Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (17/10): TLG, VNM và CTR
(VNF) - Theo PHS, VNM đang ngày càng tích cực đẩy mạnh mở rộng năng lực sản xuất, đa dạng hóa chuỗi nguyên vật liệu cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Những dự án lớn như nhà máy sữa Hưng Yên, Mộc Châu, và các dự án mở rộng các nhà máy hiện hữu sẽ góp phần lớn vào việc cải thiện khả năng sản xuất của Vinamilk trong 2 - 3 năm tới, khi hiện tại các nhà máy tại miền Bắc đã đạt trên 70% công suất.
TLG: VCBS khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 78.100 đồng/cổ phiếu
Kết thúc 8 tháng đầu năm 2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long (HoSE: TLG) ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ với hơn 2.500 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 48% so với cùng kỳ và hơn 396 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 137%, hoàn thành lần lượt 79% và 141% kế hoạch năm 2022.
Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), kết quả tích cực này đến từ sự tăng trưởng cả về doanh thu của tất cả các ngành hàng do nhu cầu dồn nén sau dịch và biên lợi nhuận mở rộng nhờ cộng hưởng nhiều yếu tố.
Cụ thể, VCBS cho rằng TLG đã nắm bắt được cơ hội khi hoạt động học tập và làm việc quay trở lại bình thường, trong năm 2022, TLG đã tập trung đẩy mạnh truyền thông và định vị thương hiệu cho các dòng sản phẩm (Pazto, Thiên Long, ColorKit) giúp sản lượng bán ra tăng mạnh so với cùng kỳ.
Theo VCBS, biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức cao 44,1% trong 8 tháng đầu năm 2022, tăng từ 41,4% của cùng kì chủ yếu nhờ việc tái cơ cấu tổ chức các công ty con (sáp nhập Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Tân Lực Miền Trung vào Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Thiên Long Hoàn Cầu) và cải thiện Product Mix giúp giá bán trung bình tăng so với cùng kỳ.
Ngoài ra giá nguyên vật liệu đầu vào (hạt nhựa – khoảng 18% COGS) giảm khoảng 10% so với đầu năm cũng hỗ trợ TLG gia tăng biên gộp.
VCBS cho biết chi phí SG&A (chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp) trong nửa đầu năm 2022 giảm 3,6% so với cùng kỳ do phần lớn các chi phí marketing chưa được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2022. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính tích cực (tăng 51% so với cùng kỳ) nhờ lãi chênh lệch tỷ giá cũng góp phần giúp biên lợi nhuận ròng 8 tháng của TLG đạt 15,7% ( cùng kỳ đạt 9,8%).
Qua trao đổi với doanh nghiệp, VCBS cho rằng TLG đang trải qua giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ trong chiến lược và vận hành kể từ sau Covid-19. Theo đó, TLG tập trung nguồn lực cho hoạt động marketing và quảng bá thương hiệu. Từ nhiều năm nay, TLG luôn được biết đến với thương hiệu bút viết Thiên Long (chiếm khoảng 60% thị phần). Tuy nhiên các dòng sản phẩm văn phòng phẩm khác như học cụ, mỹ thuật đang vấp phải sự cạnh tranh lớn từ đối thủ nước ngoài.
Từ năm 2022, TLG thực hiện nhiều chiến dịch tái định vị cho hầu hết các thương hiệu (ColorKit, Thiên Long, Bizner,..) và mang về hiệu quả rất tích cực. Chi phí dành cho marketing, mở rộng hệ thống bán hàng vì thế mà cũng sẽ duy trì ở mức cao (khoảng 28- 30% doanh thu thuần) trong ít nhất 2-3 năm tới.
Theo VCBS, TLG sẽ tăng trưởng doanh thu xuất khẩu. Tỷ trọng xuất khẩu trong cơ cấu doanh thu của TLG tăng trưởng đều đặn trong các năm gần đây (từ 13% lên 21% năm 2021) với định hướng nâng lên 25% vào năm 2027.
Về hướng mở rộng xuất khẩu, VCBS đánh giá cao TLG ở sản phẩm chất lượng tốt và giá cả rẻ hơn nhiều so với các quốc gia lân cận. Điều nay sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn các thị trường TLG đã có thế mạnh như Đông Nam Á (Phillipines, Malaysia, Campuchia,..).
Về hướng OEM, TLG đã thực hiện gia công sản phẩm cho các đối tác nước ngoài như Cryola, Newell từ nhiều năm nay nhờ lợi thế về công nghệ sản xuất (có thể tự làm khuôn đóng và tự động hóa 79% năm 2021) và tự chủ nguyên vật liệu (trừ đầu bút và hạt nhựa).
Đây là mảng có biên LNG thấp hơn sản xuất nội địa (22 – 25% vs ~ 41%) nhưng là cơ hội để Thiên Long gia tăng sản lượng cũng như nắm bắt cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài lớn. Ngoài ra doanh nghiệp cũng đang trong quá trình hoàn thiện nhà máy Thiên Long Long Thành mới để nâng cao năng lực OEM.
Nhà máy Thiên Long Long Thành dự kiến hoàn thành xây dựng từ quý IV/2022 và vận hành từ tháng 6/2023 sẽ giúp nâng tổng sản lượng của TLG lên thêm 25% công suất hiện tại (1,25 tỷ sản phẩm/năm).
Theo ban lãnh đạo chia sẻ, tổng diện tích nhà máy là 5 tầng trong đó 3 tầng để có đơn hàng đầu ra, còn lại 2 tầng dự phòng để TLG mở rộng công suất OEM. Với công suất mở rộng này, TLG kì vọng có thể đảm bảo đủ năng lực sản xuất và phục vụ tăng trưởng đến năm 2027.
VCBS cho rằng bức tranh lợi nhuận của TLG các tháng cuối năm 2022 kì vọng sẽ tiếp tục tươi sáng với doanh thu thuần dự phóng đạt 3.831 tỷ đồng (tăng 43,6%) và 585 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 112%). Trong năm 2023, tăng trưởng có thể thấp hơn do không còn động lực từ nhu cầu dồn nén, tuy nhiên VCBS kì vọng việc nhà máy mới đi vào hoạt động và tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sẽ giúp TLG duy trì tăng trưởng khoảng 7,7%.
VNM: PHS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 85.776 đồng/cổ phiếu
Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) kỳ vọng doanh thu của công ty trong năm 2022 sẽ đạt 62.138 tỷ đồng (tăng 2%) trong bối cảnh sức tiêu thụ của toàn ngành sữa sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các bất lợi về vĩ mô như lạm phát, lãi suất cao. Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế có thể đạt 9.722 tỷ đồng (giảm 7,7%), biên lợi nhuận gộp nhiều khả năng giảm 5,4 điểm phần trăm do tình trạng lạm phát, chi phí logistics tăng cao, áp lực của tỷ giá tăng cộng với các bất ổn về địa chính trị tại Ukarine sẽ tạo ra áp lực tăng giá lên nguyên vật liệu nhập khẩu.
Theo PHS, VNM đang ngày càng tích cực đẩy mạnh mở rộng năng lực sản xuất, đa dạng hóa chuỗi nguyên vật liệu cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Những dự án lớn như nhà máy sữa Hưng Yên, Mộc Châu, và các dự án mở rộng các nhà máy hiện hữu sẽ góp phần lớn vào việc cải thiện khả năng sản xuất của Vinamilk trong 2 - 3 năm tới, khi hiện tại các nhà máy tại miền Bắc đã đạt trên 70% công suất.
Vinamilk hiện đang nắm giữ mạng lưới phân phối mạnh mẽ và rộng khắp trong nước với hơn 37 cửa hàng Giấc mơ sữa Việt được mở mới chỉ trong riêng quý II/2022, nâng tổng số lên 651 cửa hàng trải dài khắp mọi miền đất nước. Cùng với đó là sự chú trọng vào các kênh phân phối hiện đại thông qua việc hợp tác chặt chẽ với các đối tác siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Ngoài ra, Vinamilk còn đang sở hữu 5 công ty thành viên tại 5 quốc gia khác nhau, góp phần giúp đa dạng về nguồn thu khi thị trường sữa nước nhà đang trở nên chật hẹp bởi sự xuất hiện của nhiều đối thủ cạnh tranh, cả trong và ngoài nước.
Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico), công ty con của Vinamilk, đã phê duyệt kế hoạch thực hiện dự án bò thịt liên doanh với Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản, dự kiến phân phối ra thị trường vào cuối năm 2023. PHS đánh giá đây sẽ là động lực tăng trưởng của Vinamilk trong thời gian sắp tới khi công ty có thể tận dụng lợi thế về kinh nghiệm trong chăn nuôi và thị trường bò thịt còn khá phân mảnh, chưa có người dẫn đầu.
Sử dụng phương pháp DCF và P/E, PHS ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu VNM là 85.776 đồng/cổ phiếu. PHS đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 22%. Định giá của PHS đã phản ánh con số ước tính trong giai đoạn 4 năm tiếp theo nhưng chưa bao gồm mảng bò thịt do cần thêm thông tin/thời gian để đánh giá.
CTR: SSI khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 71.200 đồng/cổ phiếu
Kết quả kinh doanh sơ bộ quý III/2022 của Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel (UPCoM: CTR) khá tích cực với tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ước tính là 37% so với cùng kỳ và 25% so với quý trước.
Tốc độ tăng trưởng trong kết quả kinh doanh sơ bộ quý III/2022 cao hơn một chút so với dự báo kết quả kinh doanh của Công ty Chứng khoán SSI được cập nhật ngày 7/10/2022. SSI cho rằng lợi nhuận trước thuế khả quan chủ yếu là nhờ tăng tỷ trọng đóng góp từ mảng cho thuê cơ sở hạ tầng viễn thông. Việc xây dựng các trạm BTS mới đang được đẩy mạnh từ quý II/2022 (742 trạm) và thêm 361 trạm trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 8/2022 so với 162 trạm trong quý I/2022.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận trước thuế sơ bộ đạt 400 tỷ đồng (tăng 28,5% so với cùng kỳ), hoàn thành 70% dự báo năm 2022 của SSI.
SSI nhận thấy vòng quay tiền mặt và vị thế tiền mặt ròng của CTR tốt hơn dự kiến. Trước đây, công ty chứng khoán này lo ngại về việc vòng quay tiền mặt sẽ bị kéo dài khi mở rộng sang phân khúc xây dựng nhà ở.
Tuy nhiên, kể từ tháng 6/2022, chỉ số vòng quay tiền mặt trong vòng 12 tháng qua đạt mức 84 ngày, thấp hơn ước tính hiện tại của SSI cho năm 2022 là 94 ngày. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh đạt 194 tỷ đồng so với ước tính năm 2022 là 84 tỷ đồng. Do dòng tiền hoạt động khá tốt, dư nợ ngắn hạn thấp hơn dự kiến và mang lại tỷ lệ tiền mặt ròng trên vốn chủ sở hữu là 0,4 lần ở thời điểm tháng 6/2022, tốt hơn so với ước tính của SSI là tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu của năm 2022 sẽ đạt 0,4 lần.
Luật sửa đổi Luật tần số vô tuyến điện được thông qua có thể là cơ sở để khởi động đợt đấu giá băng tần cho 4G & 5G. Theo đánh giá 6 tháng đầu năm 2022 của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) ngày 26/7/2022, mục tiêu của bộ bao gồm thực hiện hoạt động đấu giá cho băng tần 2300-2400MHz cho 4G vào cuối năm 2022 và đấu giá băng tần 2600-3500MHZ cho 5G trong 6 tháng cuối năm 2023. Một mục tiêu khác là đóng cửa dần dần mạng 2G cho đến hết tháng 9/2024.
Tập đoàn Viettel giữ vị trí số 1 về thị phần thuê bao di động và tốc độ mở rộng vẫn đang được duy trì. Do đó, điều này có thể mang lại lợi ích cho mảng cho thuê cơ sở hạ tầng viễn thông của CTR. Hơn nữa, SSI cho rằng các nhà đầu tư cần lưu ý rằng không dễ dàng để các doanh nghiệp khác tham gia vào thị trường viễn thông do rào cản về mức độ sử dụng vốn lớn.
Cổ phiếu CTR hiện giao dịch ở mức P/E năm 2022 là 17,9 lần và năm 2023 là 14,9 lần, thấp hơn nhiều so với các công ty cùng ngành là 22 lần và 21 lần. Trong khi đó, tăng trưởng EPS năm 2022 và 2023 của CTR được dự báo là sẽ đạt lần lượt 22,6% và 20,2%, so với các công ty cùng ngành hiện ở mức 9% và 10%.
Với kết quả kinh doanh quý III/2022 khả quan so với cùng kỳ và so với quý trước, cùng với vòng quay tiền tốt hơn ước tính và số dư nợ ngắn hạn thấp hơn dự kiến, sẽ giúp CTR đạt lợi nhuận năm 2022 cao hơn lợi nhuận ước tính của SSI, đồng thời mang lại những yếu tố hỗ trợ bất ngờ cho giá mục tiêu.
Tuy nhiên, SSI vẫn duy trì dự báo hiện tại cho năm 2022 và năm 2023 do những lo ngại về suy thoái kinh tế. Giá mục tiêu 1 năm hiện tại của SSI cho CTR là 71.200 đồng/cổ phiếu trên cơ sở áp dụng phương pháp định giá DCF, tiềm năng tăng giá là 17%, tương ứng với khuyến nghị khả quan.