Chứng khoán toàn cầu bị ‘đánh thức’ khỏi giấc mơ Mỹ hạnh cánh mềm

Từ Tokyo đến Seoul, từ London đến Frankfurt, màn hình của các nhà giao dịch cổ phiếu tràn ngập màu đỏ vào phiên 5/8. Chính sách tiền tệ thắt chặt hơn của Nhật Bản và cổ phiếu trí tuệ nhân tạo đắt đỏ là một trong những yếu tố tác động, nhưng nỗi sợ lớn nhất của thị trường là suy thoái kinh tế ở Mỹ.

Chứng khoán toàn cầu trải qua ngày kinh hoàng

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã bị đánh thức một cách thô bạo khỏi giấc mơ về một cú "hạ cánh mềm" của nền kinh tế Mỹ. Thay vì một tình huống lý tưởng trong đó lạm phát quay trở lại mức có thể kiểm soát được là 2% trong khi nền kinh tế Mỹ và toàn cầu tránh được sự suy thoái, các chỉ số chứng khoán lớn hiện đang báo hiệu viễn cảnh về một kết thúc hỗn loạn hơn cho một sự bùng nổ kéo dài.

Cổ phiếu Nhật Bản tăng vọt trong phiên giao dịch đầu ngày 6/8, lấy lại phần lớn mức lỗ kỷ lục của ngày hôm trước và hỗ trợ cho đợt tăng giá của khu vực.  
Cổ phiếu Nhật Bản tăng vọt trong phiên giao dịch đầu ngày 6/8, lấy lại phần lớn mức lỗ kỷ lục của ngày hôm trước và hỗ trợ cho đợt tăng giá của khu vực.  

Trong phiên giao dịch ngày 5/8 tại thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã ghi nhận ngày tồi tệ nhất trong gần 2 năm khi giảm 1.033,99 điểm, tương đương 2,6%, đóng cửa ở mức 38.703,27 điểm.

Chỉ số Nasdaq Composite cũng không khá hơn khi kết phiên giảm 3,43% và đóng cửa ở mức 16.200,08, trong khi S&P 500 giảm 3% và đóng cửa ở mức 5.186,33 điểm.

Quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Nhật Bản, kết quả đáng thất vọng của những công ty như Microsoft, Google và Intel cùng với định giá thổi phồng AI đã góp phần tạo nên “tâm trạng u ám” trên thị trường toàn cầu.

Tin tức vào cuối tuần rằng việc Berkshire Hathaway của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã giảm một nửa cổ phần của mình tại Apple lại cáng khiến nhiều nhà đầu tư hoài nghi.

Giám đốc điều hành cấp cao Jim Awad tại Clearstead Advisors cho biết: "Ông Buffett cảm thấy chúng ta có thể sắp rơi vào suy thoái. Vì vậy, bằng cách huy động tiền mặt ngay từ bây giờ, ông ấy sẽ có thể mua các công ty với giá rẻ sau này. Ông Buffett có thể cảm nhận được cơ hội đang đến".

Thị trường châu Á lẫn châu Âu cũng trải qua một ngày kinh hoàng, khi thị trường chứng khoán Nhật Bản mất tới 4.400 điểm và xác nhận thị trường giá xuống.

Theo đó, c hỉ số Nikkei trung bình của Nhật Bản đóng cửa giảm 12,40% xuống 31.458,42, mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ tháng 10/1987.

Cổ phiếu châu Âu mở cửa giảm 1,8% trong đó chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 2,1%, chỉ số IBEX của Tây Ban Nha giảm 2,8% và chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 1,7%.

Xa với viễn cảnh "hạ cánh mềm"

Theo các nhà kinh tế, mối đe dọa "đen tối" nhất với thị trường toàn cầu là suy thoái kinh tế ở Mỹ, đó sẽ là một cú sốc.

Khi Ngân hàng Mỹ khảo sát các nhà quản lý quỹ toàn cầu vào tháng 7, gần 70% cho biết họ mong đợi một sự hạ cánh mềm. Nhưng có một số dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chững lại.

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã tăng lên 4,3% vào tháng 7, tiến sát mức cao nhất trong 3 năm. Việc tuyển dụng đang chậm lại đã báo hiệu tình trạng suy thoái, theo " quy tắc Sahm ", một thước đo về tốc độ gia tăng thất nghiệp do cựu chuyên gia kinh tế của Fed Claudia Sahm phát triển.

Chủ tịch Fed Jerome Powell.  
Chủ tịch Fed Jerome Powell.  

Thu nhập yếu từ Mondelez, nhà sản xuất bánh Oreo, và các công ty tiêu dùng lớn khác đã làm gia tăng nỗi lo sợ về mức tiêu dùng mong manh của Mỹ.

Các nhà giao dịch muốn Chủ tịch Fed Jerome Powell “cứu” họ. Kể từ cuối tuần trước, họ đã tăng cường đặt cược rằng lãi suất của Mỹ sẽ giảm mạnh trong thời gian tới. Họ kỳ vọng sẽ có 3 lần cắt giảm liên tiếp với tổng cộng 125 điểm cơ bản vào tháng 12.

Một loạt các đợt cắt giảm nhanh như vậy sẽ là điều chưa từng thấy trừ khi một cuộc suy thoái sâu sắc hoặc khủng hoảng tài chính diễn ra. Tuy nhiên, trên thực tế, tốc độ tăng trưởng cả năm 2023 của kinh tế Mỹ là 2,5%.

Trong khi tỷ lệ thất nghiệp đang tăng lên, thì nó đang ở mức thấp kỷ lục và thấp hơn một nửa so với tỷ lệ trong cuộc suy thoái năm 2009. Nhưng mức lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang.

Bối cảnh suy yếu có thể thúc đẩy ông Powell bắt đầu hạ lãi suất. Nhưng các nhà kinh tế cho rằng việc ông sẽ nghe theo lời kêu gọi mạnh mẽ của thị trường về các biện pháp kích thích khẩn cấp là khó có khả năng xảy ra.

Trong bối cảnh thị trường toàn cầu hỗn loạn, đồng franc Thụy Sĩ, trái phiếu kho bạc Mỹ và trái phiếu chính phủ Đức - những tài sản được coi là an toàn hơn hầu hết các loại tài sản khác - đều tăng, trong bối cảnh có dấu hiệu cho thấy đà giảm sẽ tiếp tục trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Hải Đăng

Theo VietnamFinance