Có nên “xuống tiền” mua bất động sản thời điểm giáp Tết Nguyên Đán 2023?

So với năm ngoái, thị trường bất động sản (BĐS) thời điểm cận Tết Nguyên đán năm nay có phần “ảm đạm” hơn, thậm trí nhiều chủ đầu tư còn chấp nhận chiết khấu ở mức cao lên đến 40-50% nhưng giao dịch gần như vẫn “lặng sóng”.

Thị trường BĐS giáp Tết đang diễn biến thế nào?

Thời điểm giáp Tết năm ngoái, thị trường BĐS cũng rơi vào khó khăn do dịch Covid-19 nhưng cơ bản vẫn được kiểm soát. Thế nhưng hiện nay thị trường BĐS có phần “căng thẳng” hơn. Các giao dịch gần như lặng sóng vào thời điểm cận Tết. Sự quan tâm gần như chỉ hướng về các dự án lớn, của chủ đầu tư uy tín và được hỗ trợ khoản vay ngân hàng.

Theo đó, đất nền ở nhiều khu vực vốn dĩ sôi động cũng chững lại rõ nét. Càng vào thời điểm giáp Tết, giao dịch lại càng trở nên khó khăn. Sau khoảng thời gian rao bán chưa được, nhiều nhà đầu tư quyết định hạ thêm giá để chốt nhanh, thu dòng tiền trước Tết nguyên đán.

Theo ghi nhận cho thấy, mức giảm giá hàng “ngộp” hiện dao động trong khoảng 100-400 triệu đồng. Thậm chí mức này có dấu hiệu tăng lên so với thời điểm tháng 5 và tháng 6/2022. Các nhà đầu tư cho rằng, đây cũng là mức giảm "mạnh tay" nếu tính từ thời điểm cuối năm 2019. Điều này cũng dễ hiểu trong bối cảnh hiện nay khi nguồn vốn tiếp cận hạn chế khiến nhà đầu tư khó xoay dòng tiền.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trọng Hoàng, đầu năm 2022 đến quý III/2022, thị trường BĐS khởi sắc được đôi phần thì đến quý cuối cùng của năm 2022, sự ảm đạm, trầm lắng lại bao trùm thị trường khiến giá bán sản phẩm nhà, căn hộ, đất nền không tăng, thanh khoản chịu sức ép lớn. Nhà đầu tư có xu hướng dùng “vốn tự có” nhiều hơn sử dụng các đòn bẩy tài chính. Thị trường BĐS ngày càng khó khăn, hiện tượng sốt đất cũng không còn, hoạt động đầu cơ giai đoạn này cũng đã giảm hẳn.

Thực tế, thời điểm giáp tết Nguyên đán năm nay hoạt động mua bán BĐS có phần trầm lắng hơn so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nhà đầu tư có tài chính tốt dù biết có cơ hội vẫn trong trạng thái e dè và thận trọng. Đó cũng là lý do khiến sức trầm của thị trường càng trở nên nặng nề hơn.

Đối với doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là doanh nghiệp môi giới, có lẽ đây là kỳ nghỉ Tết kỷ lục khi nhiều doanh nghiệp bất động sản cho nhân sự nghỉ Tết sớm, thời gian kéo dài 2 tháng xuyên từ Tết Dương sang Tết Âm.

Nếu như năm ngoái, thậm chí chưa hết nghỉ Tết Âm lịch, môi giới đã tất bật dẫn khách đi xem đất. Nhiều công ty bất động sản còn sẵn sàng trả hoa hồng cao cho môi giới nhận trực Tết thì năm nay tình cảnh đã khác, nhiều doanh nghiệp BĐS thậm chí còn cho nhân viên nghỉ tết dài kỷ lục, kéo dài từ Tết Dương lịch xuyên Tết Âm lịch.

Đơn cử, mới đây một công ty BĐS tại khu vực miền Bắc cũng có thông báo về việc cho nhân viên nghỉ Tết sớm kéo dài gần 2 tháng.

Cụ thể, toàn bộ nhân viên thuộc công ty này sẽ bắt đầu nghỉ từ ngày 12/12/2022 đến hết ngày 05/02/2023. Riêng bộ phận Kinh doanh tiếp tục triển khai bán các sản phẩm đang có của công ty với cơ chế, chính sách theo thông báo. Đây được cho là sự việc chưa từng có trong tiền lệ của thị trường bất động sản.

Có nên xuống tiền thời điểm này?

Một chuyên gia trong ngành cho biết, có khá nhiều BĐS được chủ bán ra dịp cận Tết nhằm gom tiền và làm một việc khác quan trọng hơn. Càng cận Tết, họ càng muốn bán bất động sản khi có người trả giá mua, bởi vì nếu từ chối thì khả năng ôm thêm ít nhất 1 tháng nữa qua Tết cũng chưa chắc đã bán được, trong khi đang cần tiền gấp. Cũng bởi vì lý do này mà nhiều chủ BĐS đã chấp nhận hạ giá bớt so với giá kỳ vọng.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây cũng chính là cơ hội cho các nhà đầu tư mua được bất động sản với giá tốt hơn kỳ vọng.

Càng về cuối năm, giá bất động sản càng giảm cùng mức chiết khấu cao.  
Càng về cuối năm, giá bất động sản càng giảm cùng mức chiết khấu cao.  

Tuy nhiên, theo anh Phạm Tuấn, một môi giới BĐS tại Hà Nội cho biết, thời điểm cuối năm nay, các nhà đầu tư chủ yếu bán BĐS nhằm thu tiền mặt về, nên việc tìm kiếm người mua là rất khó. “Mặc dù đã giảm giá nhưng người mua vẫn có tâm lý chung, đó là kỳ vọng giá tiếp tục giảm trong thời gian tới. Hơn nữa, việc lãi suất ngân hàng tăng mạnh khiến nhà đầu tư có tâm lý e ngại khi xuống tiền. Thay vì cố tìm cách bắt đáy, nhiều người chọn cách kiên nhẫn chờ đợi thị trường hồi phục” – anh Tuấn nói.

Nhìn nhận vấn đề trên, ông Nguyễn Thọ Tuyển - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bất động sản BHS cho rằng, những biến động trên thị trường tài chính đã khiến tâm lý của cả chủ đầu tư lẫn nhà đầu tư BĐS lung lay. Dù trong thời gian gần đây, một loạt sản phẩm của các chủ đầu tư lớn được chào bán bằng những phương án khuyến mại hấp dẫn chưa từng có, nhằm kích cầu nhà đầu tư, tuy nhiên vẫn chưa mang lại nhiều kết quả khả quan cho DN, hiện tượng này được ví như hiệu ứng Fomo.

“Tâm lý nhà đầu tư dù ở Việt Nam hay nước ngoài đều giống nhau. Khi thị trường đi lên người ta sợ bị mất cơ hội nên phải mua vào bằng được. Còn khi thị trường đi xuống và nhìn nhận tương lai không sáng sủa, họ lại muốn bảo toàn, bán ra càng sớm càng tốt. Điều này đã dẫn đến câu chuyện downtrend trên toàn thị trường. Ngoài thị trường chứng khoán, tình trạng này cũng đang xảy ra trên cả thị trường BĐS. Trong lúc nhà đầu tư đang hoảng loạn, dù DN có bán rẻ sản phẩm cũng có rất ít người mua vào. Thậm chí nhà đầu tư còn chờ đợi, bởi họ cho rằng hôm nay có thể khuyến mại ở mức này, nhưng biết đâu ngày mai lại khuyến mại ở mức tốt hơn” - ông Nguyễn Thọ Tuyển nhận định.

Bảo Châu

Theo Kinh doanh và Phát triển