TP HCM dừng dự án xây cầu đường Bình Tiên 2.600 tỷ đồng theo hình thức BT

UBND TPHCM vừa có văn bản chấp thuận chủ trương dừng thực hiện dự án cầu đường Bình Tiên theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) theo đề nghị của của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Cụ thể, UBND TPHCM chấp thuận chủ trương dừng thực hiện dự án Đầu tư xây dựng cầu đường Bình Tiên bằng hình thức BT theo đề nghị của của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại công văn số 7048 ngày 12/8 của sở này.

UBND TPHCM giao Sở Giao thông vận tải (GTVT) chủ động thông tin cho các nhà đầu tư về chủ trương này, hoàn thành trước ngày 20/9. Sở KH&ĐT được giao khẩn trương chủ trì, phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan tham mưu, dự thảo công văn của UBND TPHCM báo cáo Thủ tướng liên quan đến việc dừng thực hiện dự án, hoàn thành trước ngày 25/9.

Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan đề xuất phương án đầu tư xây dựng cầu đường Bình Tiên theo đúng quy định; tham mưu, đề xuất UBND TP trước ngày 30/9.

Vị trí cầu đường Bình Tiên dự kiến
Vị trí cầu đường Bình Tiên dự kiến

Dự án cầu đường Bình Tiên được UBND TPHCM phê duyệt năm 2011 theo hình thức BT với tổng mức đầu tư khoảng 2.382 tỉ đồng (chưa bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng). Thời gian thực hiện từ năm 2011 – 2014, dự án đầu tư theo hợp đồng BT. Tổng chiều dài tuyến hơn 3,2km, rộng 30-40m..

Theo quy hoạch, dự án có điểm đầu tại nút giao đường Bình Tiên với đường Phạm Văn Chí hiện hữu, quận 6. Điểm cuối, kết nối vào đường Nguyễn Văn Linh tại điểm giao với QL50 mới đang triển khai, huyện Bình Chánh.

Theo hướng tuyến đường Bình Tiên, xây dựng cầu trên cao kéo dài vượt qua đại lộ Võ Văn Kiệt, vượt kênh Tàu Hũ, kênh Đôi (vượt trên khu vực phường 14, quận 8) tiếp đất và giao với đường Tạ Quang Bửu, kết nối đại lộ Nguyễn Văn Linh.

Dự án cầu đường Bình Tiên được chia thành 2 dự án gồm: Tiểu dự án 1, xây cầu, đường Bình Tiên đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến Tạ Quảng Bửu dài khoảng 1,4km gồm cầu Bình Tiên và hai nhánh cầu, tổng mức đầu tư gần 1.900 tỷ đồng. Tiểu dự án 2: Từ đường Tạ Quang Bửu đến đường Nguyễn Văn Linh với chiều dài 1,8km, tổng mức đầu tư khoảng 753 tỷ đồng.

Năm 2012, UBND TP.HCM quyết định dùng ngân sách thành phố cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB). Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên thành phố chưa thực hiện được công tác này.

Nhằm tăng tính khả thi, sớm triển khai dự án, năm 2016, UBND TP kiến nghị Thủ tướng tách dự án thành hai tiểu dự án độc lập và nhà đầu tư tham gia sẽ cân đối nguồn vốn cho cả chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Sau đó, Thủ tướng có công văn chỉ đạo TP.HCM căn cứ tình hình thực tế và quy định áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư.

Năm 2018, thành phố quyết định điều chỉnh dự án BT và điều chỉnh kết quả lựa chọn nhà đầu tư nhằm làm rõ tổng mức đầu tư, tổng vốn đầu tư, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, giá trúng thầu… Tổng mức đầu tư theo dự án BT được duyệt điều chỉnh theo quyết định 1395 tháng 4/2018 của UBND TP là khoảng 2.607 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do Chính phủ có chủ trương tạm dừng các dự án BT từ ngày 1/1/2018 để ban hành Nghị định mới về thanh toán các dự án BT, TPHCM đã tạm ngưng triển khai một thời gian để rà soát lại toàn bộ pháp lý dự án, đảm bảo chặt chẽ, không để thất thoát theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 

Dự án cầu đường Bình Tiên bắc ngang qua kênh Tàu Hủ - Bến Nghé. Ảnh: Thanh Niên
Dự án cầu đường Bình Tiên bắc ngang qua kênh Tàu Hủ - Bến Nghé. Ảnh: Thanh Niên

Quá trình rà soát, Sở KH&ĐT TPHCM nhận thấy nhiều khó khăn vướng mắc liên quan đến dự án. Cụ thể, dự án đã hoàn thành việc chỉ định nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các quy định pháp luật liên quan đến hình thức đầu tư BT đã có nhiều thay đổi. Trong đó, nếu áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư có thể chưa đảm bảo tính chặt chẽ về pháp lý.

Ngoài ra, theo ý kiến của Sở GTVT TP, nếu tiếp tục thực hiện theo kết quả chỉ định trước đây thì phải điều chỉnh dự án (bổ sung quỹ đất thanh toán như vị trí, diện tích, quy hoạch, mật độ và giá trị quyền sử dụng đất), điều chỉnh quyết định chỉ định Nhà đầu tư (cập nhật bổ sung quỹ đất thanh toán và các nội dung khác theo quy định).

Mặt khác, việc sử dụng ngân sách TP để hoàn trả kinh phí giải phóng mặt bằng mà nhà đầu tư tạm ứng là không phù hợp Nghị định 63/2018 (dự án BT chỉ được thanh toán bằng quỹ đất).

Sau khi rà soát, Sở GTVT kiến nghị UBND thành phố, không thực hiện đầu tư dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên theo hình thức hợp đồng BT, chấm dứt đàm phán hợp đồng với các đơn vị đã chỉ định.

Sở GTVT kiến nghị thành phố bố trí vốn ngân sách để lập chủ trường đầu tư và thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với phần xây lắp, đầu tư bằng ngân sách thành phố hoặc kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư).

Nam Phong

Theo Sở hữu trí tuệ