Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (25/10): STK, PVS và DCM

Sử dụng bình quân của phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF và FCFE, BVSC khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu PVS với mức giá mục tiêu 33.700 đồng/cổ phiếu.

STK: VDSC khuyến nghị mua với giá mục tiêu 38.500 đồng/cổ phiếu

Quý III/2022, Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) ghi nhận nhận doanh thu đạt 515 tỷ đồng (giảm 3% so với quý trước, tăng 10% so với cùng kỳ so với mức nền thấp của quý III/2021).

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tuy sợi tái chế đóng góp 53% vào tổng doanh thu, nhưng vẫn bị ảnh hưởng do lượng đơn đặhàng từ các thương hiệu hàng đầu chậm lại.

Công ty vẫn nhận được các đơn hàng sợi tái chế mới có giá trị gia tăng cao trong 9 tháng năm 2022, chiếm 51% tổng doanh thu, so với mục tiêu đề ra năm 2022 là 54%. Tỷ suất lợi nhuận gộp quý III/2022 giảm 220 điểm cơ bản theo quý, từ 19,8% xuống 18,3% do chi phí cố định trên mỗi đơn vị cao hơn.

Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 50 tỷ đồng (giảm 28% so với quý trước, giảm 18% so với cùng kỳ), thấp hơn so với kỳ vọng của VDSC do lỗ chênh lệch tỷ giá và lượng đơn hàng suy giảm.

Công ty ghi nhận khoản lỗ tỷ giá đáng kể 13,3 tỷ đồng do việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và thanh toán nợ ngắn hạn bằng đồng USD trong bối cảnh tỷ giá USD/VND tăng.

Nhìn chung, doanh thu lũy kế 9 tháng năm 2022 đạt 1.685 tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 196 tỷ đồng (giảm 4% so với cùng kỳ), hoàn thành 65% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế mà doanh nghiệp đề ra.

Sản phẩm sợi của STK chủ yếu được sử dụng trong ngành dệt may với sản phẩm đầu ra quần áo thể thao và giày dép do các đặc tính đặc biệt.

Tuy nhiên, các khách hàng gián tiếp của STK là Adidas, Nike, Puma, Reebok, Decathlon,... cũng đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi các luồng gió vĩ mô.

VDSC nhận thấy ngành dệt may đang chịu những ảnh hưởng xấu trong quý IV/2022 từ những khó khăn vĩ mô, như lạm phát của Mỹ dự kiến ​​sẽ giảm chậm; trong khi nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng sẽ cung cấp các đơn đặt hàng gấp rút và tiềm năng tăng trưởng doanh số cho chuỗi cung ứng trong thời gian tới, thì việc tồn kho mặt hàng cũ và việc ra mắt sản phẩm mới bị trì hoãn do hiệu ứng bullwhip tiếp tục làm tăng thêm rủi ro về mức tồn kho của ngành.

Theo STK, sự chậm trễ trong các đơn đặt hàng của các khách hàng dệt do mức tồn kho cao của phía sản xuất và bán hàng, sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ sản lượng của công ty trong quý IV/2022, và có thể kéo dài đến nửa đầu năm 2023 nếu tình hình hiện tại vẫn tiếp diễn.

Do đó, kế hoạch của STK là tập trung vào các đơn hàng có giá trị gia tăng cao để bù đắp sự sụt giảm về sản lượng.

Trong quý IV/2022, VDSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số là 520 tỷ đồng (tăng 1%  so với quý trước, giảm 19% so với cùng kỳ) và 57 tỷ đồng (tăng 14% so với quý trước, giảm 25% so với cùng kỳ), do tác động của sự sụt giảm đơn hàng cùng với tỷ giá USD/VND leo thang.

Năm 2022, VDSC kỳ vọng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế giảm sau lợi ích cổ đông thiểu số của STK lần lượt là 2.205 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ) và 252 tỷ đồng (giảm 9% so với cùng kỳ). EPS tương ứng là 3.086 đồng.

Trong khi đơn đặt hàng đối với các sản phẩm may mặc đang chậm lại do lạm phát cao ở các khu vực xuất khẩu dệt may lớn như Mỹ và EU, lượng hàng tồn kho của các nhãn hàng vẫn đang cao. Nhu cầu tiêu dùng suy giảm từ tác động của lạm phát và vòng quay hàng tồn kho chậm hơn sẽ làm lu mờ triển vọng đơn đặt hàng may mặc vào năm 2023.

Do đó, kế hoạch của STK là tập trung vào các đơn đặt hàng có giá trị cao để bù đắp sự sụt giảm số lượng. Theo STK, đóng góp của sợi tái chế sẽ cao hơn nữa vào năm 2023, khi nhà máy bắt đầu hoạt động vào quý IV/2023.

Trong năm 2023, VDSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của STK lần lượt là 2.449 tỷ đồng (tăng  11% so với cùng kỳ) và 252 tỷ đồng (tăng 1% so với cùng kỳ).

VDSC duy trì khuyến nghị mua với giá mục tiêu 38.500 đồng/cổ phiếu cho tầm nhìn một năm, (điều chỉnh giảm 8% từ giá 41.600 đồng/cổ phiếu) do dự phóng điều chỉnh giảm lợi nhuận. Với kỳ vọng mức cổ tức tiền mặt bao gồm 1.000 đồng/cổ phiếu trong 12 tháng tới, tương đường mức sinh lời kỳ vọng 27% dựa trên giá đóng cửa ngày 24/10/2022.

PVS: BVSC khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 33.700 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2022 của Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) là kém khả quan.

Mặc dù giá dầu đã có sự hồi phục ấn tượng so với thời điểm của năm 2021, kết quả kinh doanh của PVS trong nửa đầu năm 2022 kém khả quan hơn nhiều so với dự báo của BVSC, khi lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ chỉ đạt 223 tỷ đồng, giảm 24,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Điều này chủ yếu là do tác động tiêu cực đến từ việc chi phí sản xuất kinh doanh tăng, dưới tác động của lạm phát trên toàn thế giới.

Doanh thu của doanh nghiệp được kỳ vọng tăng trưởng ở mức 8,5% so với cùng kỳ, đạt 15.408 tỷ đồng trong cả năm 2022, nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ chỉ đạt 514,2 tỷ đồng, giảm 14,5% so với cùng kỳ.

Sang năm 2023, với kỳ vọng giá dầu vẫn ở trên mức 60 USD/thùng, BVSC kỳ vọng các hoạt động thăm dò, khai thác và thi công dầu khí vẫn sẽ tiếp tục có những hoạt động sôi nổi. Với tác động của lạm phát lên chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ có sự giảm dần trong năm 2023, BVSC kỳ vọng sang năm 2023, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ 107,1%, đạt 1.065 tỷ đồng.

BVSC cho rằng, mảng căn cứ cảng và dịch vụ tàu kỹ thuật dầu khí của PVS được dự báo sẽ tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh mạnh từ các doanh nghiệp khác trong nước.

Điểm nhấn cho tăng trưởng về trung và dài hạn của doanh nghiệp sẽ đến từ những nghiệp vụ mà doanh nghiệp có thế mạnh về kinh nghiệm cũng như khả năng cung ứng gần như là độc quyền như: mảng cơ khí đóng mới và xây lắp công trình biển (M&C) và mảng cung ứng, xử lý và vận hành FSO/FPSO.

Sử dụng bình quân của phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF và FCFE, BVSC khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu PVS với mức giá mục tiêu 33.700 đồng/cổ phiếu.

Mặc dù kết quả kinh doanh của doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực trong ngắn hạn do chi phí sản xuất kinh doanh tăng mạnh, BVSC vẫn duy trì quan điểm tích cực đối với triển vọng trung và dài hạn của PVS khi mà các dự án năng lượng lớn được triển khai tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ đem lại khối lượng lớn công việc cho PVS trong thời gian tới.

DCM: PSI khuyến nghị mua với giá mục tiêu 34.365 đồng/cổ phiếu

Tổng doanh thu 9 tháng đầu năm của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Đạm Cà Mau đạt 11.465,72 tỷ đồng, vượt 26,8% so với kế hoạch kế hoạch cả năm 2022, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính riêng quý III, doanh thu của DCM đạt 3.307,14 tỷ đồng, tăng 82.5% so với cùng kỳ 2021, tuy nhiên giảm mạnh so với 2 quý liền kế trước đó. Lợi nhuận các doanh nghiệp phân bón đạt mức cao vào quý II (vụ hè thu) và quý I, IV (vụ đông xuân). Do đó kết quả kinh doanh quý III rơi vào chu kỳ thấp điểm.

Biên lợi nhuận gộp doanh nghiệp giảm mạnh xuống mức 30,5% trong quý III/2022, mức thấp nhất trong một năm qua do giá vốn hàng bán tăng 87,2% so với quý I/2021.

Nguyên nhân chính do giá phân bón Urê giảm xuống mức thấp nhất trong năm trong quý III với nguồn cung dồi dào từ Trung Quốc và chính sách xuất khẩu phân bón của Nga sang một số thị trường mục tiêu.

Giá Ure trong nước cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của xu hướng giảm giá trên thế giới. Trong khi đó giá khí tự nhiên đạt đỉnh trong quý III cao nhất mọi thời đại. Cụ thể, mặt bằng giá Ure giảm hơn 10% từ đỉnh xuống mức 14.000-16.000 đồng/kg (vẫn cao hơn 67% so với mặt bằng giá năm 2021).

Trong những tháng cao điểm cuối năm 2022, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) dự báo giá phân bón sẽ phục hồi tăng so với quý III tuy nhiên sẽ khó quay trở lại mức đỉnh đầu năm do nguồn cung phục hồi và nhu cầu Ure cũng giảm nhẹ do giá phân bón tăng nhanh hơn giá bán nông sản, ngoài ra biến đổi khí hậu cũng góp phần làm giảm diện tích canh tác ở nhiều khu vực.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, DCM đạt lợi nhuận trước thuế gấp 4 lần lên mức 3.491,84 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế ghi nhận hơn 3.272,06 tỷ, tăng 298% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 636,57% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

PSI dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của DCM năm 2022 đạt lần lượt 14.817 tỷ đồng và 4.316 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 50,12% và 122,5%, EPS dự phóng cho năm 2022 đạt 8.152 đồng.

PSI khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DCM. Giá mục tiêu là 34.365 đồng/cổ phiếu dựa trên 4 giả định chính. Thứ nhất là điều chỉnh giả định giá dầu bình quân năm 2022 về 95 USD/thùng và giá Ure là 14.800 đồng/kg do lo ngại nhu cầu đối và sức mua của các hộ gia đình giảm khi kinh tế thế giới đối mặt nguy cơ suy thoái cao. Thứ hai là thay đổi dự phóng sản lượng phân bón Ure tiêu thụ cả năm 2022 về 775.000 tấn do nhu cầu thực tế nội địa giảm. Xu hướng tiêu thụ phân bón của người nông dân giảm do giá thành sản phẩm cao. Xu hướng tiêu dùng phân bón của người nông dân tiềm ẩn nguy cơ sụt giảm về dài hạn hoặc chuyển đổi sang sử dụng phân bón giá rẻ kém chất lượng.

Thứ ba là lợi nhuận các doanh nghiệp phân bón đạt mức cao vào quý II (vụ hè thu) và quý I, IV (vụ đông xuân). Do đó thời điểm kết quả kinh doanh quý III sắp tới của DCM sẽ sụt giảm đáng kể so với hai quý liền trước. Thứ tư là cổ tức tiền mặt được dự báo chi trả ít nhất ở mức 20% trong các năm tới sẽ là điểm hấp dẫn của cổ phiếu.

Hải Đường

Theo VietnamFinance