Cổ phiếu BĐS đua nhau tăng giá trong phiên 20/7

Thị trường chứng khoán phiên 20/7 bật tăng mạnh trở lại sau khi lao dốc ở phiên trước. Đa số các nhóm ngành cổ phiếu đều tăng, trong đó nhóm bất động sản ghi nhận nhiều cổ phiếu tăng mạnh.

Thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày 20/7 đi theo chiều hướng bất ngờ. Thị trường mở cửa với sự thận trọng nhất định của nhà đầu tư sau phiên lao dốc trước đó. Nhóm cổ phiếu lớn phân hóa mạnh với sắc đỏ có phần chiếm ưu thế và điều này khiến VN-Index rơi vào trạng thái biến động hẹp dưới mốc tham chiếu. Trong khi đó, HNX-Index và UPCoM-Index cũng biến động hẹp quanh mốc tham chiếu.

Sự hồi phục của thị trường diễn ra ngay sau giờ nghỉ trưa, lực cầu dâng cao giúp nhiều cổ phiếu lớn hồi phục và nâng đỡ tốt cho các chỉ số. Sự bất ngờ xảy ra vào cuối phiên khi dòng tiền giá cao đẩy mạnh vào thị trường, hàng loạt các cổ phiếu lớn đua nhau bứt phá. Các chỉ số vì vậy cũng bật tăng mạnh.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 29,78 điểm (2,39%) lên 1.273,29 điểm. Toàn sàn có 281 mã tăng, 94 mã giảm và 40 mã đứng giá. HNX-Index tăng 9,04 điểm (3,1%) lên 301,11 điểm. Toàn sàn có 137 mã tăng, 56 mã giảm và 175 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,1 điểm (1,33%) lên 83,69 điểm.

Thanh khoản giảm so với phiên trước với tổng giá trị khớp lệnh đạt 19.400 tỷ đồng, giảm 16,8%.

Theo phân ngành của Vietstock, ngoại trừ chăm sóc sức khỏe, toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đều tăng điểm. Trong đó, nhóm chứng khoán, vật liệu xây dựng, bán lẻ hay ngân hàng đều tăng rất mạnh.

Biến động các nhóm ngành cổ phiếu phiên 20/7 (Nguồn: Vietstock)  
Biến động các nhóm ngành cổ phiếu phiên 20/7 (Nguồn: Vietstock)  
Nhóm cổ phiếu chứng khoán ghi nhận các mã như SSI, ART hay AGR được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, SHS tăng 8,8%, VND tăng 9,5%, MBS tăng 8,6%, BVS tăng 7,6%... Động lực tăng giá của nhóm ngành này được cho là đến từ kết quả kinh doanh hết sức tích cực được công bố.

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng không nằm ngoài xu thế hồi phục của thị trường chung. Trong đó, các mã như KHG, BII, PV2, DRH hay FLC đều được kéo lên mức giá trần. Như vậy, KHG đã tăng trần trong cả 2 phiên giao dịch đầu tiên ở sàn HNX. Hiện thị giá của cổ phiếu này là 21.400 đồng/cp, tăng 43% so với giá chào sàn hôm 19/7.

FLC sau 3 phiên lao dốc cũng hồi phục và tăng trần trở lại với khối lượng khớp lệnh 16 triệu cổ phiếu. Đây cũng là mã bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu như NTC, KBC, AMD, IDC, CEO, HPX, CRE… cũng đồng loạt bứt phá. Trong đó, KBC tăng 6,6%, AMD tăng 6%, CEO tăng 5,2%...

CRE tăng 4,8% lên 44.550 đồng/cp. CRE đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2021 và luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021. Theo đó, kết quả kinh doanh trong quý II/2021 của CRE đạt 1.644 tỷ đồng doanh thu thuần, cao gấp 3,8 lần cùng kỳ. Công ty lãi sau thuế 128 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái tương đương EPS đạt 1.324 đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, CRE đạt 3.685 tỷ đồng doanh thu thuần, cao gấp hơn 5 lần cùng kỳ, LNST đạt 251 tỷ đồng, tăng 80,6% so với nửa đầu năm 2020. EPS 6 tháng đạt 2.608 đồng.

Tại nhóm vốn hóa lớn, các mã như PDR, VHM, NVL, THD hay VIC đều tăng giá. Trong đó, PDR tăng mạnh 2,4% lên 89.900 đồng/cp, VHM cũng tăng 2,2% lên 106.600 đồng/cp.

Chiều ngược lại, VRE và BCM là 2 mã bất động sản lớn giảm giá, dù vậy mức giảm của cả 2 cổ phiếu này đều không phải quá lớn. VRE mất 0,4% xuống 26.700 đồng/cp, còn BCM giảm 1,5% xuống 40.100 đồng/cp.

Ngoài ra, một số mã bất động sản đáng chú ý còn giảm giá là KDH với mức giảm 1,1% xuống 36.900 đồng/cp, VPI giảm 0,7% xuống 34.450 đồng/cp, HDG giảm 0,6% xuống 49.200 đồng/cp.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất (Nguồn: Fialda)  
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất (Nguồn: Fialda)  
Khối ngoại phiên 20/7 mua ròng nhẹ gần 39 tỷ đồng. Trong đó, không có cổ phiếu bất động sản nào nằm trong top 10 về giá trị mua ròng của khối ngoại. Trong khi đó, VIC, NVL, VRE, KDH và VHM đều thuộc nhóm bị khối ngoại bán ròng mạnh. VIC bị bán ròng 113 tỷ đồng, NVL là 108 tỷ đồng, VRE là 82 tỷ đồng. KDH và VHM bị bán ròng lần lượt 68 tỷ đồng và 66 tỷ đồng.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán MB (MBS), tâm lý đã đảo chiều tích cực. Những người cần bán giảm margin cũng đã bán, dòng tiền đứng ngoài cũng đang có sự sốt ruột nhất định khi thị trường đang tăng trở lại sau khi test vùng đáy hỗ trợ 1.220 điểm. Về kỹ thuật, một phiên tăng điểm như hôm 20/7 chưa thể kết luận được thị trường sẽ đi theo kịch bản nào trong vài phiên tới, ngoài rủi ro bên ngoài không lường trước, lượng hàng T+ về ở ngày thứ 5 và thứ 6 sẽ là bài test hoạt động bắt đáy 2 phiên vừa rồi thành công đến đâu, qua đó sẽ đánh giá thêm về xu hướng của thị trường./.

Tuấn Hào

Theo Reatimes