Có hay không “đường dây” làm sổ đỏ giả ở Quảng Bình?
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã và đang điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản; hành vi giả mạo con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức để làm sổ đỏ giả.
Số tiền làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thường gọi là sổ đỏ) giả với số tiền lừa đảo lên đến tiền tỷ. Qua vụ việc dấy lên mối nghi ngại về một đường dây làm sổ đỏ giả, từ đó lừa đảo người dân.
Cuối tháng 4/2021, phát hiện chị Phạm Thị Thu Phương đang giao cho ông Đặng Văn Q., trú tại xã Đức Ninh, TP. Đồng Hới 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CR785550 mang tên Đặng Văn Q., trú tại thôn Đức Thị, xã Đức Ninh, TP. Đồng Hới do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình cấp ngày 1/4/2021.
Từng bước đưa nạn nhân vào “guồng”
Theo tìm hiểu của PV Reatimes, năm 2019, ông Đặng Văn Q. (56 tuổi, trú ở thôn Đức Thị, xã Đức Ninh, TP. Đồng Hới, Quảng Bình) cùng với một người thân có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất của một phần đất trên khu đất có diện tích khoảng 7.000m2 ở xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới (đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 50 năm) từ đất trồng cây hàng năm sang đất ở nông thôn lâu dài. Nhà ông Q., có bán quán giải khát nên trong một lần Phạm Thị Thu Phương ghé lại, từ đó họ quen nhau.
Trong quá trình “làm việc” với bà Phương, do tài ăn nói, khả năng dựng chuyện mình khi nói quen sếp này sếp nọ các đơn vị của tỉnh, huyện; “đường đi nước bước” làm sổ đỏ trong hệ thống các đơn vị hành chính quản lý đất đai nên ông Q. bị Phương thuyết phục. Thậm chí Phương sẵn sàng kết nối điện thoại đưa cho ông Q. nói chuyện với “cán bộ ngân hàng” về các thủ tục giao dịch; nắm thông tin một số cuộc họp của hội đồng xét cấp đất, hay các cuộc họp chuyên môn của một số cơ quan chuyên trách mà khi ông Q. “kiểm tra chéo” thì thông tin Phương nói là khá chính xác.
Ông Q. dần rơi vào “guồng” làm giấy tờ giả của Phương và chuyển những khoản tiền mà Phương yêu cầu. Tính theo hóa đơn, chứng từ mà ông Q. nắm giữ đến tháng 4/2021, ông Q. đã chuyển cho Phương tổng cộng 1,171 tỷ đồng, trong đó ngoài tiền chi cho Phương “giao dịch, tiếp khách”, còn khoản tiền thuế chuyển mục đích sử dụng đất. Ngoài số tiền này, Phương còn yêu cầu ông Q. đưa tiếp 1 tỷ đồng nữa để nhận trước 1 trong 2 sổ đỏ mà Phương nhận làm (khu đất 7.000m2 được nhận tách làm 02 chủ, 02 sổ đỏ cho ông Q. và 1 người thân ông Q. với diện tích đất ở chuyển đổi 2 sổ là 400m2).
“Khi Phương nói chuyển tiền cho cô ấy để nộp tiền thuế, tôi nói để tôi trực tiếp đi nộp và xin tự mình lấy giấy hẹn nhận sổ đỏ, thì Phương từ chối. Đây là một trong những điểm đáng ngờ. Xâu chuỗi những điểm đáng ngờ khác tôi mới quyết định phối hợp với cơ quan chức năng để làm rõ”, ông Q. thổ lộ.
Khoảng 16h15 ngày 14/4/2021 tại tổ dân phố Đồng Hải, phường Đồng Hải, TP. Đồng Hới, khi tấm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số hiệu CR785550 giả mang tên ông Q. Phương đưa ra để nhận 1 tỷ đồng như lời giao hẹn giữa ông Q. và Phương thì lực lượng trinh sát, công an ập vào bắt quả tang. Ngay sau khi bắt quả tang, khám xét khẩn cấp nơi ở của Phương, cơ quan công an còn phát hiện và thu giữ thêm 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 1 giấy thông báo nộp thuế nhà đất giả.
Cần làm rõ yếu tố cấu kết để lừa đảo
Theo những thông tin, tư liệu mà PV Reatimes thu thập được, thì Phạm Thị Thu Phương rất am tường về quy trình thực hiện các thủ tục liên quan đến việc mua, bán, cho tặng, chuyển đổi mục đích và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Để tạo niềm tin cho ông Q., Phương đã ngụy tạo một tờ thông báo thuế, người nộp là ông P.V.X, (người thân ông Q.). Thông báo thuế được phát hành bởi tấm giấy giả này ghi là Chi cục Thuế TP. Đồng Hới; thủ trưởng Đỗ Minh Hùng. Nhưng thực tế tên đúng của cơ quan thuế này là Chi cục thuế khu vực Đồng Hới - Quảng Ninh chứ không phải là “Chi cục Thuế TP. Đồng Hới”; còn “Thủ trưởng ra thông báo thuế” và ký là ông Đỗ Minh Hùng, nhưng ông Hùng hiện là Chánh văn phòng của Cục Thuế tỉnh Quảng Bình, còn thủ trưởng Chi cục trưởng Chi cục thuế khu vực Đồng Hới - Quảng Ninh là ông Hoàng Văn Giáp.
Ông Hoàng Liên S. kể lại khoảng đầu năm 2021, biết ông có nhu cầu làm sổ đỏ nên có một người sinh sống trên địa bàn xã Bảo Ninh nói gia đình cung cấp một số thông tin. Nghe theo lời của người này, ông chia sẻ với họ, nào ngờ số hiệu thửa đất của mình lại có trong sổ đỏ mang tên người khác. Vậy câu hỏi đặt ra từ đâu mà Phạm Thị Thu Phương có số hiệu thửa đất số 71, tờ bản đồ số 58, tại xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới để bị can này lập sổ đỏ giả lừa ông Q. và người thân ông Q.?
Liên quan thửa đất nói trên, ngày 14/4/2021 Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TP. Đồng Hới, thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Quảng Bình đã có công văn phúc đáp Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Đồng Hới, khẳng định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất có số phát hành giấy chứng nhận CR 785550, số vào sổ CS 08998 do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình cấp ngày 2/4/2021 đối với thửa đất số 71, tờ bản đồ số 58 (mang tên ông Đ.V.Q) không thuộc quản lý của cơ quan này; hồ sơ lưu trữ không có thông tin về việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan thửa đất này.
Trong khi đó trao đổi với Reatimes, ông Nguyễn Minh Đạt, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP. Đồng Hới, nói rằng vụ án đối với bị can Phạm Thị Thu Phương đã được cơ quan điều tra thụ lý ông không có ý kiến gì. Tuy nhiên, ông Đạt khuyến cáo, người dân khi đi thực hiện quyền sử dụng đất hay chuyển quyền sử dụng đất thì đầu tiên là qua cơ quan công chứng, nếu thấy sổ đỏ chưa đảm bảo an toàn họ sẽ gửi bản sao đến cơ quan quản lý đăng ký đất đai để kiểm tra tính hợp pháp của loại giấy tờ này. Bởi vì cơ quan quản lý, văn phòng đăng ký đất đai sẽ có chuyên môn để thẩm định. “Chẳng hạn cái phôi của Giấy chứng nhận quyền sử đụng đất (sổ đỏ – PV) do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành là dấu nổi họ in ra luôn, chứ không phải từ ngoài “bắn” vào như một số đối tượng làm giả; hoặc các đường hoa văn độ sắc nét cũng khác nhau giữa giấy giả và giấy thật mà cơ quan chuyên trách sẽ có chuyên môn để nhận biết. Nếu người dân cảm thấy chưa tin tưởng nên liên hệ các văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị; hoặc có đơn đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cung cấp thông tin về thửa đất mà mình cần kiểm tra nên biết chính xác có đảm bảo pháp lý hay không”, ông Đạt khuyến cáo.
Liên quan vụ án nói trên, trao đổi với Reatimes, luật sư Nguyễn Anh Tâm, Công ty Luật Công Khánh, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế, cho rằng ông Đặng Văn Q. (bị hại) có thỏa thuận với bà Phạm Thị Thu Phương để làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình. Nhẽ ra đối với loại công việc này, ông Q. và bà Phương phải thực hiện việc ủy quyền để đảm bảo tư cách pháp lý, quyền và nghĩa vụ của các bên. Sau khi ủy quyền, người được ủy quyền mới có tư cách thay mặt người ủy quyền thực hiện công việc theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2015. Nếu bà Phương không tiến hành thủ tục ủy quyền theo luật định hoặc không thực hiện công việc theo thỏa thuận, cố tình đưa ra những tài liệu, lý do phủ nhận việc nhận tiền từ ông Q. (thực tế là đã nhận số tiền lớn từ ông Q.) là có dấu hiệu “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và/hoặc có hành vi “Làm giả con dấu tài liệu cơ, quan tổ chức”, như quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can của cơ quan điều tra tại Quảng Bình.
“Theo quan điểm của tôi, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng cần làm rõ thêm có sự câu kết giúp sức của cá nhân, tổ chức nào khác hay không khiến đối tượng Phạm Thị Lan Phương có “kinh nghiệm” để đưa ra các thông tin, vẽ ra những giai đoạn công việc một cách chuyên nghiệp để thực hiện những hành vi trái pháp luật như trên.”- luật sư Tâm nói.
Nữ luật sư của Công ty Luật Công Khánh cũng khuyến cáo, để tránh trở thành nạn nhân trong những vụ việc tương tự, người dân khi có nhu cầu thực hiện các thủ tục hành chính hoặc các công việc khác thì nên làm rõ cá nhân mình hợp tác có đủ chức năng, nhiệm vụ thực hiện công việc đó hay không, hoặc nên đến trực tiếp các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được tư vấn hướng dẫn thủ tục…, tránh được tình trạng tiền mất tật mang.
Nạn nhân mong sớm điều tra, xét xử
Chia sẻ với PV Reatimes, ông Đ.V.Q., nạn nhân trong vụ án Phạm Thị Thu Phương nói rằng, số tiền gần 1,2 tỷ đồng ngoài tiền tích lũy của gia đình ông cũng phải vay mượn chỗ này chỗ kia, nên khi “gặp chuyện” thì kéo theo nhiều khó khăn của bản thân và gia đình, hệ lụy không tốt đến những công việc khác của ông. Ông bày tỏ tin tưởng các cơ quan tố tụng sẽ điều tra, xét xử đúng người đúng tội và sớm nhận lại được tố tiền mà ông Q. mất oan vì sự lừa đảo của bị can.
“Thật lòng thì tui không ham hố chi, tốn kém mà giải quyết được việc mình cũng chấp nhận, chỉ mong việc của mình được giải quyết theo nguyện vọng. Nào ngờ mình bị vô guồng và bị lừa. Cũng may mình phát hiện những dấu hiệu mà họ để lộ, nếu không số tiền, tài sản mất còn lớn hơn nhiều”, ông Q. tâm sự./.