Chuyện lạ nợ xấu: Tài sản ế vẫn tăng giá và những khoản nợ lạ lùng được rao bán
Trong khi các ngân hàng đều hạ giá "khủng" các khoản nợ sau các đợt đấu giá bất thành thì có ngân hàng lại tăng giá khoản nợ tới gần chục tỷ đồng ở lần rao bán sau. Một số ngân hàng còn rao bán những khoản nợ lạ lùng, nợ không có tài sản đảm bảo.
Ngân hàng tăng giá khoản nợ, rao bán nhiều khoản nợ lạ lùng
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Quảng Ngãi vừa thông báo tiếp tục phát mại tài sản bảo đảm là Khu Resort Mỹ Khê của Công ty CP Du lịch Quảng Ngãi. Đáng chú ý, giá khởi điểm được đưa ra lần này lên tới 39,8 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số gần 30,5 tỷ đồng ở lần đầu rao bán vào hồi tháng 8/2022. Như vậy, chỉ sau 10 tháng, giá khởi điểm đã tăng thêm 9,3 tỷ đồng, tức tăng 30%.
Đây là diễn biến hiếm gặp đối với các tài sản đảm bảo do các ngân hàng phát mại. Bởi thông thường, các tài sản đảm bảo do ngân hàng thanh lý sẽ giảm dần sau các đợt đấu giá bất thành.
Một số ngân hàng gần đây rao bán nhiều khoản nợ lạ lùng, chưa từng có tiền lệ, như khoản nợ gốc 8 triệu đồng được rao giá 3,6 tỷ đồng, khoản nợ vay tiêu dùng chỉ hơn 13.000 đồng hay khoản nợ không có tài sản đảm bảo.
Vào tháng 2 vừa qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) rao bán khoản nợ của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Địa ốc Khang Gia, với tổng giá trị khoản nợ tạm tính đến ngày 12/9/2022 là gần 6,2 tỷ đồng. Trong đó, số nợ gốc chỉ 8 triệu đồng, còn lại là nợ lãi phát sinh. Người trúng đấu giá phải tiếp tục trả tiền lãi phát sinh kể từ sau ngày 12/9/2022, cho đến khi Khang Gia thanh toán hết khoản nợ gốc 8 triệu đồng.
Agribank mong muốn thu về hơn 3,6 tỷ đồng trong lần rao bán này. Mức giá đã giảm gần một nửa so với mức 6,1 tỷ đồng được công bố vào ngày 13/9/2022. Agribank cho biết ngân hàng và đơn vị đấu giá không chịu trách nhiệm về tình trạng và các rủi ro tiềm ẩn của khoản nợ đấu giá cũng như tình trạng tranh chấp về tài sản bảo đảm của khoản nợ.
Cũng trong tháng 2, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh KCN Biên Hòa thông báo tiến hành các thủ tục bán đấu giá công khai khoản nợ của Công ty TNHH Việt Thuận Thành, với tổng giá trị khoản nợ tạm tính theo sổ sách đến hết năm 2022 là hơn 1.297 tỷ đồng.
VietinBank lưu ý khoản nợ trên không còn tài sản đảm bảo do đã xử lý bán đấu giá tài sản năm 2018. Trong lần rao bán trước đó, VietinBank ghi nhận khoản lãi cộng dồn đến 8/12/2022 là hơn 704 tỷ đồng.
Không chỉ rao bán các khoản nợ xấu có giá trị lớn, các ngân hàng còn rao bán cả những khoản vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm với giá trị rất nhỏ, từ hơn chục nghìn trở lên.
Điển hình, VietinBank đã nhiều lần rao bán các khoản nợ vay tiêu dùng. Điều đáng nói, các khoản nợ này đều không có tài sản bảo đảm, giá khởi điểm bằng giá ghi sổ sách của khoản nợ, giá trị nhiều khoản nợ lại rất nhỏ. Có khoản nợ có giá khởi điểm chỉ chưa đến 13 nghìn đồng. Trong khi các ngân hàng ồ ạt rao bán nợ xấu lớn, có các tài sản đảm bảo với giá khởi điểm thấp hơn nhiều so với giá trị khoản nợ thậm chí phải giảm giá nhiều lần nhưng thanh khoản không hề dễ dàng.
Nhiều loại tài sản thế chấp thuộc dạng khó có ai mua như: sản phẩm kinh doanh tồn kho, quần áo cũ, vườn cây, đàn gà... cũng được các ngân hàng rao bán.
Khó khăn định giá khoản nợ
Các ngân hàng đang tích cực bán đấu giá khoản nợ, tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu. Nhưng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, việc rao bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ của ngân hàng gặp không ít khó khăn.
Cùng với đó, nhiều vướng mắc về pháp lý khi xử lý nợ xấu chưa được tháo gỡ khiến nhiều khoản nợ, tài sản đảm bảo sau nhiều năm vẫn chưa được xử lý xong. Vì thế, nhiều tài sản được rao bán nhiều lần, chấp nhận hạ giá nhưng vẫn ế ẩm.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự èo uột của thị trường mua bán nợ là do những khúc mắc trong việc định giá nợ, thiếu cơ sở pháp lý và dịch vụ hỗ trợ.
Vẫn còn những bất cập trong khâu định giá các khoản nợ. Vì vậy, cần phải có hướng dẫn cụ thể về việc định giá nợ, trong đó, phải chuẩn hóa các tiêu chí đánh giá, công thức tính toán cụ thể.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, tình hình xử lý nợ xấu vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện chưa có quy định cụ thể về thẩm định giá các khoản nợ. Do vậy, khi thẩm định giá các khoản nợ xấu, các doanh nghiệp thẩm định giá vận dụng khác nhau, gây khó khăn cho các bên trong việc lựa chọn mức giá tham khảo làm cơ sở xác định mức giá khởi điểm trong giao dịch mua bán nợ.
Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ việc đấu giá các khoản nợ hoặc các tài sản đảm bảo gặp nhiều khó khăn là do ban đầu ngân hàng thẩm định giá trị tài sản quá cao. Giá khởi điểm thường được các ngân hàng đưa ra cao hơn khoản nợ gốc. Bên cạnh đó, các ngân hàng muốn thu cả gốc lẫn lãi khi bán nợ xấu nên khó bán.
"Các ngân hàng của Việt Nam vô cùng kẹt xỉ, tức là bán nợ xấu nhưng nhất định phải thu hồi được gốc và lãi, đưa ra giá trên trời thì ai mua. Còn như ở các nước, nợ xấu thu hồi chỉ được vài ba chục phần trăm nợ gốc thôi", Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho biết.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhận định, tình hình nợ xấu của các ngân hàng thực sự rất đáng lo ngại.
Việc thanh lý tài sản cũng khó khăn. Nhiều khoản đảm bảo giá trị lớn liên quan tới bất động sản nhưng thị trường lại gần như đóng băng. Hơn nữa, định giá phát mại tài sản không theo giá trị thực tế mà tính cả gốc và lãi, mỗi lần giảm cũng chỉ được 5-10%.
Theo ông Hùng, việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần đưa ra mức giá hợp lý, theo giá thị trường.
Ngoài khó khăn về định giá khoản nợ, theo các chuyên gia, còn có một số điều kiện để phát triển thị trường nợ. Đó là: hệ thống luật pháp cần chặt chẽ và chi tiết cho hoạt động mua bán nợ; đa dạng hóa các loại hàng hóa và phương thức mua bán nợ; thông tin minh bạch về khoản nợ, về bên mua, bên bán...