Chuẩn bị lên sàn, VietABank vẫn bí ẩn về nợ xấu?
Sau nhiều lần lỡ hẹn, VietABank cũng được chấp thuận giao dịch trên sàn UPCOM. Tuy nhiên, VietABank khá "kín tiếng" khi phần thuyết minh báo cáo tài chính không được công bố. Do đó, con số nợ xấu cụ thể vẫn còn bí ẩn nhưng lãi dự thu, chi phí dự p...
Sau nhiều lần lỡ hẹn, VietABank sắp lên sàn
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có quyết định chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) đăng ký giao dịch gần 445 triệu cổ phiếu VAB trên sàn UPCOM.
Ngân hàng này sẽ giao dịch với mã chứng khoán là VAB, giá tham chiếu và ngày giao dịch đầu tiên chưa được công bố.
Theo đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025", đến hết năm 2020, toàn bộ các NHTM phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức hoặc sàn UPCoM. Đến nay, đã quá thời hạn quy định, VietABank mới khởi động kế hoạch lên sàn.
Được biết, vào năm 2016, HĐQT đã trình cổ đông thông qua và ủy quyền cho HĐQT quyết định việc đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UpCoM hoặc niêm yết trên HNX, HoSE tùy theo tình hình thực tế của ngân hàng và thị trường. Tuy nhiên, ngân hàng này liên tục lỡ hẹn.
VietABank thành lập vào năm 2003, dựa trên cơ sở hợp nhất hai tổ chức tài chính là Công ty Tài chính cổ phần Sài Gòn và Ngân hàng TMCP Nông thôn Đà Nẵng.
VietABank gồm ngân hàng mẹ và 1 công ty con là Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản – Ngân hàng TMCP Việt Á (AMC) do VietABank sở hữu 100%, vốn điều lệ 500 tỷ đồng.
Từ khi hoạt động đến nay, VietABank đã có 18 lần tăng vốn điều lệ, từ mức 75,7 tỷ đồng lên gần 4.450 tỷ đồng. Ngân hàng này đang lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 950 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 21,35%.
Tính đến ngày 25/6/2021, VietABank có tổng cộng 1.913 cổ đông trong nước, chiếm tỷ lệ 100% vốn điều lệ. Trong đó, có 2 cổ đông Nhà nước (sở hữu 3,74% VĐL); 32 cổ đông tổ chức (sở hữu 32,16% VĐL); và 1.879 cổ đông cá nhân (sở hữu 64,1% VĐL).
Hai cổ đông lớn của VietABank là CTCP Rạng Đông (sở hữu 7,35% VĐL) và CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (sở hữu 12,21% VĐL).
Bí ẩn nợ xấu tại VietABank
Từ khi thành lập đến nay, kết quả kinh doanh tại VietABank thuộc nhóm ‘chiếu dưới’. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, lợi nhuận của nhà băng này đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh. Năm 2019, lợi nhuận trước thuế tại VietABank tăng 83% so với năm 2018, đạt 276 tỷ đồng. Đến năm 2020 tăng 47% so với năm 2019, đạt 407 tỷ đồng.
Quý 1/2021, lợi nhuận trước thuế đã đạt hơn 125 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ. Với kế hoạch 658 tỷ đồng lãi trước thuế, VietABank đã thực hiện được 19% kế hoạch năm.
Dù lợi nhuận khả quan nhưng so với nhóm ngân hàng cùng quy mô đang giao dịch trên sàn chứng khoán như KienLongBank, Vietcapital Bank,...lợi nhuận của VietABank có phần khiêm tốn hơn.
Đáng lưu ý, trong hệ thống ngân hàng, VietABank khá kín tiếng về thuyết minh báo cáo tài chính của các năm. Trên trang web của ngân hàng, dù có báo cáo tài chính nhưng phần thuyết minh đều bị bỏ ngỏ. Do đó, con số nợ xấu cụ thể, các khoản phải thu cụ thể,... tại nhà băng này luôn bí ẩn đối với nhà đầu tư.
Tuy vậy, có một khoản mục liên tục tăng trong vài năm trở lại đây, đó là khoản lãi dự thu (các khoản lãi và phí phải thu). Thậm chí, số lãi dự thu tại VietABank còn lớn hơn cả lợi nhuận sau thuế.
Theo BCTC hợp nhất năm 2020, tính đến cuối năm 2020 lãi dự thu tăng 11% so với đầu năm, lên mức 3.454 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi sau thuế năm 2020 chỉ đạt 332 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ lãi dự thu gấp 10,4 lần lợi nhuận sau thuế.
Trước đó, năm 2019 lãi dự thu tại VietABank ở mức gần 3.112 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 207 tỷ đồng. Như vậy, lãi dự thu gấp 15 lần lãi sau thuế.
Lãi dự thu là khoản lãi dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lãi (bao gồm cho vay khách hàng). Khi khách hàng ký hợp đồng tín dụng, kể từ thời điểm giải ngân, ngân hàng bắt đầu tính lãi; theo thỏa thuận trên hợp đồng thì định kỳ ngân hàng đều hạch toán khoản lãi "dự thu" và sẽ thu được khi khách hàng "thực trả". Nói dễ hiểu hơn, khi ngân hàng chưa thu được tiền thật từ khoản này, tuy nhiên, khoản này vẫn được ghi nhận vào báo cáo thu nhập của ngân hàng và từ đó tạo ra lợi nhuận.
Với con số lãi dự thu càng lớn, khả năng tác động đến lợi nhuận lại càng cao, chỉ cần một điều chỉnh nhỏ cũng có thể khiến lợi nhuận tăng vọt.
Hiện nay, lãi dự thu là một trong những vấn đề đau đầu của nhiều ngân hàng khi số dư khoản mục này ngày càng tăng theo thời gian. Có thể thấy, lãi dự thu cũng là một "khối u" nhức nhối không kém gì nợ xấu. Với khoản lãi dự thu lớn cho thấy chất lượng tài sản của ngân hàng đang kém dần ảnh hưởng đến việc đánh giá xếp hạng và áp dụng các chuẩn mực quốc tế.
Đi kèm lãi dự thu là chi phí dự phòng rủi ro tại VietABank tăng cao, từ mức 308 tỷ đồng (năm 2017) tăng lên 757,5 tỷ đồng (năm 2020), tương đương tăng 146% trong vòng 4 năm.
Ngoài lãi dự thu và chi phí dự phòng tăng cao, các khoản phải thu tại VietABank cũng tăng đáng kể trong vài năm gần đây.
Cụ thể, cuối năm 2018 khoản phải thu tăng 9% so với đầu năm, ghi nhận 1.454 tỷ đồng. Đến năm 2019 con số này đã giảm nhẹ xuống còn 1.198 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, con số khoản phải thu đã tăng vọt 156% so với đầu năm, ghi nhận 3.064 tỷ đồng. Tính đến 31/3/2021 lại tăng 22% lên mức 3.730 tỷ đồng.
Số lãi dự thu, chi phí dự phòng rủi ro và cả khoản phải thu tăng cao tại VietABank đặt ra nghi vấn về nợ xấu thực trên trên tổng dư nợ cũng như độ minh bạch của các số liệu trong báo cáo của nhà băng này.
Liên quan đến dòng tiền tại VietABank, trong BCTC quý 1/2021, dòng tiền hoạt động kinh doanh đang âm gần 9.963 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 chỉ âm gần 268 tỷ đồng.
Mới đây, theo thông tin do VietABank công bố, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này tính đến 31/12/2020 là 2,2% (tương đương khoảng 1.111 tỷ đồng); đến ngày 31/03/2021 là 2,19%. Tỷ lệ an toàn vốn là 8,41%. Các chỉ số ROE, ROA lần lượt đạt 2,14% và 0,16%. Như vậy, từ năm 2019 đến nay, lần đầu tiên số liệu nợ xấu của VietABank mới được công bố.