Có nên đánh đổi giữa lãi suất và tỷ giá?

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP. HCM) cho rằng câu chuyện của năm sau sẽ là sự đánh đổi giữa lãi suất và tỷ giá. Nếu muốn giảm lãi suất, Chính phủ phải hy sinh tỷ giá và ngược lại.

-Theo quan điểm của ông, sang năm 2025, chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ chịu tác động của các yếu tố nào?

Theo tôi, với việc chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang được dự báo sẽ thận trọng hơn và sẽ nới lỏng từ từ chứ không nhanh và mạnh như kỳ vọng trước đó, sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Việt Nam trong năm nay.

Dư địa tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ phát triển triển kinh tế sẽ bị thu hẹp hơn so với kỳ vọng. Do đó chúng ta sẽ khó để giảm mạnh lãi suất trong thời gian tới. Việc đồng USD mạnh lên sẽ tiếp tục là một thách thức cho tỷ giá, khi mà dự trự ngoại hối chúng ta chưa thực sự dồi dào.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. HCM  
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. HCM  

Vì vậy, ở các thời điểm nhu cầu nhập khẩu hay trả nợ nước ngoài tăng cao trong năm, tỷ giá sẽ chịu áp lực.

Điều này đòi hỏi chúng ta cần phải có những sự chuẩn bị tốt hơn để đối phó, đặc biệt là việc ông Trump khả năng cao sẽ áp thuế các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến việc xuất khẩu của chúng ta.

Tất nhiên, có thể Việt Nam sẽ hưởng lợi nếu ông Trump chủ yếu đánh thuế lên Trung Quốc, Mexico, Canada, nhưng chúng ta vẫn nên chuẩn bị sẵn các khả năng ứng phó trong trường hợp xấu là Việt Nam bị đánh thuế và ảnh hưởng đến xuất khẩu và cán cân thương mại.

Lạm phát trong năm tới sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ tăng cung tiền cũng như việc tiền tệ sẽ chảy vào các kênh sản xuất hay đầu cơ. Nếu bong bóng tài sản tài chính hình thành và nở rộ trong năm sau theo chu kỳ kinh tế thì áp lực lạm phát sẽ tương đối cao, và chúng ta cũng cần lưu ý với vấn đề này.

Tuy nhiên theo tôi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước vẫn tồn tại một số khó khăn, người dân vẫn thắt chặt chi tiêu thì khả năng lạm phát cao sẽ ít xảy ra, nhưng vẫn có rủi ro về nhập khẩu lạm phát nếu như tỷ giá căng thẳng hay các bất ổn địa chính trị toàn cầu gia tăng làm tăng giá nhiên liệu và nguyên vật liệu.

-Trong năm tới, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng lãi suất thấp sẽ phải tính sao?

Như trình bày ở trên, chúng ta sẽ không còn quá nhiều dư địa để tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, bằng chứng là mỗi khi chúng ta muốn giảm lãi suất hoặc nới lỏng mạnh hơn thì gặp ngay ngưỡng chặn là tỷ giá.

Đó là lý do vì sao cuối năm nay chúng ta rất muốn bơm thêm tiền để hỗ trợ lãi suất cho nền kinh tế nhưng vẫn phải dè dặt, và lãi suất huy động có xu hướng tăng lên trong giai đoạn cuối năm.

Trong năm tới, chúng ta sẽ vẫn tiếp tục đối mặt với vấn đề này khi phải thực hiện bài toán đánh đổi giữa lãi suất và tỷ giá.

Do vậy cần thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt, chờ thời cơ chín muồi khi thặng dư cán cân thương mại cao, chính sách tiền tệ của Mỹ nới lỏng mạnh hơn, đó mới là thời điểm thích hợp để nới lỏng thêm chính sách tiền tệ.

Có nên đánh đổi giữa lãi suất và tỷ giá?  
Có nên đánh đổi giữa lãi suất và tỷ giá?  

-Về tỷ giá, triển vọng 2025 sẽ thế nào?

Theo tôi tỷ giá vẫn sẽ là vấn đề nóng hổi trong năm sau khi đồng USD vẫn đang có xu hướng mạnh lên, các chính sách của ông Trump được nhìn nhận sẽ tiếp tục thúc đẩy điều này.

Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong một thời đại đa cực, nơi mà vai trò của Mỹ đang mờ nhạt dần trên chính trường và thương trường quốc tế bởi sự nổi dậy của các cường quốc mới, trong đó có nhóm BRICS. Chính vì thế, một xu hướng đang bắt đầu hình thành và có khả năng đối trọng với vai trò của Mỹ và đồng USD đó là xu hướng “phi đô la hóa” của các cường quốc mới nổi.

Việc ông Trump tự cô lập nước Mỹ với phần còn lại của thế giới bằng việc dựng lên các hàng rào thuế quan sẽ càng làm cho sự liên kết của các cường quốc mới nổi ngày càng chặt chẽ hơn và thúc đẩy xu hướng “phi đô la hóa” trong trung hạn.

Do vậy, đây cũng sẽ là một yếu tố làm cho việc điều hành tỷ giá của chúng ta trong năm tới và các năm tiếp theo sẽ phức tạp hơn bởi hệ thống tiền tệ thế giới sẽ có xu hướng đa cực hơn là xoay quanh đồng USD như hiện tại.

-Ông có khuyến nghị như thế nào về chính sách tiền tệ trong năm sau để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng?

Như đã đề cập ở trên, câu chuyện của năm sau sẽ là sự đánh đổi giữa lãi suất và tỷ giá. Nếu muốn giảm lãi suất, Chính phủ phải hy sinh tỷ giá còn nếu muốn ổn định tỷ giá thì phải duy trì chính sách lãi suất thận trọng như hiện tại.

Chính phủ cần chờ đợi thời điểm tốt để giảm lãi suất để tránh tác động đến ổn định vĩ mô như tỷ giá và lạm phát. Bên cạnh đó Chính phủ nên điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn và dựa nhiều hơn vào các công cụ thị trường như tỷ lệ dự trữ bắt buộc, cửa sổ chiết khấu và nghiệp vụ thị trường mở nhằm tăng tính hiệu quả và giảm độ trễ cho chính sách tiền tệ.

Tăng trưởng tín dụng vẫn nên được duy trì trong giai đoạn quá độ này nhưng cần giảm dần vai trò của nó và hướng tới loại bỏ hẳn trong tương lai khi mà chúng ta đã sử dụng tốt các công cụ thị trường.

Bên cạnh đó, để gia tăng tính hiệu quả của chính sách, cần đẩy mạnh hơn nữa việc thanh toán không dùng tiền mặt và hướng tới công bố đồng tiền kỹ thuật số do chính phủ phát hành trong thời gian sớm nhất.

-Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Kỳ Thư

Theo VietnamFinance