Chủ tịch VPBankS xin từ nhiệm chỉ sau nửa năm ngồi ‘ghế nóng’
Ông Nguyễn Duy Linh, Chủ tịch HĐQT của VPBankS đã đơn xin từ nhiệm khỏi vị trí này sau khi được bổ nhiệm từ ngày 6/12/2023, tương đương thời gian đương nhiệm là khoảng nửa năm.
Theo công bố của Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), ông Nguyễn Duy Linh, chủ tịch HĐQT đã có đơn xin từ nhiệm. Việc rời “ghế nóng” của ông Linh sẽ có hiệu lực khi được ĐHĐCĐ thông qua. Tại VPBankS, ông Nguyễn Duy Linh hiện kiêm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc.
Ông Linh được bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch từ ngày 6/12/2023, thay cho ông Ngô Phương Chí. Như vậy, thời gian đương nhiệm vị trí chủ tịch của ông Linh chỉ khoảng nửa năm. Hiện nguyên nhân xin từ nhiệm của ông Linh vẫn chưa được công bố.
Sinh năm 1982, ông Nguyễn Duy Linh có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) tại Solvay Brussels School và có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường tài chính Việt Nam.
Trước khi ngồi vị trí cao nhất tại VPBankS, ông Linh từng đảm nhiệm nhiều vị trí trong ban điều hành tại các công ty chứng khoán lớn khác. Cụ thể, ông từng là Giám đốc khối môi giới Khách hàng Cá nhân - Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (2013-2020), Giám đốc chiến lược - Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam và Phó Tổng giám đốc - Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT.
Trước đó, ông Ngô Phương Chí cũng rời vị trí chủ tịch VPBankS theo lý do cá nhân dù chưa hết nhiệm kỳ và mới chỉ đương nhiệm được hơn 1 năm, từ ngày 20/9/2022.
Ngoài ông Nguyễn Duy Linh, người vừa có đơn từ nhiệm, ban quản trị của VPBankS sẽ còn 3 thành viên khác là bà Hồ Thuý Ngà, ông Nguyễn Công Tuấn và ông Nguyễn Lương Tân.
Tại ban điều hành, ông Linh được bổ nhiệm vị trí tổng giám đốc VPBankS từ ngày 25/4/2023, thay cho ông Nguyễn Hà Quỳnh. Cũng từ ngày này, ông Linh trở thành người đại diện theo pháp luật của VPBankS.
Về VPBankS, doanh nghiệp này tiền thân là Công ty Chứng khoán Châu Á, được thành lập vào năm 2009. Đến năm 2015, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty Chứng khoán ASC.
VPBankS được Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mua lại vào năm 2022, đánh dấu cho sự trở lại mảng chứng khoán của nhà băng này sau nhiều năm thoái vốn khỏi Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS, hiện là Công ty Chứng khoán VPS).
Sau khi về chung nhà với VPBank, VPBankS có màn tăng vốn thần tốc, từ mức vốn 269 tỷ đồng hồi tháng 2/2022 tăng lên mức 15.000 tỷ đồng như hiện tại. Tăng quy mô hoạt động, kết quả kinh doanh của VPBankS cũng khởi sắc trông thấy.
Năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu hoạt động hơn 772 tỷ đồng, gấp hơn 70 lần mức thực hiện của năm 2021. Lợi nhuận trước thuế thu về hơn 542 tỷ đồng, gấp gần 81 lần.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ tiếp tục được ghi nhận trong năm 2023 với doanh thu hoạt động tăng 2,5 lần mức thực hiện năm 2022. Lợi nhuận trước thuế lần đầu chạm mốc nghìn tỷ đồng, đạt hơn 1.254 tỷ đồng, tương đương tăng gấp 2,3 lần.
Theo đó, sau khi được “bơm vốn” từ ngân hàng mẹ, báo cáo tài chính cho thấy VPBankS đã dành khá nhiều vốn vào tự doanh, đem về nguồn thu lớn nhất cho doanh nghiệp bên cạnh các nghiệp vụ khác như cho vay, môi giới.