Chốt tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng cho dự án đường Vành đai 4 Hà Nội
Dự án có chiều dài khoảng 112,8 km, chia thành 7 dự án thành phần, nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 1.341 ha, trong đó: đất trồng lúa khoảng 816 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 258 ha, đất dân cư khoảng 58 ha và đất khác khoảng 209 ha.
Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội với 474/475 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,18%).
Được biết, Dự án với vai trò liên kết vùng, giúp tái cấu trúc đô thị của các địa phương trong vùng, khai thác hiệu quả các đô thị vệ tinh góp phần giãn mật độ dân cư khu vực nội đô; tách giao thông liên tỉnh với giao thông nội đô, giảm thiểu ùn tắc giao thông; thúc đẩy phát triển đô thị hóa, phát triển các hành lang kinh tế và thu hút đầu tư, tạo nguồn lực đầu tư phát triển cho các địa phương trong vùng.
Các đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết về đường vành đai 4 - Thủ đô Hà Nội
Các tuyến vành đai nằm trong khu vực đô thị trung tâm Thành phố Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện. Tuy nhiên, theo kết quả dự báo nhu cầu vận tải, hệ thống hạ tầng nội đô chưa đáp ứng được yêu cầu vận tải, đến năm 2027 cần thiết phải đưa Dự án đường Vành đai 4 vào vận hành khai thác. Việc sớm đầu tư tuyến Vành đai 4 sẽ giúp khai thác đồng bộ với các tuyến đường vành đai khác để bảo đảm các mục tiêu phát triển của Thành phố và Vùng Thủ đô.
Theo quy hoạch đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường đô thị song hành hai bên, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho đường sắt vành đai. Để phù hợp với số liệu dự báo nhu cầu vận tải và khả năng cân đối vốn, Dự án được nghiên cứu phân kỳ đầu tư theo quy mô 17m, tương tự như tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 85.813 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 41.860 tỷ đồng, gồm 19.383 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; nguồn vốn ngân sách địa phương là 22.477 tỷ đồng, trong đó Thành phố Hà Nội là 19.477 tỷ đồng, tỉnh Hưng Yên là 1.000 tỷ đồng và tỉnh Bắc Ninh là 2.000 tỷ đồng.
Nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 là 14.506 tỷ đồng, bao gồm: 8.790 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương; nguồn vốn ngân sách địa phương là 5.716 tỷ đồng, trong đó thành phố Hà Nội là 4.047 tỷ đồng, tỉnh Hưng Yên là 505 tỷ đồng và tỉnh Bắc Ninh là 1.164 tỷ đồng. Vốn do nhà đầu tư thu xếp là 29.447 tỷ đồng.
Về tiến độ thực hiện: Chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Nghị quyết giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn Dự án. Dự án thành phần 3 được áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư. Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Cũng trong sáng 16/6, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường vành đai 3 TPHCM. Với mức đầu tư 75.378 tỷ để xây dựng 76,34 km đường vành đai 3 TPHCM, công trình sẽ được chia thành 8 dự án thành phần, theo hình thức đầu tư công.
Theo nghị quyết, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 642,7 ha. Thời gian chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Quốc hội cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt để thực hiện dự án. Cụ thể, về nguồn vốn, Chính phủ được phép điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 số tiền hơn 17.000 tỷ đồng đã bố trí cho Bộ Giao thông Vận tải giao về các địa phương để thực hiện dự án (trong đó TP.HCM là 10.627 tỷ đồng, Đồng Nai là 856 tỷ đồng, Bình Dương là 4.266 tỷ đồng, Long An là 1.397 tỷ đồng).
Quốc hội cũng đồng ý tăng tổng mức vốn trung hạn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.
Trong sáng 16/6, Quốc hội cũng tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 đầu tư khoảng 117,5 km, chia thành 03 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Về tiến độ thực hiện, Nghị quyết quy định quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn Dự án năm 2027.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1ầu tư khoảng 53,7 km, chia thành 03 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 519,64 ha.Chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn Dự án năm 2026.