảnh minh họa)
Giai đoạn 2026-2030, TP. HCM dự kiến bố trí vốn đầu tư công cho lĩnh vực giao thông lên tới 766.000 tỷ đồng (ảnh minh họa)

Hạ tầng kết nối giữa TP. HCM và Bình Dương tuy thuận tiện hơn nhờ có nhiều tuyến đường như các quốc lộ 1, 1K, 13, ĐT 743 và các cây cầu như Phú Cường, Bến Súc, Phú Long... nhưng tuyến chính vẫn là quốc lộ 13 đang bị 'nghẹn' tại cửa ngõ phía TP. HCM. Từ trung tâm TP. HCM đến TP. Thủ Dầu Một độ 30km, nhưng thời gian di chuyển thường kéo dài từ 1-2 giờ hoặc mòn mỏi hơn vào giờ cao điểm.

Trong tương lai, những dự án hiện hữu sẽ hoàn thành sớm để mở ra cơ hội kết nối giao thông của vùng. Đó là dự án đường Vành đai 3 TP HCM - tuyến đường quan trọng kết nối TP. Thủ Đức với huyện Nhơn Trạch và Bà Rịa - Vũng Tàu.

TP.HCM cũng triển khai xây dựng dự án mở rộng đường dẫn cao tốc TP. HCM - Long Thành với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng từ ngân sách, công trình hoàn thành vào năm 2026, quy mô 8 làn xe sẽ giải quyết căn bản nạn kẹt xe trên tuyến này.

Dự án mở rộng quốc lộ 13, từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước, tuyến đường dài 5,9km sẽ mở rộng lên 60m với 10 làn xe, có làn đi trên cao, tổng mức đầu hơn 20.900 tỷ đồng. Sau khi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng, công trình sẽ khởi công trong quý II/2026 và hoàn thành vào năm 2028.

TP. HCM và Đồng Nai đã thống nhất xây dựng thêm 3 cây cầu để kết nối 2 địa phương. Trong số này, sẽ có 2 cầu đường bộ kết nối trực tiếp với huyện Nhơn Trạch là cầu Cát Lái và cầu Phú Mỹ 2. Nhằm tiếp sức cho sân bay Long Thành đi vào hoạt động, sẽ có thêm tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành dài khoảng 42km, tốc độ thiết kế 120km/giờ, mức đầu tư dự kiến khoảng 3,5 tỷ USD.

Giai đoạn 2026 - 2030, TP. HCM dự kiến bố trí vốn đầu tư công cho lĩnh vực giao thông lên tới 766.000 tỷ đồng.

Trong năm 2025, tổng vốn đầu tư công cho giao thông khoảng 36.433 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 43% so với tổng vốn đầu tư công của thành phố. Hiện tại, TP.HCM đang chuẩn bị đầu tư đối với 140 dự án gồm 98 dự án giao thông và 42 dự án hạ tầng kỹ thuật. Đầu quý III, Sở Giao thông Vận tải sẽ trình 22 dự án có quy mô lớn như cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, đường Vành đai 2 (đoạn từ Nguyễn Văn Linh - Hồ Học Lãm)”, ông Trần Quang Lâm cho biết.

Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, dự án thành phần 3 đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã cơ bản hoàn thiện, dự kiến thông xe đưa vào khai thác tháng 9 năm nay. Di chuyển giữa Bà Rịa - Vũng Tàu với TP. HCM sẽ được rút ngắn, giảm tải quan trọng cho quốc lộ 51.

Dự án cầu Phước An, nối liền thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) với huyện Nhơn Trạch có tổng chiều dài khoảng 4,3km, là cây cầu quan trọng kết nối giao thông bởi hàng hóa từ cảng Cái Mép - Thị Vải có thể lưu thông dọc đường liên cảng đến huyện Nhơn Trạch để lên đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây mà không cần phải lưu thông qua quốc lộ 51. Dự án có tổng mức đầu tư 4.900 tỷ đồng.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã nhấn mạnh, cùng hợp nhất, những điểm nghẽn về kết nối vùng sẽ được tháo gỡ nhanh chóng. Metro kết nối TPHCM và Bình Dương, cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Quốc lộ 13 mở rộng, đường Vành đai 3, 4 TP. HCM, các KCN chất lượng cao gần hơn với cảng biển… sẽ sớm thành hiện thực, mở ra những ‘đại lộ mới’ để tiếp tục đưa vùng đất Bình Dương cất cánh.

Trần Lê

Theo Vietnamfinance