Chiêu trò lừa đảo bán dự án ma cho khách hàng

Nhân viên môi giới rao bán những khu đất vàng nhưng có giá rẻ bèo, đến khi khách đến làm thủ tục thì dẫn tới một khu đất hoang trống khác.

Rao một nơi bán một nẻo

Ngày 30/5/2020, cơ quan chức năng TP. HCM tiếp nhận đơn tố cáo và đang điều tra dự án ma ở Q.9 lừa đảo khách hàng liên quan tới Công ty CP Đầu tư Bất động sản Phát An Gia. Đây là một trong rất nhiều công ty bất động sản trên địa bàn TP. HCM tố cáo trong thời gian qua.

Theo lời tố cáo của một người dân, Công ty CP Đầu tư Bất động sản Phát An Gia quảng cáo bán sản phẩm dự án khu dân cư Centrak House ở P. Trường Thạnh, Q. 9. Người này đã tìm đến và ký hợp đồng mua bán lô đất có giá trị hơn 2 tỷ đồng. Theo hợp đồng, người mua đã đặt cọc cho bên bán hơn 1 tỷ đồng và 7 tháng sau bên bán bàn giao quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, đến thời điểm bàn giao, lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Bất động sản An Phát Gia không thực hiện theo cam kết và đề nghị khách hàng thanh lý hợp đồng. Đến khi thủ tục thanh lý được hoàn tất, phía công ty này cũng không trả lại tiền đặt cọc cho khách hàng.

Tại một nơi khác, nhân viên Công ty TL Real cũng đăng bán khu đất mặt tiền gần sân bay Tân Sơn Nhất với giá chỉ 2,3 tỷ đồng. Khi khách hàng liên lạc muốn xem thực tế khu đất thì nhân viên hướng dẫn đến trụ sở công ty làm việc. Nhưng khi đến nơi được giới thiệu trụ sở công ty, khách hàng lại được dẫn tới khu nhà đối diện, nơi cũng có rất đông khách hàng tới xem đất và được nhân viên mặc áo đồng phục của công ty khác giới thiệu.

Tuy nhiên, nhân viên của Công ty TL Real vòng vo giới thiệu những dự án khác và mời khách hàng lên xe tới thăm dự án đất nền tại Đồng Nai.

Tương tự, nhiều nhân viên Công ty cổ phần địa ốc Nam Phong Sài Gòn rao bán đất mặt tiền quốc lộ 50, H.Bình Chánh, TP.HCM nhưng lại “lùa” khách lên xe đưa xuống Long An để bán đất nền phân lô của công ty này. Khi đến đây, chúng tôi chứng kiến dự án mà công ty này giới thiệu là một bãi đất nằm gọn trên những cánh đồng lúa.

Không chỉ rao ảo, nhiều công ty môi giới còn lừa bán dự án “ma” cho khách hàng. Ông Vũ Đình Tuyên ở thôn 1 xã Đắc Sin, H.Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông đại diện cho nhóm 34 khách hàng tố cáo Công ty An Thuận Phát do ông Trần Hoàng Linh làm chủ tịch HĐQT, hành vi lừa đảo, bán dự án ma, hợp đồng mua bán bị làm giả con dấu của đơn vị công chứng.

Dấu hiệu nhận biết dự án ma

Theo nhiều chuyên gia bất động sản, các dự án ma đang  được quảng cáo, rao bán trên thị trường hiện nay thực chất là đất cá nhân chưa tách thửa.

Ông Trần Minh Hoàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, thông thường, những lô đất này được chào bán với diện tích lớn từ 5.000m2 đến 1 ha. Các cá nhân lách luật về quy định tách thửa tối thiểu của đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp để rao bán đất.

Ông Hoàng cho hay, thị trường hiện nay vô cùng khan hiếm dự án đất nền thật. Để hình thành dự án đất nền thực cần có quy hoạch cụ thể, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được kiểm tra, giám sát từng bước bởi cá đơn vị chức năng.

Để nhận biết dự án ma, ông Hoàng cho rằng, dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là dự án đó chưa đảm bảo hệ thống hạ tầng theo quy định của nhà nước. Chẳng hạn, trong khi theo yêu cầu tối thiểu cần làm đường rộng 8m thì nhiều dự án chỉ làm đường sỏi tạm bợ với lòng đường hẹp từ 4-6m.

Bên cạnh đó, dự án đất nền được thành lập khi có giấy phép tổng duyệt cũng như giấy phép khởi công của cơ quan Nhà nước. Do đất được đứng tên bởi cá nhân nên dự án "ma" thường không có những giấy phép này.

Nhằm lấy lòng tin của khách hàng, bên bán đất khi rao bán thường đưa ra sổ đỏ giả hoặc sổ đỏ tổng (sổ đỏ của toàn bộ khu đất lớn) song tên chủ sở hữu là một cá nhân khác. Các tài liệu này xác thực hay không cần phải được cơ quan chức năng kiểm chứng.

Cuối cùng là chủ đầu tư của các dự án đất nền ảo thường là một doanh nghiệp hoặc một nhóm cá nhân gom đất nông nghiệp, tự xây hạ tầng, tự thành lập dự án, phân lô bán nền rao bán. Như vậy, chủ đầu tư dự án "ma" không có kinh nghiệm, uy tín trên thị trường.

Chuyên gia cho hay: "Thị trường bất động sản sôi động kéo theo nhiều đối tượng kinh doanh bất chính tranh thủ cơ hội trục lợi. Trên thực tế, các chủ đầu tư thật thường không cam kết quá nhiều”.

Nhà đầu tư cần hiểu rằng, những cam kết về lợi nhuận là ý kiến, kinh nghiệm chủ quan của bên bán, thậm chí đôi khi còn bị nói quá lên. Đây thực chất chỉ là thỏa thuận miệng, không phải là cam kết rõ ràng về chế tài.

 

Theo Văn Thanh/ Báo Đất Việt

 

 

Link nguồn: https://baodatviet.vn/bat-dong-san/bao-ve-nguoi-mua-nha/chieu-tro-lua-dao-ban-du-an-ma-cho-khach-hang-3403974/

Tin liên quan