Chuyên gia nói gì về sự ‘trỗi dậy’ của các nhóm ngành dẫn dắt TTCK thời gian qua?
Giá cổ phiếu của các nhóm ngành dẫn dắt thị trường chứng khoán như dịch vụ tài chính, ngân hàng, bất động sản… bị giảm mạnh thời gian qua đang có xu hướng tăng trưởng trở lại.
Tại Talkshow Phố Tài chính, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho rằng kinh tế trong nước đang có sự tăng trưởng ấn tượng, 6 tháng đầu năm đạt 6,42%. Nhiều định chế tài chính cũng dự kiến Việt Nam sẽ tăng trưởng trên mức 7% trong năm 2022.
Theo ông Hoàng Công Tuấn, Việt Nam có một lợi thế khi trong giai đoạn 2020-2021, Ngân hàng Nhà nước không bung mở tín dụng và hạ lãi suất quá nhiều, khiến áp lực lạm phát ở Việt Nam không mạnh mẽ như một số quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.
Nhờ lợi thế này, Ngân hàng Nhà nước không gặp áp lực trong việc phải tăng lãi suất điều hành, môi trường vĩ mô tương đổi ổn định giúp nền kinh tế trong nước phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.
Về thị trường chứng khoán, sau khi tạo đáy ở vùng điểm khoảng 1.147, thị trường đã có một nhịp phục hồi khá mạnh với mức phục hồi trên 100 điểm.
Giá cổ phiếu của các nhóm ngành dẫn dắt thị trường chứng khoán bị giảm mạnh thời gian qua như nhóm dịch vụ tài chính, ngân hàng, bất động sản… đang có xu hướng tăng trưởng trở lại. Cụ thể, trong một tháng qua, trung bình cổ phiếu của nhóm dịch vụ tài chính tăng mạnh nhất với 11,7%, nhóm ngân hàng tăng được 8,4% hay nhóm bất động sản tăng gần 8%. Nếu tính lẻ theo từng cổ phiếu, một số mã chứng khoán đã tăng tới vài chục %.
“Gần như thị trường phục hồi toàn diện chứ không chỉ là một nhóm ngành cụ thể, nhưng những nhóm ngành tăng mạnh nhất vừa rồi là ngân hàng và chứng khoán”, Kinh tế trưởng MBS cho biết.
Đối với cổ phiếu chứng khoán, ông Hoàng Công Tuấn cho rằng kết quả kinh doanh quý II kém ấn tượng hơn đáng kể so với quý I, tuy nhiên giai đoạn quý II lại là thời điểm thị trường tạo đáy, cả kể điểm số và thanh khoản.
Với sự tăng trưởng của thị trường trong hơn một tháng qua, cùng với việc phục hồi về thanh khoản, kết quả kinh doanh quý III của các công ty chứng khoán chắc chắn sẽ có sự cải thiện đáng kể, theo nhận định của ông Tuấn.
Về nhóm ngân hàng, trước lo ngại của nhiều nhà đầu tư về việc Ngân hàng Nhà nước sẽ siết tăng trưởng tín dụng, vị chuyên gia này cho biết đây chỉ là sự hạn chế tăng trưởng tín dụng nóng ở một số phân khúc để nắn luồng tín dụng vào những hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó giúp nền kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững hơn.
“Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục nới room tín dụng cho một số ngân hàng. Thời gian thực hiện rơi vào đầu quý III hoặc cuối quý III. Tôi cho rằng mức tăng trưởng tín dụng đó hoàn toàn có thể đảm bảo về tăng trưởng lợi nhuận cho nhóm ngân hàng”, ông Hoàng Công Tuấn cho biết.
Cũng tại talkshow, ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc Nghiên cứu Khối Khách hàng tổ chức, Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng và bất động sản khu công nghiệp là những nhóm ngành đã hồi phục mạnh trong thời gian vừa qua.
Trong đó, nhóm ngành chứng khoán có một chất xúc tác là việc rút ngắn chu kỳ thanh toán xuống còn T+2 vào cuối tháng 8. Chất xúc tác này theo ông Trương Quang Bình sẽ làm tăng thanh khoản.
Đối với nhóm ngành ngân hàng, nguyên nhân dẫn đến sự “trỗi dậy” của cổ phiếu nhóm này có thể do định giá đã đi vào vùng hấp dẫn, kết quả kinh doanh quý II lạc quan với 27 ngân hàng niêm yết công bố lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 37% so với cùng kỳ.
“Trong thời gian tới, việc Ngân hàng Nhà nước có thể nới room tín dụng, vào khoảng giữa tháng 9 là một yếu tố hỗ trợ rất tốt”, đại diện Yuanta Việt Nam cho biết.
Ngoài ra, về nhóm bất động sản, ông Trương Quang Bình cho biết hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản trong quý II có dấu hiệu hồi phục rõ rệt, doanh số của 20 doanh nghiệp lớn nhất đã tăng khoảng 15% so với cùng kỳ. Nếu tính cả Vinhomes, doanh số ngành bất động sản tăng đến 59%.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cảnh báo về việc còn nhiều yếu tố rủi ro lẫn hỗ trợ khó lường, đơn cử như lãi suất, room tín dụng.
“Khi các vấn đề này được khơi thông sẽ trở thành chất xúc tác rất lớn đối với đà tăng của nhóm cổ phiếu ngành bất động sản. Tuy nhiên, về mặt dài hạn, ngành bất động sản vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng nhờ vào sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam cũng như nhờ việc đẩy mạnh đầu tư công, đầu tư cơ sở hạ tầng”, đại diện Yuanta chia sẻ.
Về bất động sản khu công nghiệp, theo ông Trương Quang Bình, việc cổ phiếu nhóm này tăng mạnh là do sự kỳ vọng trong việc hồi phục đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, tính đến cuối tháng 7 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã tăng trưởng khoảng 10% so với cùng kỳ.