Chuyên gia chỉ ra phân khúc BĐS được kỳ vọng 'trỗi dậy' và 'cất cánh' trong tương lai
Theo đánh giá của chuyên gia, bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng sẽ có nhiều triển vọng cũng như sức hấp dẫn trong thời gian dài hạn khi bức tranh thị trường đang dần khởi sắc.
'Bức tranh' thị trường BĐS có nhiều dấu hiệu khởi sắc
Tại Diễn đàn "Khơi thông dòng chảy BĐS du lịch nghỉ dưỡng" được báo Xây dựng phối hợp cùng Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức tại tỉnh Khánh Hòa vào chiều 18/5, nhiều chuyên gia đã có những đánh giá tích cực về bức tranh toàn cảnh của thị trường BĐS Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 3/2024, nhóm ngành BĐS hiện đang đứng thứ 2 với hơn 1,58 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đăng ký FDI.
Theo Thứ trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm và trọng điểm, hiệu quả trong việc tháo gỡ vướng mắc ở khâu tổ chức thực hiện những dự án BĐS tại các địa phương, góp phần tăng nguồn cung cho thị trường.
Ngoài ra, các Bộ, ngành cũng đã chủ động và tích cực tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng nhằm thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực BĐS.
Bất động sản nghỉ dưỡng được kỳ vọng sẽ 'bứt phá' trong dài hạn
Tại diễn đàn, ông Trần Đình Thiên - PGS.TS, Thành viên Tổ Tư vấn về Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định BĐS nghỉ dưỡng sẽ có nhiều triển vọng và sức hấp dẫn trong thời gian dài hạn, theo báo Đầu Tư.
Theo đánh giá của ông Thiên, ngành du lịch hiện đang có xu hướng ấm dần lên, tốc độ nhanh hơn so với xu hướng chung kéo theo bất động sản BĐS nghỉ dưỡng, rộng hơn là BĐS du lịch cũng sẽ có nhiều triển vọng "khởi sắc".
Ông Thiên nhấn mạnh đặc biệt ở thị trường Việt Nam khi nước ta có triển vọng về việc phát triển du lịch, có sức hấp dẫn, sôi động, thu hút khách để cung cấp nguồn BĐS nghỉ dưỡng.
Một số "mảnh đất" màu mỡ về BĐS du lịch cần được để tâm như: Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hạ Long (Quảng Ninh), Huế, Đà Nẵng, Bình Thuận, Vũng Tàu...
Ngoài ra, Phú Quốc cũng được xem là điển hình cho sự "trỗi dậy" của BĐS du lịch khi phục hồi khá mạnh (loại hình du lịch cao cấp gắn với khách du lịch quốc tế) sau thời gian "ngủ đông".
Đánh giá về khả năng phục hồi kinh tế, theo TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Quốc gia nhận định, thị trường BĐS nghỉ dưỡng phát triển, các doanh nghiệp cần kiến nghị đúng, trúng, cơ cấu lại hoạt động; kiểm soát rủi ro dòng tiền cũng như lãi suất, tỷ giá, nợ đáo hạn…, theo báo Kinh tế và Đô thị.
Ngoài ra các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ, đa dạng hóa nguồn vốn và sản phẩm...
Các chuyên gia cũng cho rằng để phát triển bền vững, các chủ đầu tư cần chú trọng đến việc quy hoạch và phát triển dự án, nhằm bảo vệ và tôn trọng cảnh quan tự nhiên, đồng thời cung cấp môi trường thuận lợi cho du lịch và nghỉ dưỡng có cơ hội được "sinh sôi nảy nở".
Theo thống kê, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng hiện hướng đến mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa với dự kiến tổng thu từ khách du lịch đạt 840.000 tỷ đồng.
Giữa thời điểm các Bộ, ngành và địa phương tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy BĐS du lịch nghỉ dưỡng phát triển thì nhiều doanh nghiệp BĐS du lịch nghỉ dưỡng sau thời gian "ngủ đông" cũng đã "tỉnh giấc" để tìm hướng đi mới.
Thay vì đơn thuần cung cấp các sản phẩm condotel, các chủ đầu tư hiện đang chuyển đổi dần công năng sản phẩm tích hợp các yếu tố văn hóa địa phương, đặc trưng cộng đồng, thiên nhiên để đưa vào dự án dành cho du khách.
Các chuyên gia đánh giá về lâu dài, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng sẽ có biên độ rộng để phát triển, lượng cầu còn nhiều dư địa lớn trong tương lai nhờ việc Việt Nam đang sở hữu vị trí thuận tiện với nhiều địa danh văn hóa lịch sử đa dạng, bờ biển dài đẹp, hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng du lịch ngày càng được đồng bộ...
Một trong những khó khăn của phân khúc BĐS này chính là cần tiếp tục được tháo gỡ nhiều vướng mắc, khơi thông dòng chảy, tháo gỡ khó khăn cũng như vướng mắc, lấy lại niềm tin, tái khởi động, quay trở lại thị trường với mục tiêu phát triển ổn định và bền vững.