Cổ đông ngân hàng chất vấn về việc cho vay bất động sản

Ngoài vấn đề cổ tức thì tại Đại hội đồng cổ đông năm nay, cổ đông ngân hàng đặc biệt quan tới các thông tin liên quan đến các khoản nợ của Tập đoàn FLC và việc cho vay vào lĩnh vực bất động sản.

 

Cổ đông ngân hàng chất vấn về việc cho vay bất động sản - Ảnh 1

Cổ đông ngân hàng chất vấn về các khoản nợ của Tập đoàn FLC và việc cho vay vào lĩnh vực bất động sản.(Ảnh: ĐHĐCĐ Sacombank)

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2022, các cổ đông Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã đặt câu hỏi liên quan đến tín dụng bất động sản của ngân hàng.

Trả lời vấn đề này, Chủ tịch Đỗ Minh Phú cho biết, hiện tỷ lệ cho vay bất động sản của TPBank là dưới 6%. Trong đó, các dự án bất động sản hoặc khách hàng vay đều có tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh khả thi và được thẩm định kỹ càng. Cho tới thời điểm hiện tại sẽ không có rủi ro cho ngân hàng.

Hay như tại ĐHĐCĐ thường niên của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), lãnh đạo ngân hàng này cũng cho biết, ABBank là một trong những ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước đánh giá tốt việc kiểm soát cho vay bất động sản, không nằm trong nhóm bị cảnh báo hay hạn chế. Do đó, ngân hàng này sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay bất động sản thời gian tới.

Trong năm 2021, dư nợ bất động sản của ABBank có tăng, tuy nhiên, tỷ trọng chưa phải là cao, hiện chiếm khoảng 6% tổng dư nợ, còn cho vay nhà ở chiếm 17% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng.

Cổ đông của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank- MB) quan tâm tới dư nợ bất động sản, trái phiếu của MB. 

Lãnh đạo ngân hàng này thông tin hiện tại, tỷ trọng dư nợ về bất động sản chiếm khoảng 8% (+/-2%) dư nợ, tính cả bất động sản nhà ở và bất động sản kinh doanh. Tỷ lệ nợ xấu của mảng cho vay bất động sản khoảng 0,14%. Trong hơn 39.400 tỷ đồng trái phiếu chính phủ mà ngân hàng này sở hữu, tỷ lệ trái phiếu bất động sản là 3,98% và tập trung chủ yếu ở 2 mảng là năng lượng tái tạo và bất động sản. Tổng Giám đốc MB Lưu Trung Thái khẳng định các chủ đầu tư có chất lượng tốt, không đáng lo ngại.

Còn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), hiện dư nợ cho vay bất động sản của SHB chiếm 6,75% trên tổng dư nợ và lượng trái phiếu doanh nghiệp sở hữu là 6.600 tỷ đồng; trong đó có 4.100 tỷ đồng là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản. Đây đều là những trái phiếu của các doanh nghiệp, dự án có tài chính và thanh khoản.

Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển cũng khẳng định, việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của SHB là an toàn tuyệt đối và thanh khoản cao.

Tại ĐHĐCĐ năm 2022 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank) diễn ra tuần qua, không ít cổ đông bày tỏ lo ngại khoản nợ của Tập đoàn FLC và hệ sinh thái FLC tại Sacombank.

Trả lời thắc mắc của cổ đông, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, dư nợ của Tập đoàn FLC tại Sacombank là khoảng 3.200 tỷ đồng. Hiện FLC đã thanh toán 2.600 tỷ đồng cho Sacombank và dự kiến một tháng nữa sẽ trả 600 tỷ đồng còn lại.

Theo ông Minh, đây là khoản tín dụng tốt, nhưng do dư luận nên ngân hàng đã thảo luận để thu hồi nợ sớm và phía khách hàng cũng hoàn toàn hợp tác.

Về tỷ lệ cho vay bất động sản, Tổng Giám đốc Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, tỷ lệ cho vay bất động sản trên tổng dư nợ hiện nay tại ngân hàng chiếm 22% tổng dư nợ. Trong số đó, tỷ lệ cho vay bất động sản trong dân mua nhà, cho vay tiêu dùng chiếm 60%, cho vay doanh nghiệp chiếm 20%.

Dư nợ cho vay bất động sản doanh nghiệp khoảng 30.000 tỷ đồng trên tổng dư nợ gần 400.000 tỷ đồng. Phần dư nợ này rất nhỏ và ngân hàng đang kiểm soát tốt cho vay bất động sản tốt.

Cũng liên quan tới các khoản vay của FLC, tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết, do tính chất rủi ro sau sự kiện liên quan ông Trịnh Văn Quyết, OCB đang thương thảo với Tập đoàn FLC cũng như Bamboo Airways để thu hồi nợ trước hạn.

Đại diện OCB cũng cho biết, các khoản cho vay FLC đều có tài sản đảm bảo bằng bất động sản, với trị giá trên 2.000 tỷ đồng. Đất đai mà ngân hàng nhận là có sổ chứ không phải tài sản hình thành trong tương lai. Các dự án OCB tài trợ vốn cho FLC hiện vẫn đang tiếp tục triển khai.

Trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank- TCB), nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi với lãnh đạo ngân hàng về việc đầu tư trái phiếu và cho vay bất động sản của Techcombank bị ảnh hưởng thế nào khi cơ quan quản lý có động thái siết lĩnh vực này. 

Chia sẻ về vấn đề này lãnh đạo Techcombank cho biết, ngân hàng những năm qua đã làm cẩn thận, rất tốt và hiệu quả. Ngân hàng cho vay những người có nhu cầu mua nhà, tập trung các dự án tốt, hạn chế tối đa việc cho vay khu đất là đầu cơ không mang lại giá trị.

Các dự án bất động sản tốt còn kéo theo lĩnh vực xây dựng, vật tư, thiết bị... mang theo nhiều giá trị cho người dân, cho xã hội. 

Cũng theo Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh thì mỗi khi cơ quan quản lý có động thái như vậy, Techcombank cũng sẽ rà soát, đánh giá lại. Đối với khách hàng tốt, chúng tôi vẫn tiếp tục tài trợ, trong phạm vi khẩu vị rủi ro của TCB và quy định của Ngân hàng Nhà nước.

“TCB không có vấn đề nào với các khoản vay bất đông sản 5 năm qua, NPL gần như bằng 0 trong thời gian qua đó là lý do chúng tôi tin tưởng vào việc cung ứng vốn cho vay bất động sản” - Chủ tịch Techcombank khẳng định.

Như vậy, theo những thông tin mà các ngân hàng hé lộ cho thấy, các ngân hàng thương mại dường như đang kiểm soát rất tốt dòng tín dụng chảy vào bất động sản.

Trước đó, tại Công văn số 1976/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao bao gồm: Bất động sản, chứng khoán, dự án BOT và BT và trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật…

Bảo Phương

Theo Chất lượng và cuộc sống