Chủ đầu tư chậm giao nhà, trách nhiệm pháp lý như thế nào?

Thu tiền đến 70 - 95% giá trị căn nhà, nhưng nhiều chủ đầu tư chậm bàn giao, có dự án lùi thời hạn đến 3 năm nhưng chưa có ngày giao nhà cụ thể. Điều này khiến khách hàng mua nhà sống trong khó khăn, vừa phải trả tiền thuê nhà, vừa trả lãi vay ngân hàng. Khi khách hàng chậm nộp tiền thì chủ đầu tư phạt nhưng chậm giao nhà thì chủ đầu tư 'trơ mặt' với khách.

Nhiều chủ đầu tư chậm bàn giao 2-3 năm

Tháng 05/2024, phản ánh với VietnamFinance, hàng chục cư dân mua nhà ở dự án The Summit – 216 Trần Duy Hưng, Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, chủ đầu tư Veracity đã chậm bàn giao nhà gần 3 năm, “5 lần, 7 lượt” lùi thời hạn bàn giao khiến cuộc sống của gia đình bị đảo lộn, suốt nhiều năm thuê nhà, điều kiện sinh hoạt tạm bợ.

“Hàng tháng vừa trả lãi, vừa trả tiền thuê nhà, vừa chờ đợi, mọi thứ không thể ổn định” chị V.H, một khách hàng mua nhà tại The Summit Building năm 2021 hoang mang.

Được biết, sau nhiều lần lùi thời hạn, mới đây chủ đầu tư Veracity “gợi ý”, người mua nhà nếu muốn nhận bàn giao thô thì phải ký vào đơn xin bàn giao mặt bằng tạm thời.

Dự án The Summit Building đã chậm bàn giao gần 3 năm. Ảnh: Anh Hùng
Dự án The Summit Building đã chậm bàn giao gần 3 năm. Ảnh: Anh Hùng

Tương tự, tháng 03/2024 nhiều khách hàng mua nhà tại dự án Athena Complex Pháp Vân, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, của liên danh nhà đầu tư CTCP Công nghiệp Hàn Việt Nam và Công ty TNHH Phát triển Đô thị và Xây dựng 379, đã làm đơn phản ánh về việc chủ đầu tư chậm bàn giao nhà 3 năm.

Thậm chí, nhiều khách hàng mua nhà tại dự án còn “tố” chủ đầu tư huy động vốn trái phép, bán nhà khi chưa có giấy phép mở bán, vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản. Thu tiền quá quy định của pháp luật, có dấu hiệu chiếm dụng vốn của khách hàng nhưng không dùng để hoàn thiện dự án, bàn giao nhà.

Được biết, vào tháng 7/2022, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Phát triển Đô thị và Xây dựng 379, về các hành vi vi phạm tại dự án Athena Complex Pháp Vân với số tiền 1 tỷ đồng.

Trước đó, tháng 01/2024, người mua nhà tại dự án Tổ hợp Nhà ở xã hội và Dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (ở xã Lai Xá và Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) phản ánh về việc chủ đầu tư là Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long chậm bàn giao nhà.

Theo đó, hơn 150 hộ dân đã thực hiện nghĩa vụ hồ sơ, tài chính, hợp đồng đã ký thể hiện thời điểm bàn giao căn hộ chậm nhất là quý 3/2022. Nhưng đến nay, quá thời gian cam kết bàn giao hơn 2 năm, chủ đầu tư chưa bàn giao, công trường dự án vẫn im ắng, nằm “bất động” chưa có dấu hiệu thi công trở lại.

Trách nhiệm pháp lý của CĐT như thế nào?

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đỉnh – Chuyên gia pháp lý Bất động sản, theo khoản 4, điều 22 Luật Kinh doanh BĐS quy định, chủ đầu tư có nghĩa vụ giao nhà, công trình xây dựng cho bên mua theo đúng thời hạn, chất lượng và các điều kiện khác đã thỏa thuận trong hợp đồng. Khoản 6 điều Luật này có quy định, chủ đầu tư phải bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Đồng thời, theo khoản 2 điều 23, Luật Kinh doanh BĐS, bên mua nhà có quyền yêu cầu bên bán giao nhà, công trình xây dựng theo đúng thời hạn, chất lượng và các điều kiện khác đã thỏa thuận trong hợp đồng. Cũng tại khoản 4, điều này quy định bên mua nhà có quyền yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại do việc giao nhà, công trình xây dựng không đúng thời hạn, chất lượng và các cam kết khác trong hợp đồng.

Như vậy, theo quy định của Luật thì bên chậm bàn giao phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng gây ra theo thỏa thuận trong hợp đồng. Thiệt hại được xác định bao gồm cả thiệt hại vật chất và thiệt hại tinh thần theo quy định tại Điều 360, Điều 361, Điều 419 Bộ luật Dân sự 2015.

Bên chậm bàn giao nhà đất còn phải chịu chế tài phạt vi phạm theo hợp đồng đã ký kết. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận trong Hợp đồng theo Điều 418 BLDS 2015.

“Trường hợp chủ đầu tư từ chối hoặc không giải quyết yêu cầu bồi thường thì có thể khởi kiện lên tòa án cấp có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết”, Luật Sư Đỉnh nhấn mạnh.

Và chưa có dấu hiệu của việc nhà thầu thi công trở lại. Ảnh: Anh Hùng
Và chưa có dấu hiệu của việc nhà thầu thi công trở lại. Ảnh: Anh Hùng

Khi được hỏi về việc chậm bàn giao nhiều năm như vậy, chế tài xử phạt của nhà nước như thế nào, Luật sư Vũ Văn Cương, Giám đốc Trung Tâm Tư vấn Pháp Luật, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, trường hợp chủ đầu tư chậm bàn giao nhà sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017. Theo đó, hành vi chậm bàn giao dự án theo tiến độ đã được phê duyệt có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (điểm b khoản 1 Điều 13).

“Chưa hết, bên vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hoàn trả kinh phí (nếu có yêu cầu), buộc bồi thường thiệt hại (nếu có)”, Luật sư Cương nói thêm.

Ngoài ra, theo Luật sư Nguyễn Văn Đỉnh, khoản 1 điều 56 Luật Kinh doanh BĐS có quy định, chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng.

Và khoản 3, điều Luật này nêu rõ, trường hợp chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết và bên mua, bên thuê mua có yêu cầu thì bên bảo lãnh có trách nhiệm hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác cho khách hàng theo hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở và hợp đồng bảo lãnh đã ký kết.

“Người mua nhà có thể yêu cầu đơn vị bảo lãnh cho dự án hoàn lại số tiền đã nộp và các khoản tiền khác theo hợp đồng mua bán và hợp đồng bảo lãnh đã ký kết. Ví dụ như dự án The Summit 216 Trần Duy Hưng là do Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam PVcombank bảo lãnh”, ông Đỉnh chia sẻ thêm.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm, việc chủ đầu tư bàn giao nhà chậm trễ nhiều năm, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương là Sở Xây dựng, cùng với các cơ quản lý nhà nước khác là đơn vị tổ chức, giám sát thực hiện việc triển khai dự án từ lúc phê duyệt, cấp phép cho đến khi người mua nhà nhận được nhà và Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà. Vì vậy, người dân có thể làm đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan nhà nước ở địa phương có chức năng quản lý về Xây dựng, Tài nguyên môi trường để các đơn vị này có trách nhiệm kiểm tra, rà soát và đôn đốc chủ đầu tư trong việc sớm hoàn thiện và bàn giao nhà cho cư dân

 

Xuân Thạch

Theo VietnamFinance