‘Choáng’ với giá đất ven vành đai 4 được ‘cò’ thổi phồng, có nơi lên đến 150 triệu đồng/m2

Ăn theo quy hoạch đường vành đai 4 vùng Thủ đô, giá đất xung quanh khu vực này đã được cò đất đẩy lên cao ngất ngưởng. Thậm trí có nơi lên đến 100 – 150 triệu đồng/m2.

Theo tờ trình UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô dài 112,8km, trong đó có 58,2km qua địa phận thành phố Hà Nội, từ km3+695 cao tốc Nội Bài - Lào Cai (thuộc địa bàn xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), đến Khu đô thị Mê Linh (huyện Mê Linh) và từ Khu đô thị Mê Linh qua sông Hồng, kéo dài đến các huyện Đan Phượng, Hoài Đức...

Đáng chú là tại khu vực Hoài Đức, cụ thể, thông tin được đăng tải trên các trang mạng cho thấy, giá đất tại một số xã như Dương Liễu, Song Phương giá đất trung bình từ 35-65 triệu đồng/m2, tăng từ 15-20 triệu đồng/m2 kể từ đầu năm 2022. Khu vực trung tâm huyện có nơi lên đến 150 triệu đồng/m2.

Đất tại Hoài Đức được rao bán trên các trang mạng ăn theo quy hoạch đường Vành đai 4.  
Đất tại Hoài Đức được rao bán trên các trang mạng ăn theo quy hoạch đường Vành đai 4.  
Đất tại huyện Mê Linh cũng được rao bán ăn theo quy hoạch đường vành đai 4.  
Đất tại huyện Mê Linh cũng được rao bán ăn theo quy hoạch đường vành đai 4.  

Trên thực tế, trong giai đoạn 2020-2021 nhà đất khu vực Hoài Đức đã tăng 25-40%. Kể từ khi có thông tin triển khai tuyến đường Vành đai 4 đã khiến giá đất nhiều nơi của huyện Hoài Đức rao bán tăng 10-20 triệu đồng/m2 so với hồi đầu năm 2021.

Ngoài Hoài Đức, thị trường nhà đất tại huyện Đan Phượng cũng trở nên sôi động với nhiều thông tin mua bán. Lượng rao bán nhà ở huyện này có sự gia tăng mạnh trong thời gian gần đây. Giá đất khu vực này cũng đã tăng 15-20%/năm. Tại khu vực các trục đường lớn cạnh nút giao của huyện Đan Phượng có giá 60 triệu đồng/m2. Còn giá đắt nhất tại huyện Đan Phượng nằm tại thị trấn Phùng với giá 130-150 triệu đồng/m2. Khu vực đắt thứ hai có giá 130-140 triệu đồng/m2.

Hay như tại Sóc Sơn, một lô đất tại xã Minh Phú cuối năm 2021 có giá 5 triệu đồng/m2, nhưng sau khi qua tay vài môi giới, giá đất hiện đã đẩy lên 30 triệu đồng/m2, tăng gấp 6 lần chỉ trong thời gian ngắn.

Trong khi đó, đất làng, xã ở khu vực xã Minh Trí, Thanh Xuân, Hiền Ninh (Sóc Sơn) trước đây chỉ dao động khoảng 3 - 4 triệu đồng/m2 nhưng hiện tại giá đã được đẩy lên cao gấp khoảng 3 - 4 lần.

Tại huyện Thường Tín, những lô nằm trên trục đường lớn, gần khu vực vành đai 4 đi qua, giá đất hiện tăng gấp 5, 6 lần so với hồi đầu năm 2020.

“Các lô đất ban đầu giá khá rẻ, nhưng sau một thời gian qua tay các môi giới, giá đã đẩy lên gấp vài lần. Đây là hiện tượng thường xuyên xảy ra khi có các thông tin quy hoạch”, một môi giới tại Thường Tín cho hay.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, có sự bùng nổ về giá ở một số khu vực khi có thông tin về quy hoạch nhưng mà tất cả những điều đó chỉ mang tính tận dụng, lợi dụng thông tin để đẩy “sóng” thị trường lên và những điều đó không phải là sự thật.

Những nhà đầu tư khi xuống tiền mua BĐS ở những khu vực này trước đó đều muốn có lãi, sản phẩm thanh khoản tốt nhưng cuối cùng không thanh khoản được, tìm cách “cắt lỗ” nên lâm vào tình cảnh khá thê thảm.

Vì thế, khi có thông tin liên quan đến quy hoạch ở những khu vực này sẽ có một số đối tượng lợi dụng để “kích sóng” nhằm tạo “sóng mới” trong khi bản chất là thông tin cũ. Và chỉ có những nhà đầu tư lẻ tẻ, thiếu chuyên nghiệp, chưa bị va vấp bị dính vào.

An Nhiên

Theo Chất lượng và Cuộc sống