Cổ phiếu KCN và dệt may lao dốc, toàn thị trường vẫn bình ổn sau tin thuế quan
Sau khoảng 30 phút giao dịch, lực cầu cải thiện đã giúp thị trường chứng khoán nhanh chóng hồi phục.
Tối 2/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đã ký kết một thỏa thuận thương mại với Việt Nam. Theo đó, Mỹ sẽ áp thuế 20% với hàng hóa xuất khẩu trực tiếp từ Việt Nam, và 40% với các mặt hàng trung chuyển qua lãnh thổ Việt Nam. Ở chiều ngược lại, hàng hóa từ Mỹ vào Việt Nam sẽ được miễn thuế hoàn toàn (0%).
Thông báo được đưa ra chỉ một tuần trước thời hạn 9/7 – thời điểm kết thúc 90 ngày tạm hoãn chính sách “thuế quan có đi có lại” mà ông Trump từng công bố vào tháng 4. Trước đó, theo mức thuế dự kiến công bố hồi tháng 4, hàng hóa từ Việt Nam có thể phải chịu mức thuế tối thiểu lên tới 46% – thuộc nhóm cao nhất trong số các quốc gia bị ảnh hưởng.
Sáng 3/7, thị trường chứng khoán Việt Nam lập tức có phản ứng trước tuyên bố từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngay từ phiên ATO, nhiều cổ phiếu khu công nghiệp như SZC, KBC, VGC, BCM… đồng loạt lao dốc, một số mã thậm chí rơi vào trạng thái giảm sàn do lo ngại các tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu và thu hút vốn FDI. Cổ phiếu dệt may cũng đồng loạt giảm mạnh.

Trái ngược với diễn biến ảm đạm của nhóm khu công nghiệp, cổ phiếu CTF của City Auto – nhà phân phối chính thức xe Ford tại Việt Nam – lại bất ngờ tím trần từ sớm. Giới đầu tư kỳ vọng Ford, với tư cách là thương hiệu xe Mỹ, có thể hưởng lợi từ sự điều chỉnh trong chính sách thương mại, qua đó đẩy mạnh lực mua đối với mã này.
Trong bối cảnh thị trường giằng co, chỉ số VN-Index và VN30 mở cửa với mức giảm nhẹ khoảng 2 điểm. Tuy nhiên, sau khoảng 30 phút giao dịch, lực cầu cải thiện đã giúp thị trường dần hồi phục. Nhóm cổ phiếu khu công nghiệp thu hẹp mức giảm còn khoảng 2%, trong khi các nhóm ngành như ngân hàng, năng lượng, bán lẻ và tài chính đồng loạt tăng điểm trở lại.
Dòng tiền quay trở lại mạnh mẽ giúp VN-Index và VN30 đảo chiều, lần lượt tăng 3,5 điểm và 8 điểm, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã dần bình tĩnh hơn trước thông tin ban đầu.

Trước đó, trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân tại Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho hay, phản ứng mạnh vào đầu phiên 3/7 là điều khó tránh khỏi, song thị trường có khả năng tự điều chỉnh và cân bằng ngay trong phiên.
“Hiện chưa có mức thuế cụ thể hay quy định chi tiết cho từng ngành hàng. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý trong tuyên bố lần này của Tổng thống Trump là việc giảm đáng kể mức thuế tổng thể áp lên hàng hóa Việt Nam – đây có thể xem là tín hiệu tích cực cho quá trình đàm phán song phương,” ông Minh nói.
Vị chuyên gia cho rằng, để đánh giá đầy đủ tác động đến dòng vốn FDI, cần xem xét kỹ mức thuế mà Mỹ áp cho Việt Nam so với các quốc gia khác: “Hiện nay, kết quả đàm phán chỉ mới đưa ra một bộ khung – và thực tế đã mềm hơn so với đề xuất ban đầu hồi tháng 4/2025 – nhưng chưa có thông tin cụ thể. Chúng tôi cho rằng mức độ căng thẳng thuế quan đã phần nào hạ nhiệt.”
Theo ông Minh, tác động lên thị trường chứng khoán sẽ ở mức thấp. Diễn biến tích cực của thị trường cổ phiếu tại Mỹ cũng cho thấy nhà đầu tư quốc tế đang đón nhận thông tin đàm phán một cách lạc quan. Tương tự các sự kiện chính sách khác, ảnh hưởng từ thuế quan sẽ dần được thị trường hấp thụ khi có thông tin cụ thể hơn. Do đó, nhà đầu tư không nên hành động vội vàng hay bán tháo trong ngắn hạn.
Đại diện Yuanta Việt Nam khuyến nghị nhà đầu tư nên hạn chế giải ngân vào những cổ phiếu có thể chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế quan mới, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc ngành dệt may, thủy sản, đồ gỗ… cũng như các cổ phiếu liên quan đến dòng vốn FDI như bất động sản khu công nghiệp.