Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (12/1): IDC, ACB và CTG
Yuanta cho rằng ACB xứng đáng với mức định giá cao hơn so với ngành nhờ vào kết quả hoạt động kinh doanh hiệu quả và chất lượng tài sản vững chắc. Yuanta kỳ vọng ROE năm 2023 của ACB sẽ đạt 24%, so với trung vị ngành là 18%.
IDC: SSI khuyến nghị mua với giá mục tiêu 59.300 đồng/cổ phiếu
Trong quý III/2022, Tổng công ty IDICO (HoSE: IDC) đã ký hợp đồng cho thuê mới 37,9ha, bao gồm các khách hàng lớn như Hòa Phát Container, Heineken, Kính Siêu Trắng Phú Mỹ,… nâng tổng diện tích đất cho thuê lên 129,7ha vào năm 2022.
Với lợi thế gần khu cảng Cái Mép - Thị Vải, Khu công nghiệp Phú Mỹ II và Phú Mỹ II mở rộng được kỳ vọng thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp nặng. Đồng thời, kết nối giao thông thuận tiện qua tuyến đường cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận giúp thu hút các doanh nghiệp hàng tiêu dùng và logistics tại Khu công nghiệp Hựu Thạnh.
Công ty Chứng khoán SSI dự báo IDC sẽ duy trì kế hoạch cho thuê 150ha/năm trong giai đoạn 2023 - 2024.
Theo SSI, giá cho thuê đất khu công nghiệp tăng lên cho phép IDC duy trì tỷ suất lợi nhuận cao từ năm 2022. SSI nhận thấy giá cho thuê đất khu công nghiệp Phú Mỹ II đã tăng 20% so với cùng kỳ trong năm 2022, trong khi khu công nghiệp Hựu Thạnh cũng ghi nhận giá thuê trung bình tăng lên 135 USD/m2/chu kỳ thuê (tăng 8% so với cùng kỳ).
SSI cho biết hầu hết đất tại các khu công nghiệp Phú Mỹ II mở rộng và khu công nghiệp Hựu Thạnh đã được giải phóng mặt bằng, giúp IDC triển khai các hợp đồng thuê đất và duy trì tỷ suất lợi nhuận trên 50%.
Diện tích ký kết MOU của các khu công nghiệp của IDC đến cuối năm 2022 là 180ha, đồng thời công ty cũng điều chỉnh giảm tiến độ thanh toán từ 1 năm xuống còn 6 tháng, điều này giúp cải thiện dòng tiền.
SSI cho rằng IDC có thể duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt ở mức 40% mệnh giá trong năm 2023. Trong năm 2023, SSI dự báo doanh thu thuần đạt 9,4 nghìn tỷ đồng (tăng 8,6% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 2,7 nghìn tỷ đồng (tăng 9,3% so với cùng kỳ).
Cổ phiếu IDC đang giao dịch ở mức P/E năm 2022 là 5,5 lần và P/B là 2,1 lần - thấp hơn mức trung bình ngành là 12,8 lần và 2,8 lần. SSI đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu IDC, giá mục tiêu 1 năm là 59.300 đồng/cổ phiếu.
IDC là một trong những nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam với 717ha đất cho thuê tại Long An, Bà Rịa Vũng Tàu và Thái Bình. Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng thấp sẽ giúp IDC duy trì tỷ suất lợi nhuận gộp khu công nghiệp ở mức trên 50% từ năm 2022 đến năm 2026. Tỷ suất cổ tức/thị giá của IDC là 12,2%.
ACB: Yuanta khuyến nghị mua với giá mục tiêu 27.958 đồng/cổ phiếu
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam tăng dự báo thu nhập lãi ròng cho Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) năm 2023 thêm 5% lên 25,6 nghìn tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 13% sau khi vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho vay ở mức 15%.
Yuanta kỳ vọng NIM của ACB sẽ đạt 4,22% (tăng 3 điểm cơ bản YoY) trong năm 2023E do cơ cấu danh mục cho vay của ACB tập trung vào mảng cho vay bán lẻ với 94% tổng dư nợ cho vay. Trong đó, phân khúc khách hàng cá nhân chiếm 65% tổng dư nợ và doanh nghiệp SME chiếm 29% tổng dư nợ.
Điều này sẽ giúp ACB duy trì NIM ở mức tương đối cao mặc dù chi phí huy động vốn có thể sẽ tăng lên. Tỷ lệ CASA của ACB tương đối cao nhưng giảm nhẹ còn 24,1% (giảm 1,3 điểm phần trăm so với đầu kỳ) tính đến thời điểm cuối quý III/2022. CASA giảm là do lãi suất tiền gửi có kỳ hạn ngày càng tăng, trong khi tăng trưởng tín dụng bị thu hẹp, đây là tình trạng mà các ngân hàng khác cũng đang phải đối mặt.
Tỷ lệ CASA của ACB có xu hướng tăng rõ rệt trong giai đoạn từ năm 2012-2021. Tuy nhiên, tương tự như các ngân hàng khác, Yuanta lo ngại rằng tỷ lệ CASA của ACB sẽ tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2023, nhưng kỳ vọng tỷ lệ này sẽ cải thiện vào nửa cuối năm 2023 và giai đoạn sau đó khi lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đạt đỉnh.
Yuanta giảm dự báo trích lập dự phòng 51% so với dự báo trước còn 812 tỷ đồng cho năm 2023 (tăng 62%) do ACB có chất lượng tài sản vững chắc và không sở hữu trái phiếu doanh nghiệp.
Do đó, công ty chứng khoán này tăng nhẹ dự báo lợi nhuận năm 2023 thêm 7%, đạt 16 nghìn tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng lợi nhuận tăng 15%.
Yuanta cho rằng ACB có chất lượng tài sản vững chắc. Tỷ lệ nợ xấu của ACB tương đối thấp ở mức 1,01% với tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) là 138% tính đến cuối quý III/2022. Cụ thể, danh mục đầu tư của ACB không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp (bao gồm cả trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản), nên ít bị ảnh hưởng bởi rủi ro từ thị trường bất động sản so với các ngân hàng khác.
ACB đang giao dịch tương ứng với P/B 2023 đạt 1 lần, tương ứng với trung vị ngành. Yuanta giảm giá mục tiêu 12% xuống còn 27.958 đồng chủ yếu do tỷ lệ chiết khấu tăng lên. Giá mục tiêu mới tương ứng với P/B 2023E là 1,3 lần.
Yuanta cho rằng ACB xứng đáng với mức định giá cao hơn so với ngành nhờ vào kết quả hoạt động kinh doanh hiệu quả và chất lượng tài sản vững chắc. Yuanta kỳ vọng ROE năm 2023 của ACB sẽ đạt 24%, so với trung vị ngành là 18%.
CTG: VCSC khuyến nghị mua với giá mục tiêu 32.100 đồng/cổ phiếu
Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, HoSE: CTG) là nhà băng tích cực nhất chuyển hướng sang cho vay bán lẻ trong số các ngân hàng thương mại Nhà nước (TMNN) trong 9 tháng năm 2022.
Tuy nhiên, VCSC kỳ vọng NIM của CTG sẽ giảm vào năm 2023 cùng với các ngân hàng TMNN khác. Dư nợ cho vay bán lẻ của CTG tăng 25,6% trong 9 tháng năm 2022 so với mức tăng của BID và VCB lần lượt là 19,5% và 18,9%.
Tính đến quý III/2022, các khoản cho vay bán lẻ chiếm 37% dư nợ vay của CTG so với mức 32,5% vào cuối năm 2021. VCSC cho rằng việc chuyển hướng nhanh sang cho vay bán lẻ đã giúp lợi suất của tài sản sinh lãi (IEA) của CTG tương đối không biến động so với cùng kỳ trong 9 tháng năm 2022 dù CTG cung cấp các gói hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong nửa đầu năm 2022.
Mặc dù kỳ vọng xu hướng chuyển dịch sang cho vay bán lẻ sẽ tiếp tục vào năm 2023, tuy nhiên, VCSC cũng dự báo NIM giảm 15 điểm cơ bản so với cùng kỳ một phần do giả định rằng CTG sẽ thực hiện gói hỗ trợ tương đương 0,6% tổng dư nợ cho vay để hỗ trợ nền kinh tế (tương tự mức hỗ trợ trong năm 2021 cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19).
Tính đến quý III/2022, theo số liệu do ngân hàng cung cấp, số dư trái phiếu doanh nghiệp của CTG là 12,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 1% dư nợ tín dụng của CTG, với 50% là trái phiếu liên quan đến bất động sản. Các khoản cho vay với chủ đầu tư bất động sản chiếm khoảng 5% dư nợ vay của CTG.
CTG cho biết tỷ lệ dư nợ có tài sản đảm bảo trên tổng dư nợ là 80% và sẽ tập trung tăng tỷ lệ này trong thời gian tới. Trong khi đó, tỷ lệ cho vay trên giá trị (Loan-to-value) trung bình đạt 58%, ngân hàng cho rằng con số này khá thận trọng.
Xét đến những bất ổn kinh tế tiềm ẩn trong năm 2023 và chất lượng tài sản của CTG trong 9 tháng năm 2022, VCSC tăng giả định tỷ lệ nợ xấu và xử lý nợ/ khoản vay gộp trung bình của CTG giai đoạn 2022 - 2026 từ 2,34% lên 2,85%, dẫn đến mức tăng 41,4% tổng dự báo chi phí dự phòng.
VCSC giảm 20,9% giá mục tiêu cho CTG còn 32.100 đồng/cổ phiếu nhưng duy trì khuyến nghị mua. Giá mục tiêu mới thấp hơn chủ yếu do giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2022-2026 thêm 23,3% và tăng giả định chi phí vốn chủ sở hữu của CTG từ 13% lên 15,8%, một phần được bù đắp bởi tác động tích cực của việc cập nhật giá mục tiêu đến cuối năm 2023.