Chia cổ tức cao nhất từ trước đến nay, Vinaconex đặt kế hoạch tham vọng năm 2022

Tại ĐHCĐ thường niên 2022 dự kiến diễn ra ngày 21/4 tới, HĐQT Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex (HOSE: VCG) trình kế hoạch chia cổ tức 28%, đây là mức cổ tức cao nhất của Vinaconex kể từ khi doanh nghiệp lên sàn.

Kế hoạch chi trả cổ tức 28% bao gồm 18% bằng tiền mặt, 10% bằng cổ phiếu. Mức chi trả cổ tức này cao hơn trung bình của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản đang niêm yết trên sàn.

Cùng với kế hoạch cổ tức tích cực, HĐQT TCT cũng đệ trình kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu hợp nhất 15.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.400 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với thực hiện 2021.

Báo cáo tài chính hợp nhất và Báo cáo tài chính Công ty mẹ năm 2021 sau kiểm toán của Vinaconex vừa được công bố cho thấy, Tổng công ty đã “vượt khó” thành công và chuẩn bị được nhiều nguồn lực để bứt phá trong thời gian tới.

Báo cáo tài chính Công ty mẹ Vinaconex ghi nhận doanh thu đạt 3.295 tỷ đồng, tăng hơn 26% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 908 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 757 tỷ đồng. So với cùng kỳ lợi nhuận của công ty mẹ, Tổng công ty có sự sụt giảm do doanh thu hoạt động tài chính giảm  so với năm trước, bên cạnh đó là ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch covid-19 khiến hoạt động xây lắp nhiều dự án lớn bị ngưng trệ một thời gian. Dù vậy, con số lợi nhuận này vẫn tương đối khả quan so với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, bất động sản.

Chia cổ tức cao nhất từ trước đến nay, Vinaconex đặt kế hoạch tham vọng năm 2022 - Ảnh 1

Khu đô thị du lịch Cái Giá, Cát Bà (Cát Bà – Amatina) đã giành giải đặc biệt tại giải thưởng Quy hoạch đô thị lần thứ II – VUPA 2020.

Số liệu hợp nhất năm 2021 của Tổng công ty cho thấy doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 5.750 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế của Tổng Công ty đạt 718 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 520 tỷ đồng.

Phân tích kỹ các số liệu tài chính cho thấy bức tranh doanh nghiệp khá sáng sủa và là tiền đề để Vinaconex bứt phá khi bình thường mới. Cụ thể, tiền và các khoản tương đương tiền tính đến cuối kỳ đạt 2.812 tỷ đồng, cao hơn 40% so với số đầu năm. Hàng tồn kho đạt 3.466 tỷ đồng, cao hơn 30% so với đầu kỳ. Phần lớn hạng mục này nằm ở quỹ đất mà Tổng công ty đã tích lũy được thời gian qua. Với diễn biến giá đất tăng mạnh ở hầu hết các khu vực, đây là lợi thế của Vinaconex trong tương lai.

Tương tự, khoản mục chi phí xây dựng cơ bản dở dang đạt 3.466 tỷ đồng, tăng hơn 56% so với đầu năm. Con số này chủ yếu là giá trị đầu tư vào các dự án Green Diamond 93 Láng Hạ (Hà Nội), dự án Phú Yên, Khu đô thị Đại lộ Hòa Bình (Móng Cái), Khu đô thị Thiên Ân Điện Nam – Điện Ngọc… Trong đó, một số dự án của Vinaconex đang chuẩn bị công tác bán hàng, sản phẩm được nhiều nhà đầu tư trên thị trường quan tâm.

Tính đến ngày 31/12/2021, Vinaconex có tổng tài sản đạt 30.969, cao hơn 40% so với đầu kỳ. Điều này cho thấy trong năm 2021, ban lãnh đạo Tổng công ty đã quyết đoán và điều hành linh hoạt nhằm thúc đẩy công tác đầu tư, tiếp tục tích lũy thêm quỹ đất để sẵn sàng đưa các dự án vào triển khai ngay khi sức mua trên thị trường khả quan trở lại.

Chia cổ tức cao nhất từ trước đến nay, Vinaconex đặt kế hoạch tham vọng năm 2022 - Ảnh 2

Vinaconex huy động nguồn lực, xe máy, thiết bị đảm bảo tiến độ, chất lượng tại Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

Ngay từ những ngày đầu năm 2022, Vinaconex đã đẩy mạnh các hoạt động SX – KD để bắt kịp với trạng thái bình thường mới.

Trong lĩnh vực xây lắp, có thể kể đến dự án xây lắp quy mô lớn của Dự án thành phần 3, thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1; dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, trong đó có hạng mục xây dựng cầu chính vượt dòng chủ, các dự án thành phần thuộc dự án đầu tư và xây dựng cao tốc Bắc – Nam…

Bằng kinh nghiệm và năng lực vượt trội, Vinaconex cũng đã được các chủ đầu tư nước ngoài tin tưởng, trúng thầu nhiều công trình, dự án FDI, đòi hỏi yêu cầu kỹ – mỹ thuật cao   như dự án Mikazuki Spa & Hotel Resort (tổng thầu Vinaconex chuẩn bị bàn giao cho chủ đầu tư giai đoạn 2), Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2…..

Trong lĩnh vực bất động sản, Dự án Cát Bà – Amatina, Hải Phòng có quy mô 172 ha, tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng được tập trung triển khai với kỳ vọng mang đến một khu đô thị mới, du lịch hiện đại, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Hải Phòng và của cả nước. Vinaconex coi đây là một trong những dự án trọng điểm của Tổng công ty và đã hoàn tất nâng tỷ lệ sở hữu tại Vinaconex ITC lên 51% (Vinaconex – ITC trở thành công ty của Tổng công ty Vinaconex). Hiện tại dự án đang được đẩy mạnh triển khai, hứa hẹn mang lại doanh thu, lợi nhuận trong năm 2022.

Ngoài Cát Bà – Amatina đang được triển khai mạnh mẽ, uy tín thương hiệu Vinaconex cũng đã trở thành “bảo chứng” thu hút các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu như dự án Green Diamond 93 Láng Hạ (Hà Nội), các khu đô thị tại Móng Cái, Phú Yên và các dự án bất động sản khác.

Sở hữu quỹ đất lên tới gần 2.000 ha tại nhiều tỉnh, thành phố lớn trên cả nước, tiếp tục phát triển, thúc đẩy lên 5.000 ha cho thấy tham vọng và ước mơ lớn của Vinaconex trong việc đem đến các giá trị mới qua các dự án bất động sản, hạ tầng quy mô lớn tại Việt Nam. /.

Theo Kinh doanh và phát triển