Chính phủ gấp rút tìm phương án cho việc gỡ vướng dự án chống ngập 10.000 tỷ
Dự án này do CTCP Đầu tư xây dựng Trung Nam làm nhà đầu tư và công ty TNHH Trung Nam BT 1547 làm đơn vị thực hiện.
Cách đây hơn 1 tuần vào ngày 24/9, UBND TP. HCM đã gửi Báo cáo Số 271/BC - UBND lên Chính phủ về những khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng.
Và vào ngày 2/10 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn Số 7083/VPCP-NN, gửi đến các Bộ và cơ quan liên quan nhằm khẩn trương lấy ý kiến đối với báo cáo của TP. HCM.
Công văn Số 7083/VPCP-NN nhấn mạnh rằng, để có đủ thông tin tổng hợp báo cáo trước ngày 5/10 theo chỉ đạo của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và đơn vị liên quan gửi ý kiến cụ thể bằng văn bản về nội dung báo cáo, giải pháp tháo gỡ và cơ sở pháp lý đối với các vấn đề nêu ra. Các ý kiến này cần được gửi về Văn phòng Chính phủ trước 17h ngày 3/10.
Dự án chống ngập có tên đầy đủ là “Dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP. HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)”, do CTCP Đầu tư xây dựng Trung Nam làm nhà đầu tư và Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 là đơn vị thực hiện.
Tổng mức đầu tư của dự án này là gần 10.000 tỷ đồng, theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).
Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, UBND TP. HCM đã nêu rõ một số vướng mắc chính trong quá trình thực hiện dự án. Đầu tiên, thẩm quyền và trình tự thực hiện dự án vẫn chưa được xác định rõ ràng, đặc biệt trong bối cảnh có những thay đổi về nội dung, khiến dự án này trở thành một vấn đề quan trọng quốc gia.
Thứ hai, vướng mắc liên quan đến việc huy động vốn thi công do Ngân hàng BIDV không đủ cơ sở để ký phụ lục hợp đồng tín dụng với công ty TNHH Trung Nam BT 1547, dẫn đến khó khăn trong việc trình Ngân hàng Nhà nước gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn. Cuối cùng, chưa có cơ sở rõ ràng cho việc thanh toán hợp đồng BT.
Về giải pháp tháo gỡ, UBND TP. HCM cho biết, các vướng mắc liên quan đến quy định của luật và những nội dung chưa được quy định rõ ràng cần được phân tích và báo cáo cụ thể trong quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án. Thành phố cũng sẽ xin ý kiến của các Bộ, ngành để đảm bảo có phương án thực hiện khả thi và có tính pháp lý cao nhất.