Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (13/10): PVD, FPT và TLG

VCBS kỳ vọng năm 2022-2023, PVD sẽ ghi nhận doanh thu lần lượt 5.305 tỷ đồng (tăng 30%) và 5.530 tỷ đồng (tăng 4%). Lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 72 tỷ đồng (tăng 95%) và 94 tỷ đồng (tăng 31%).

PVD: VCBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 24.581 đồng/cổ phiếu

Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (HoSE: PVD) ghi nhận doanh thu luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022 đạt 2.651 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2021.

Lợi nhuận sau thuế âm gần 153 tỷ đồng, cùng kỳ âm 70 tỷ đồng. Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), sự tăng trưởng mạnh mẽ của doanh thu đến từ hiệu suất cho thuê dàn khoan tăng, giá thuê giàn khoan tự nâng tăng 14% so với cùng kỳ, đạt trên 70.000 USD/ngày và giá dầu tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2022, góp phần cải thiện nhu cầu thuê giàn khoan cũng như giá thuê.

Dù ghi nhận lỗ sau thuế trong 6 tháng đầu năm, VCBS vẫn dự báo 2022-2023 sẽ là giai đoạn khả quan cho PVD dựa trên 4 yếu tố.

Thứ nhất, giá dầu Brent dự báo 2022-2023 vẫn duy trì ở mức tăng 85 – 90 USD/thùng, do đó sẽ kích hoạt các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí. Theo Cơ quan Năng Lượng Mỹ dự báo giá dầu vẫn duy trì tăng trong bối cảnh chiến tranh Nga – Ukraine.

Thứ hai, thị trường giàn khoan thế giới đang dần tiệm cận đạt trạng thái cân bằng cung - cầu, khi đó giá cho thuê giàn khoan sẽ cải thiện. Giai đoạn năm 2015-2019 ngành khoan thế giới đã phải chứng kiến giá dầu sụt giảm sâu, số lượng giàn khoan tạm dừng và các giàn khoan đóng mới phải hủy kế hoạch.

Với giá dầu từ năm 2020-2022 phục hồi đã thúc đẩy nhu cầu hoạt động khoan trở lại, từ đó gía thuê giàn cải thiện sẽ giúp cho các hợp đồng tái ký mới của PVD thuận lợi với giá thuê tốt hơn.

Thứ ba, sản lượng tiêu thụ dầu hồi phục do tăng trưởng nhu cầu sau đại dịch. Hoạt động cho thuê giàn khoan tại khu vực Đông Nam Á đang hồi phục ấn tượng.

Thứ tư, VCBS cho rằng hiệu suất hoạt động các giàn khoan của PVD đang cải thiện, đạt trên 80%. Khối lượng công việc, cụ thể các giàn đều có việc làm. Giàn TAD đã ký hợp đồng khoan cho dự án nước sâu Brunei Shell Petroleum với thời hạn 6 năm và giá thuê 89.000 USD/ngày, sau 5 năm giàn không có việc làm.

VCBS kỳ vọng năm 2022-2023 PVD sẽ ghi nhận doanh thu lần lượt 5.305 tỷ đồng (tăng 30%) và 5.530 tỷ đồng (tăng 4%). Lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 72 tỷ đồng (tăng 95%) và 94 tỷ đồng (tăng 31%).

Công ty chứng khoán này đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu PVD với giá mục tiêu kỳ hạn 1 năm là 24.581 đồng/cổ phiếu (tăng 25% so với giá đóng cửa ngày 6/10/2022).

FPT: SSI khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 96.600 đồng/cổ phiếu

Luỹ kế 8 tháng, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) lần lượt đạt 27.060 tỷ đồng và 4.951 tỷ đồng, tăng 24% và 23,6% so với cùng kỳ.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, mảng công nghệ thông tin trong nước của FPT ghi nhận mức tăng trưởng tích cực của doanh thu (tăng 18,3% so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế (tăng 13,5% so với cùng kỳ) trong tháng 7 - tháng 8/2022 sau khi giảm đi trong quý II/2022.

Cụ thể, trong quý II/2022, mảng công nghệ thông tin trong nước ghi nhận doanh thu giảm 19,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế giảm 14,4% so với cùng kỳ.

Theo công ty, dịch vụ công nghệ thông tin trong nước giảm tốc do tăng trưởng tín dụng ngân hàng bị hạn chế và thị trường bất động sản bị thắt chặt hơn. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo dự kiến tăng trưởng sẽ tăng lên mức 20% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm nhờ backlog đạt 5.000 tỷ đồng.

SSI dự kiến lợi nhuận trước thuế của FPT sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 23% so với cùng kỳ trong quý III/2022 nhờ đóng góp chủ yếu từ mảng công nghệ.

Trong quý III/2022, các nhà đầu tư có thể thấy mảng công nghệ thông tin trong nước sẽ ghi nhận mức tăng trưởng cải thiện, cụ thể từ tháng 7 đến tháng 8 năm 2022, mảng côngh nghệ thông tin trong nước đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế là 13,5% so với cùng kỳ, so với mức giảm 14% so với cùng kỳ trong quý II/2022

FPT có vị thế tiền mặt ròng là 4,9 nghìn tỷ đồng, đây sẽ là một yếu tố hỗ trợ quan trọng trong bối cảnh suy thoái kinh tế và lãi suất cho vay tăng. Đây cũng có thể là một lợi thế cạnh tranh khác của FPT so với các công ty khởi nghiệp với dòng tiền yếu hơn.

Hơn nữa, SSI tin rằng sự cạnh tranh từ các công ty công nghệ thông tin khởi nghiệp và quy mô nhỏ có thể được giảm bớt do việc huy động vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh gặp trở ngại trong môi trường lãi suất tăng.

FPT hiện giao dịch với P/E năm 2022 và 2023 lần lượt là 14,2 lần và 11,6 lần với mức tăng trưởng EPS lần lượt là 23% và 22%, tương đương với tỷ lệ PEG hấp dẫn là 0,6-0,5 lần.

Hiện tại, mức giá mục tiêu 1 năm là 96.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tiềm năng tăng giá là 36% và khuyến nghị khả quan. 

TLG: VCSC khuyến nghị mua với giá mục tiêu 63.500 đồng/cổ phiếu

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long (HoSE: TLG) ghi nhận kết quả kinh doanh mùa tựu trường năm 2022 tích cực với doanh thu 8 tháng đầu năm 2022 tăng 48% so với cùng kỳ, từ mức cơ sở thấp trong 8 tháng đầu năm 2021.

Biên lợi nhuận gộp 8 tháng đầu năm 2022 giảm còn 44,1% so với 44,7% trong 6 tháng đầu năm 2022 do tác động tích cực từ tồn kho hạt nhựa nguyên liệu giá rẻ giảm. Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết kết quả này tốt hơn kỳ vọng khi TLG tiếp tục tối ưu hóa các danh mục sản phẩm với biên lợi nhuận cao hơn, theo ban lãnh đạo.

VCSC nâng dự báo biên lợi nhuận gộp năm 2022 của TLG lên 44,2% từ mức 43,5% trước đó do kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2022 tốt hơn dự kiến và giá nhựa nguyên liệu đầu vào có xu hướng giảm trong nửa cuối năm 2022.

Tính đến cuối 6 tháng đầu năm 2022, TLG không có nợ dài hạn, không có nợ bằng ngoại tệ và tỷ lệ thanh khoản tốt. Doanh thu và chi phí của công ty chủ yếu đến từ trong nước, trong khi khoảng 20% doanh thu xuất khẩu đóng vai trò là công cụ phòng hộ tỷ giá tự nhiên cho các nguyên liệu đầu vào nhập khẩu. VCSC dự phóng cổ tức sẽ tăng dựa trên giả định chi trả cổ tức bằng tiền mặt 50 - 60%.

VCSC dự phóng lợi nhuận sau thuế năm 2022 của TLG đạt 461 tỷ đồng, tương đương tăng 66% so với mức thực hiện năm 2021.

Bất chấp kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2022 tích cực, giá cổ phiếu TLG đã giảm 25% so với mức đỉnh lịch sử trong tháng 9/2022 do tâm lý thị trường kém khả quan.

VCSC cho rằng định giá của TLG là hấp dẫn với P/E dự phóng 2022 là 9,8 lần, năm 2023 là 8,9 lần so với mức trung bình P/E trượt của các công ty cùng ngành là 12,6 lần với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS 29% trong giai đoạn 2021-2024.  

VCSC nâng giá mục tiêu cho TLG thêm 6% lên 63.500 đồng/cổ phiếu và nâng khuyến nghị từ khả quan lên mua. Giá mục tiêu cao hơn là do tác động tích cực của dự báo tổng lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2022- 2026 tăng 10%, chủ yếu là do công ty chứng khoán này đánh giá tích cực hơn về biên lợi nhuận gộp của TLG trong giai đoạn này, và giả định tỷ lệ chi phí bán hàng và hành chính trong doanh thu thấp hơn. 

Hải Đường

Theo VietnamFinance