Cổ phiếu CEO thời... sa cơ!

Rót hàng nghìn tỷ đồng đầu tư và xác định là thị trường trọng điểm, Tập đoàn CEO đã gặt hái được những thành công nhất định trong cơn sốt đất diễn ra tại Phú Quốc. Thế nhưng, việc Chính phủ đề nghị lùi thông qua Luật đặc khu, có nguy cơ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của CEO Group, mà tác động nhãn tiền là việc giá cổ phiếu CEO đang "bốc hơi" quá nhanh.

“Ông trùm" BĐS Phú Quốc

Năm 2010, CEO đã có bước ngoặt chiến lược khi quyết định chuyển trọng tâm sang lĩnh vực đầu tư bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng. Điểm đặc biệt là Ban lãnh đạo Công ty đã chọn đúng địa điểm đầu tư vàng khi sở hữu 3 dự án lớn tại những vị trí đẹp ở Phú Quốc, gồm có: Dự án Sonasea Villas & Resort, Dự án Sonasea Residences và Dự án Sonasea Golf Estates, với tổng quy mô 300 ha. 

Tại thời điểm năm 2014, nhận thấy BĐS tại Phú Quốc của Tập đoàn có nhiều tiềm năng, CEO đã định hướng lấy Phú Quốc làm điểm tựa địa bàn chiến lược và các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng là bàn đạp thúc đẩy sự phát triển của Tập đoàn.

Bên cạnh đó, trong năm 2014, CEO đã chính thức niêm yết 34,4 triệu cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán HSX. Sau đó, tiến thành phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 343 tỷ đồng lên 686 tỷ đồng nhằm huy động nguồn tài chính dồi dào, tập trung đầu tư vào các dự án.

Cho đến nay, CEO Group đã rót hàng nghìn tỷ đồng vào Phú Quốc và đã chứng minh được năng lực triển khai những dự án bất động sản quy mô lớn, tiêu chuẩn khắt khe.

Hiện CTCP Tập đoàn CEO có tất cả 10 công ty con, trong đó có đến 3 công ty được thành lập và hoạt động trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, bao gồm: CTCP Đầu tư và Phát triển Phú Quốc (tập đoàn CEO có tỷ lệ sở hữu và quyền biểu quyết chiếm 60%). Hoạt động chính của công ty này là kinh doanh khách sạn, resort, khu vui chơi, kinh doanh bất động sản… CTCP phát triển nhà và đô thị Phú Quốc (75,92%), hoạt động chính là kinh doanh bất động sản quyền sử dụng đất…; Công ty TNHH MTV Khách sạn và nghỉ dưỡng CEO (100%), hoạt động chính là mở nhà hàng, dịch vụ lưu trú ngắn ngày…

Thông qua các công ty con, Tập đoàn CEO sở hữu quỹ đất rộng đến hơn 450 ha tại Huyện đảo Phú Quốc, bao gồm: Khu tổ hợp du lịch Sonasea Villas & Resort (quy mô 132 ha, tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng), Khu biệt thự cao cấp Sonasea Residences (quy mô 170 ha với tổng vốn đầu tư 12.600 tỷ đồng) và khu du lịch sinh thái Sonasea Golf Estates (quy mô 150,7 ha, tổng vốn đầu tư là 3.000 tỷ đồng).

Lợi nhuận đến từ đâu?

Tại thời điểm cuối năm 2016, CEO đã chính thức góp mặt trong danh sách 3 nhà đầu tư lớn nhất tại Phú Quốc, đồng thời gặt hái được nhiều thành công khi thị trường BĐS nghỉ dưỡng nơi đây bùng nổ.

Cụ thể: kết thúc năm tài chính 2016, tổng doanh thu hợp nhất của CEO Group (mã CEO) đạt 1.621 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2015; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 300,4 tỷ, tăng 12,6% so với năm ngoái; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 229,9 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2015.

Cổ phiếu CEO thời... sa cơ! - Ảnh 1

Khu tổ hợp du lịch Sonasea Villas and Resort của CEO Group tại Phú Quốc có diện tích 132 ha, với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng.

Với kết quả này, CEO Group đã hoàn thành vượt mức kế hoạch do ĐHĐCĐ năm 2016 thông qua với doanh thu đạt 135% so với kế hoạch, lợi nhuận trước thuế đạt 116% và lợi nhuận sau thuế đạt 111% so với kế hoạch.

Bà Vũ Thị Lan Anh - Phó Tổng Giám đốc CEO, cho biết, những dự án chính đem lại doanh thu cho CEO năm 2016 là Novotel Phú Quốc, khu biệt thự 96 căn và khu nhà shophouse tại dự án Sonasea Villas & Resort, tòa tháp CEO Tower luôn đạt công suất thuê 100% và dự án River Silk City tại Phú Lý…

Bước sang năm 2017, BĐS Phú Quốc lại tiếp tục giữ vai trò là thị trường trọng yếu, đóng góp rất lớn trong sự thành công của CEO Group. 

Theo đó, kết thúc năm 2017, tổng doanh thu hợp nhất của Tập đoàn đạt 1.874 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế là 406 tỷ đồng, đạt 118% kế hoạch; Lợi nhuận sau thuế là 321 tỷ đồng, đạt 117% kế hoạch, tăng trưởng 17% so với năm 2016. Theo đó, tỷ lệ chi trả cổ tức cho cổ đông năm 2017 đạt mục tiêu 10%.

Trong đó, đóng góp lớn nhất trong doanh thu của Tập đoàn là từ bất động sản, cụ thể là tại Phú Quốc với 750 phòng khách sạn 5 sao Novotel Phú Quốc Resort cũng như Novotel Villas được đưa vào sử dụng; Đồng thời, khu phố đi bộ Sonasea Shopping Center cũng đi vào vận hành giai đoạn 1.

Cổ phiếu CEO thời... sa cơ! - Ảnh 2

Nguồn: BCTC hợp nhất đã kiểm toán CEO Group

CEO có thực sự “khỏe”?

Được biết, trong giai đoạn 2013 – 2016, mặc dù cả doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn đều tăng trưởng mạnh mẽ, song khoản lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của CEO Group lại thường xuyên ở mức âm.

Cụ thể, ngoại trừ năm 2014 dương 55,8 tỷ đồng, nhưng sau đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của CEO Group luôn ở mức âm: Năm 2013 âm 34,9 tỷ đồng và năm 2015 âm 215,8 tỷ đồng, năm 2016 âm 91,5 tỷ đồng.

Điều này có nghĩa rằng CEO Group dù ghi nhận doanh thu trên sổ sách, song thực tế không thu được tiền về.

Cổ phiếu CEO thời... sa cơ! - Ảnh 3

Nguồn: BCTC Công ty mẹ đã kiểm toán CEO Group

Để bù đắp khoản âm trên, CEO Group liên tục phải tăng vốn. 

Trong năm 2017 vừa quam CEO đã chào bán thành công 51,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 2:1), để vốn điều lệ từ 1.029 tỷ đồng lên 1.544 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với mức 343 tỷ đồng đầu năm 2014.

Dù vậy, tăng vốn chưa đủ, Tập đoàn này vẫn phải sử dụng đòn bẩy tài chính để phục vụ việc phát triển các dự án. Theo đó, trong giai đoạn 2013-2016, CEO Group đã vay tổng cộng 2.436 tỷ đồng, trong khi chỉ trả nợ 1.366 tỷ đồng.

Với kết quả kinh doanh không quá nổi bật, CEO Group khó lòng tăng vốn mãi được. Trong khi đó, phụ thuộc lớn vào đòn bẩy tài chính là con dao hai lưỡi với tập đoàn này. Do vậy, một khi thị trường biến động, khả năng thanh khoản của và dòng tiền hoạt động của CEO Group sẽ là dấu hỏi lớn.

Theo BCTC hợp nhất năm 2017 đã kiểm toán, tính đến ngày 31/12/2017, CEO Group có tổng tài sản là 5.652 tỷ đồng, tăng 47,4% so với đầu năm, tuy nhiên, hàng tồn kho cũng tăng hơn 2 lần lên mức 1.256 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nợ phải trả của doanh nghiệp này cũng tăng hơn 1,5 lần, từ mức 2.267 tỷ đồng lên 3.414 tỷ đồng, bao gồm 2.307 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 1.106 tỷ đồng nợ dài hạn. 

Đặc biệt, khoản vay và nợ thuê tài chính của CEO đã tăng 14,8% so với đầu năm lên mức 1.431 tỷ đồng. Trong số này, trừ một số khoản vay cá nhân, phần lớn nợ vay của CEO Group được tài trợ bởi Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Thanh Xuân, bao gồm 4521,9 tỷ đồng vay ngắn hạn và 842,6 tỷ đồng vay dài hạn.

Cổ phiếu CEO thời... sa cơ! - Ảnh 4

Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2017 CEO Group

Chiến lược đặc khu đang làm khó cho cổ phiếu?

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, Tập đoàn CEO đã thông qua kế hoạch sản xuất năm 2018, với mục tiêu doanh thu hợp nhất 2.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 468 tỷ đồng và lãi sau thuế 370 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với năm 2017. Tỷ lệ cổ tức dự kiến là 10%. 

Theo đó, năm 2018, Tập đoàn CEO kiên định chiến lược đặc khu và bất động sản nghỉ dưỡng, với sự phát triển mở rộng địa bàn thứ 2 - Vân Đồn (Quảng Ninh).

Sau khi mua bán sáp nhập (M&A) một dự án bất động sản nghỉ dưỡng dang dở tọa lạc tại vị trí được coi là đẹp nhất của đảo chính Cái Bầu, Tập đoàn CEO tiếp tục đề xuất mở rộng và đã được thông qua chủ trương đầu tư Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City với quy mô dự kiến 350ha.

Cổ phiếu CEO thời... sa cơ! - Ảnh 5

Tổng thể Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City 

Khu tổ hợp này cũng sẽ được phát triển để trở thành dự án thành khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng và đô thị, tương tự như khuôn mẫu đã thành công tại Phú Quốc - Sonasea Villas & Resort. 

Dự kiến trong năm 2018, hợp phần đầu tiên - tổ hợp khách sạn 5 sao Pullman Vân Đồn Harbor City với quy mô 1.000 phòng sẽ sớm được triển khai.

"Tập đoàn CEO kỳ vọng vào sự thành công của dự án tại Vân Đồn tương tự như đã thành công tại Phú Quốc", ông Đoàn Văn Bình – Chủ tịch HĐQT CEO Group nhấn mạnh khi khẳng định vào tiềm năng phát triển của Vân Đồn nói chung và của thị trường bất động sản khu vực này nói riêng.

"Năm 2018, Tập đoàn CEO tiếp tục lấy đặc khu làm địa bàn chiến lược và lấy sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng để tiếp tục khẳng định thương hiệu và uy tín của Tập đoàn trên thị trường. Điểm nhấn chính là chỗ đó. Đặc khu, đặc khu và đặc khu!", ông Đoàn Văn Bình nhấn mạnh.

Thực tế, doanh thu của CEO thời gian qua, phần lớn đều đến từ hoạt động kinh doanh bất động sản tại Phú Quốc. Cơn sốt đất nền tại Phú Quốc trước thông tin sẽ trở thành đặc khu kinh tế đã đẩy giá cổ phiếu CEO tăng nhanh, do doanh nghiệp này sở hữu quỹ đất rất lớn tại đây.

Tuy nhiên,mới đây, thông tin Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện, đã khiến cho cổ phiếu CEO bị bán mạnh và giá cũng lao dốc không phanh từ 17.500 đồng/CP xuống chỉ còn 13.600 đồng/CP tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch hôm nay.

Và có lẽ, cơn ác mộng với nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu CEO vẫn chưa dứt, khi xu hướng giảm giá của cổ phiếu này được dự đoán sẽ vẫn còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.

Trong năm 2018, Bộ Xây Dựng sẽ triển khai kế hoạch thanh tra đối với hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và thực hiện quy định của pháp luật về nhà ở tại 12 dự án. Điển hình trong đó có dự án Khu tổ hợp du lịch Sonasea Villas and Resort của CEO Group tại Phú Quốc. 


Theo  Ánh Phượng/ Báo Thời Đại

Tin liên quan