Thấy gì từ sự 'thận trọng' của Coteccons?
Khẳng định kế hoạch kinh doanh năm tài chính 2024 được xây dựng rất “thận trọng”, “cân nhắc”, song Coteccons vẫn khiến giới đầu tư ngạc nhiên khi đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất lên tới 274 tỷ đồng. Đâu là cơ sở để nhà thầu này tự tin đến vậy?
Bản kế hoạch “khiêm tốn”
Ngày 17/10/2023, Coteccons (HoSE: CTD) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên. Đây là lần thứ 2 trong năm 2023, công ty tổ chức đại hội, do sự thay đổi về năm tài chính (với năm tài chính mới – 2024 sẽ bắt đầu từ 1/7/2023).
Với tính chất của một đại hội chuyển tiếp, đại hội của Coteccons đã dành hầu hết thời gian cho hoạt động hỏi – đáp giữa cổ đông và HĐQT, phần báo cáo về hoạt động kinh doanh hầu như chỉ được điểm qua. Dù vậy, sự “điểm qua” này cũng tạo nên ấn tượng khá đậm nét về một Coteccons đang trong thời kỳ “đứng dậy vươn vai”. Cụ thể, kết thúc năm tài chính 2023 (kéo dài từ 1/1/2023 – 30/6/2023), Coteccons ghi nhận 6.744 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, đạt 88% kế hoạch; 52 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, tăng 862% so với cùng kỳ năm trước, vượt 18% kế hoạch. Dòng tiền kinh doanh dương 931 tỷ đồng, cải thiện mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước.
Phát biểu tại đại hội, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Coteccons, đánh giá thị trường bất động sản – xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn chưa có gì khởi sắc. Ngay ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, thời gian qua cũng chỉ có vài giấy phép được cấp cho dự án đầu tư mới. Ông Bolat cho rằng phải tới quý II/2024, thị trường mới có thể có sự khởi sắc rõ rệt. “Vì vậy các tờ trình của chúng tôi đều thận trọng, cân nhắc”, ông nói.
Nhấn mạnh các chữ “thận trọng”, “cân nhắc”, thế nhưng kế hoạch năm tài chính 2024 của Coteccons vẫn khiến giới quan sát bất ngờ, bởi công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 17.793 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 274 tỷ đồng. Đây đều là những con số rất cao. Đơn cử, so sánh với năm 2022, mục tiêu doanh thu năm tài chính 2024 tăng thêm 22% còn mục tiêu lợi nhuận sau thuế tăng tới 13 lần (hoặc ít nhất cũng gấp 5 lần so với kết quả năm tài chính 2023). Vậy đâu là cơ sở để Coteccons đưa ra mục tiêu cao như vậy, nhất là về lợi nhuận?
Đa trụ đỡ
Có thể thấy, cơ sở đầu tiên cho kế hoạch lợi nhuận của Coteccons là sự mở rộng về thị phần xây dựng. Trải qua giai đoạn khó khăn nhất (2020 – 2021), Coteccons từ 2022 đã dần lấy lại được những gì đã mất, khi trúng thầu hàng loạt dự án lớn, nâng tổng số dự án thi công vào năm 2022 lên tới con số 65, backlog thời điểm đỉnh cao lên tới 41.000 tỷ đồng. Đây là thành công của việc nâng cao hiệu quả phòng đấu thầu cùng với việc thực thi chiến thuật “repeat sales” (bán hàng lặp lại) – nguồn cơn cho sự bứt phá 60% về doanh thu năm 2022, đưa Coteccons quay lại ngôi vị số 1 ngành xây dựng Việt Nam.
Thành tựu đấu thầu vẫn phát huy trong năm 2023 đầy khó khăn của thị trường, dẫn tới backlog cho năm 2024 – 2025 của Coteccons ở thời điểm hiện tại đạt trên 20.000 tỷ đồng – theo Tổng giám đốc Võ Hoàng Lâm. Đây là nền tảng vững chắc cho việc tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong năm tài chính 2024.
Nhìn sâu hơn vào cấu trúc doanh thu hoạt động xây dựng của Coteccons, có thể nhận ra bên cạnh mảng chủ lực là xây dựng dân dụng – thương mại, công ty đang đẩy mạnh sự phát triển của mảng xây dựng công nghiệp, từ tỷ trọng 14% năm 2022 lên tới 33% trong năm tài chính 2023. Đây là mảng miếng có biên lợi nhuận khá tốt, nhất là với doanh nghiệp có lợi thế quy mô như Coteccons khi có thể đẩy dự án về đích sớm hơn nhiều so với tiến độ dự kiến.
Trong xây dựng công nghiệp, Coteccons cũng đang cho thấy “cái duyên” với các dự án của doanh nghiệp nước ngoài – miếng bánh ngon nhất thị trường xây dựng hiện nay, vì giá tốt và thanh toán đúng hẹn. Thành tựu đáng kể là Coteccons đã chiến thắng trước Newtecons để giành được dự án “tỷ đô” Lego tại Bình Dương hay mới đây là cái bắt tay với Foxconn tại Bắc Giang. Dù giá trị hợp đồng với Foxconn chưa lớn nhưng bằng cái bắt tay này, Coteccons đã phá vỡ được thế “độc quyền” của Ricons đối với một trong những nhà sản xuất quan trọng nhất khu vực Đông Á.
Một yếu tố quan trọng khác hỗ trợ cho lợi nhuận 2024 của Coteccons là sự tiết giảm chi phí quản lý. Bằng việc kiên trì chủ trương minh bạch hóa, những năm qua, Coteccons đã “show” hầu như toàn bộ nợ xấu của mình, đưa tổng giá trị trích lập dự phòng lên hơn 1.000 tỷ đồng. Do đó, năm 2024, Coteccons chỉ còn phải trích lập khoảng 90 tỷ đồng – theo Kế toán trưởng Cao Thị Mai Lê. Việc trích lập ít đi trông thấy sẽ giúp Coteccons tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp, qua đó nâng cao giá trị lợi nhuận ròng. Cần biết năm 2022, nếu loại trừ chi phí dự phòng, Coteccons có thể lãi trước thuế hơn 300 tỷ đồng.
Liên quan câu chuyện chi phí, Coteccons thời gian qua cũng đã tiến hành xây dựng chuỗi cung ứng và danh sách thầu phụ tốt để quản trị về giá nguyên vật liệu cũng như nhằm tối ưu hóa hệ sinh thái. “Trong 9 – 10 tháng tới, tôi thấy việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng sẽ mang lại những kết quả tích cực về doanh thu và lợi nhuận”, ông Bolat Duisenov nói và khẳng định “Coteccons không muốn làm nhà thầu có giá rẻ nhất, chúng tôi cũng không ép giá thầu phụ. Kẻ thù của ngành xây dựng không phải là cuộc chiến về giá mà là sự kém hiệu quả về năng suất. Nếu chúng ta giải quyết được bài toán năng suất, chúng ta sẽ cùng nhau thành công”.
Ngoài các yếu tố nêu trên, Coteccons còn một vài yếu tố khác có thể làm căn bản cho sự tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong tương lai. Một là đầu tư công, Coteccons sau cú trượt gói thầu 5.10 sân bay Long Thành đã xây dựng được đội ngũ và kinh nghiệm cho việc đấu thầu các dự án công. Ông Bolat Duisenov nói với cổ đông rằng Long Thành chỉ là một trong nhiều dự án lớn mà Việt Nam sẽ thực hiện trong thời gian tới, vì vậy dư địa đấu thầu dự án công vẫn là rất lớn và Coteccons tự tin tìm kiếm được dự án trong thời gian tới.
Hai là bất động sản. Vừa qua, Coteccons đã chính thức thông tin về việc hợp tác đầu tư, phát triển dự án The Emerald 68 tại Thuận An – Bình Dương với Tập đoàn Lê Phong. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, quy mô 1 tòa nhà gồm 2 khối, cung cấp ra thị trường gần 800 căn hộ. Dự án dự kiến bàn giao vào năm 2026.
Ba là đầu tư ra nước ngoài. Lãnh đạo Coteccons cho biết một khách hàng lớn của công ty ở Việt Nam đã vươn ra 3 nước, do vậy Coteccons kỳ vọng sẽ nhận được dự án của khách hàng này ở nước ngoài. Ngoài ra, một khách hàng khác cũng đánh tiếng khi họ ra nước ngoài sẽ đưa Coteccons theo. Song trên hết, Coteccons cũng đang tự thân vận động, dò lối ra nước ngoài, tương tự như cách một số doanh nghiệp xây dựng khác đã làm, như Hòa Bình, Fecon…
Có thể nói, với những động lực cơ bản nêu trên, đường kinh doanh của Coteccons đang cho thấy mức độ tươi sáng khá tốt trong năm tài chính tới. Tất nhiên, tương lai vẫn còn những vấn đề để ngỏ với một tham vọng lợi nhuận tăng gấp 5 - 13 lần, song nói như ông Bolat “Coteccons không có lựa chọn nào khác là cố gắng vươn lên để đạt được các mục tiêu”.
“Ngành xây dựng Việt Nam sẽ còn tăng trưởng rất nhiều, với động lực từ đô thị hóa, phát triển nhà ở xã hội và đầu tư nước ngoài. Coteccons sẽ đạt được mục tiêu 3 tỷ USD doanh thu, 1 tỷ USD vốn hóa bằng cách đón đầu làn sóng đó. Công ty đang chuẩn bị, hun đúc cho năng lực nội tại. Chúng tôi khiêm tốn nhưng lì đòn”, ông nói.