Cổ phiếu BĐS đồng loạt giảm trong tuần 12 - 16/7, BCM gây bất ngờ
Thị trường chứng khoán tiếp tục đi xuống và nhóm bất động sản cũng biến động tiêu cực. BCM gây bất ngờ khi giảm mạnh nhất nhóm này và mất 19,4% giá trị chỉ sau một tuần giao dịch.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đi xuống trong tuần từ 12 - 16/7. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 47,83 điểm (-3,6%) xuống 1.299,31 điểm; HNX-Index tăng 1,03 điểm (+0,3%) lên 307,76 điểm; còn UPCoM-Index giảm 1,75 điểm (-2,01%) xuống 85,33 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn HoSE và HNX giảm so với tuần trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng 22.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 24,1% xuống 96.596 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 19% xuống gần 3 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 20,6% xuống 13.810 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 14,3% xuống 639 triệu cổ phiếu.
Gần như toàn bộ các ngành trong tuần qua đều giảm và nhóm bất động sản cũng không nằm ngoài xu thế chung. Thống kê 118 mã bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tuần qua có đến 74 mã giảm giá trong khi chỉ có 35 mã tăng.
Cổ phiếu gây chú ý nhất trong nhóm này là BCM của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp. Cổ phiếu này bất ngờ giảm đến 19,4% chỉ sau một tuần giao dịch từ mức 53.500 đồng/cp xuống còn 43.100 đồng/cp. Trong tuần, BCM có 2 phiên giảm sàn liên tiếp với thanh khoản duy trì ở mức thấp. Đà giảm của BCM diễn ra trong bối cảnh không xuất hiện thông tin chính thức nào tiêu cực. Thậm chí đang có những tin hỗ trợ tích cực như việc doanh nghiệp này vừa phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư. Đây cũng là đợt phát hành trái phiếu thứ hai trong năm với tổng giá trị huy động sau 2 đợt là 3.000 tỷ đồng. Ngày 23/7 tới đây, BCM cũng chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền với tỷ lệ 4%.
Trong tuần từ 12 - 16/7, thị trường chứng khoán đón nhận thêm một cổ phiếu bất động sản lên giao dịch ở sàn HNX là DXS của CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh. Sau nhiều vướng mắc trước đó, DXS chính thức chào sàn HNX hôm 15/7 với giá tham chiếu 32.000 đồng/cp. Tuy nhiên ngay ở phiên này, DXS giảm mạnh 9,4%, có thời điểm, cổ phiếu này giảm gần 19% xuống 26.000 đồng/cổ phiếu. Ở phiên sau đó, DXS hồi phục và tăng 3,4% lên 30.000 đồng/cp.
DXS hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản và là công ty con của Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG). Trước khi cổ phiếu DXS được giao dịch chính thức trên sàn, ông Lương Trí Thìn (Chủ tịch của cả 2 công ty) đã bán toàn bộ hơn 38,8 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 12,05%. Cùng với ông Thìn, ông Hà Đức Hiếu, Thành viên HĐQT DXS kiêm Phó Tổng giám đốc DXG cũng bán gần 8,5 triệu cổ phiếu DXS để giảm sở hữu về 0%.
Tương tự DXS, biến động của cổ phiếu công ty mẹ là DXG cũng không mấy tốt đẹp. DXG trong tuần qua đã để mất 6,1% giá trị khi giá cổ phiếu giảm từ 23.000 đồng/cp xuống 21.600 đồng/cp.
Bên cạnh BCM, các cổ phiếu lớn ở nhóm bất động sản là VHM của CTCP Vinhomes, VIC của Tập đoàn Vingroup, VRE của CTCP Vincom Retail, THD của CTCP Thaiholdings hay PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt đều giảm giá. Trong đó, PDR giảm 4,4%, VHM giảm 3,1%, VIC giảm 2,6%, còn THD và VRE giảm lần lượt 0,5% và 1,1%.
Cổ phiếu NVL của CTCP Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) là mã bất động sản vốn hóa lớn duy nhất còn tăng giá với 1,1%. Công ty này mới đây tiếp tục thông qua phương án phát hành tối đa 1.500 tỷ đồng trái phiếu, được đảm bảo bằng bất động sản thuộc sở hữu của Novaland, Địa ốc No Va hoặc bên thứ ba.
Cổ phiếu HDG của Tập đoàn Hà Đô cũng tiếp tục gây chú ý khi đi ngược xu hướng của thị trường chứng khoán nói chung và tăng 10% trong tuần qua.
Các cổ phiếu bất động sản tăng giá đáng chú ý còn có TEG của CTCP Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (12,3%), SJS của Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (8,3%), NDN của CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (6%)./.