Thị trường chứng khoán 2/7: VN-Index thành công tại mốc 1.420 điểm, sắp vận hành hệ thống mới

Với sự hỗ trợ của nhóm bluechips, VN-Index đã cán thành công mốc 1.420 điểm, trong đó nhóm chứng khoán nổi bật với sắc xanh và thanh khoản nhộn nhịp. Theo thông tin chính thức vừa được công bố, Chủ tịch UBCK đã có công văn gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo chấp thuận kiến nghị của HOSE

Với sự hỗ trợ của nhóm bluechips, VN-Index đã cán thành công mốc 1.420 điểm, trong đó nhóm chứng khoán nổi bật với sắc xanh và thanh khoản nhộn nhịp. Theo thông tin chính thức vừa được công bố, Chủ tịch UBCK đã có công văn gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo chấp thuận kiến nghị của HOSE về việc đưa giải pháp xử lý sự cố hệ thống giao dịch tại HOSE sử dụng phần mềm của HNX do FPT cung cấp vào vận hành chính thức từ 5/7/2021.

"Xanh vỏ, đỏ lòng" - thuật ngữ được nhắc tới liên tục những phiên gần đây đã lặp lại trong phiên 2/7. Thị trường giao dịch ở trạng thái giằng co trong biên độ hẹp, với đồ thị của cả phiên ở phía trên tham chiếu. Tuy nhiên, số cổ phiếu giảm lại luôn chiếm áp đảo trên bảng điện. Hôm nay, đà tăng thực tế phụ thuộc chủ yếu vào một vài mã dẫn dắt là cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng.

Chốt phiên, VN-Index tăng 0,23% vượt ngưỡng 1.420 điểm. VN30-Index tăng mạnh hơn với 0,61% lên 1.554 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng vượt trên tham chiếu với biên độ dưới 1%.

Dù tăng điểm, số mã giảm chiếm ưu thế với 212 mã giảm trên HoSE, so với 169 mã tăng. Riêng nhóm VN30, trạng thái cũng tương tự với tỷ lệ số mã tăng - giảm ở mức 13:15.

Một chi tiết đáng chi tiết cần quan tâm đó là khối lượng giao dịch của nhóm VN30 chiếm tỷ trọng rất lớn với hơn 50% giá trị giao dịch toàn thị trường trong 2 phiên liên tiếp. Điều này cho thấy, nếu loại trừ nhóm VN30 thì thanh khoản thị trường trong phiên hôm qua và hôm nay gần như không tăng trưởng. Diễn biến sôi động tập trung chủ yếu vào nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn tạo ra rủi ro điều chỉnh toàn thị trường khi nhóm này "có vấn đề".

VN30 đang giao dịch ở cận trên của dải Bolinger Band, và chỉ báo kỹ thuật cho thấy vẫn trong tình trạng "quá mua".

Đáng chú ý, VPB sau thông tin sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ lên tới 80% đã tiếp tục tăng vọt trong phiên giao dịch hôm nay và là mã ngân hàng tăng tốt nhất trong nhóm VN30. Kết phiên, VPB tăng 2,4% lên mức 72.100 đồng/CP cùng thanh khoản duy trì ở mức cao, đạt xấp xỉ 31,9 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Bên cạnh đó, các mã ngân hàng khác như TCB, STB, HDB, TPB, VIB cũng tăng tốt trong khoảng 1-2%. Trong đó, STB là mã dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường, đạt 41,48 triệu đơn vị. Cổ phiếu EIB cũng có phiên giao dịch đột biến. Ngoài giao dịch thỏa thuận khủng trên, hôm nay, EIB đã kết phiên tăng 2,1% lên mức 31.350 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh tăng vọt, lên tới gần 1,87 triệu đơn vị, trong khi khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây chỉ đạt hơn 0,4 triệu đơn vị/phiên. Chỉ còn cặp đôi BID và VCB là giảm điểm.

Khối ngoại có tuần mua ròng mạnh với giá trị mua ròng vượt trên 3.200 tỷ đồng, trong đó hầu hết đến từ giao dịch thỏa thuận cổ phiếu NVL. NVL được mua ròng hơn 3.250 tỷ đồng trong tuần, tiếp theo là VHM với giá trị 541 tỷ đồng, VCB đứng thứ 3 với giá trị 436 tỷ đồng. Bên phía bán ròng, VPB là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất với chuỗi bán ròng cả 5 phiên, tổng giá trị bán vượt hơn 1.500 tỷ đồng.

Nhà đầu tưu đã tỏ ra lạc quan hơn sau khi VN-Index vượt 1.400, giúp chỉ số có tuần tăng mạnh nhất trong 3 tuần, tuy nhiên sau phiên đầu tuần tăng mạnh gần 16 điểm, các phiên tăng điểm còn lại chỉ tăng dưới 5 điểm. Diễn biến chờ bán cao sẽ là lực cản quan trọng cho VN-Index trên con đường hướng đến 1.450

Minh Châu

Theo DNVN