Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (25/11): QNS, NLG và VNM
KBSV khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu VNM do thời gian gần đây cổ phiếu này có hiệu suất vượt trội so với thị trường chung, đã phản ảnh một phần kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2023.
QNS: SSI khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 44.600 đồng/cổ phiếu
Trong quý III/2022, Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (HoSE: QNS) công bố doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 2,3 nghìn tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ, tăng 4% so với quý trước) và 318 tỷ đồng (giảm 8,7% so với cùng kỳ, giảm 13% so với quý trước).
Trong 9 tháng đầu năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 6,3 nghìn tỷ đồng (tăng 9,3% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 859 tỷ đồng (giảm 1,2% so với cùng kỳ).
Sản lượng sữa đậu nành đạt 207 triệu lít (giảm 1,3% so với cùng kỳ) và sản lượng đường đạt 94 nghìn tấn (tăng 12% so với cùng kỳ) trong 9 tháng năm 2022.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, kết quả kinh doanh 9 tháng của QNS thấp hơn dự kiến do sản lượng tiêu thụ sữa đậu nành giảm 1,3% so với cùng trong 9 tháng năm 2021 (giảm 12% so với cùng kỳ trong quý III/2022); và tỷ suất lợi nhuận gộp mảng đường giảm từ 20,9% trong 9 tháng năm 2021 xuống 16,5% trong 9 tháng năm 2022.
SSI kỳ vọng doanh thu thuần mảng sữa đậu nành sẽ tăng lần lượt 7% và 4% vào năm 2022 và 2023. Do tốc độ tăng trưởng giảm đi trong 9 tháng năm 2022, SSI điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng sản lượng sữa đậu nành từ 7% xuống 1% vào năm 2022.
Trong năm 2023, SSI kỳ vọng sản lượng sữa đậu nành sẽ tăng nhẹ 2%. Do chi phí đậu tương giảm, tỷ suất lợi nhuận gộp dự kiến lần lượt đạt 40,7% và 42,4% vào năm 2022 và 2023, so với mức 40,3% vào năm 2021.
Về mảng đường, SSI cho rằng tác động từ việc chính thức áp thuế đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan trên thực tế sẽ có độ trễ nhất định, đặc biệt là sau khi hàng tồn kho giá rẻ được tiêu thụ hết. Do đó, SSI cho rằng QNS sẽ bắt đầu hưởng lợi từ chính sách này từ năm 2023 trong bối cảnh sản lượng bán ra tăng lên, với doanh thu đường tăng trưởng lần lượt 34% và 68% vào năm 2022 và 2023.
Sản lượng đường tinh luyện (RS) dự kiến đạt 108 nghìn tấn (tăng 8% so với cùng kỳ) vào năm 2022 và có thể tăng lên 144 nghìn tấn (tăng 33% so với cùng kỳ) vào năm 2023.
SSI giả định sản lượng tiêu thụ đường RE đạt lần lượt 40 nghìn tấn và 80 nghìn tấn trong năm 2022 và 2023, trong khi giá bán bình quân của đường RS và RE ước tính tăng lần lượt 3% và 1%.
Biên lợi nhuận gộp của đường RS và RE ước tính lần lượt là 28,4% và 0,4% vào năm 2023. Do sản lượng và biên lợi nhuận gộp của đường RS cao hơn đường RE nên lợi nhuận mảng đường sẽ tăng trong năm 2023. SSI đã điều chỉnh giảm 6.6% dự báo lợi nhuận năm 2022 xuống 1,3 nghìn tỷ đồng (tăng 1,5% so với cùng kỳ).
Công ty chứng khoán này ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của QNS năm 2023 lần lượt đạt 9,9 nghìn tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ) và 1,5 nghìn tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ).
QNS đang giao dịch với P/E dự phóng năm 2022 và 2023 lần lượt là 8,4 lần và 7,4 lần, gần với mức thấp nhất trong 4 năm qua là 6,3 - 11,5 lần. SSI áp dụng P/E mục tiêu là 11 lần cho mảng sữa đậu nành (mức mục tiêu trước đây là 12 lần) và 6 lần cho các mảng khác (mức mục tiêu trước đây là 8 lần).
Giá mục tiêu một năm mới của SSI cho cổ phiếu QNS là 44.600 đồng/cổ phiếu (giảm từ 59.800 đồng/cổ phiếu), tương ứng với tiềm năng tăng giá là 26% (tổng ROI là 35%). SSI khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu QNS.
NLG: MBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 39.100 đồng/cổ phiếu
Trong quý III/2022, Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) ghi nhận doanh thu thuần đạt 882 tỷ đồng, tăng mạnh 484% so với cùng kỳ từ mức cơ sở thấp của quý III/2021, chủ yếu nhờ bàn giao căn hộ chung cư tại dự án Akira City (TP. HCM) và nhà liền thổ tại dự án Southgate, Long An.
Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giảm 97% so với cùng kỳ, đạt 8 tỷ đồng. Lợi nhuận chênh lệch lớn do không còn khoản doanh thu từ hoạt động tài chính gần 372 tỷ đồng nhờ hợp nhất với Southgate trong quý III/2021, đồng thời chi phí bán hàng tăng mạnh (hơn 11 lần).
Tính đến hết quý III, giá trị pre–sales đạt 9.922 tỷ đồng, đạt 42% kế hoạch năm 2022. Trong quý III/2022, số lượng pre-sales chỉ đến từ 2 dự án là Akari (860 tỷ) và Southgate (652 tỷ). Nguyên nhân pre-sales đạt tỷ lệ thấp do những điều chỉnh về kế hoạch phát triển tổng thể của 2 dự án lớn là Izumi và Paragon, qua đó kế hoạch bán hàng của 2 dự án này được dời sang 2023.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng giá trị bán hàng 2022 đạt khoảng 12.000 – 14.000 tỷ đồng, chủ yếu tại các dự án Mizuki, Southgate, Akari City, Izumi City và Cần Thơ.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu tăng 244% lên 2.710 tỷ đồng, chủ yếu nhờ bàn giao Flora Akari, Ehome và Valora Southgate nhưng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giảm 83% so với cùng kỳ còn 119 tỷ đồng do chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp (SG&A) 9 tháng của NLG tăng 95% so với cùng kỳ chủ yếu do ghi nhận từ việc bàn giao dự án, và không còn khoản thu nhập khác gần 431 tỷ sau khi mua 30% cổ phần của dự án Waterfront Đồng Nai từ Keppel Land để nâng tỷ lệ sở hữu lên 65,1% trong 9 tháng năm 2021.
Các thủ tục pháp lý để NLG đủ điều kiện ghi nhận bàn giao dự án Cần Thơ và bán cổ phần tại dự án Paragon có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến, theo đó MBS điều chỉnh thời gian ghi nhận doanh thu và lợi nhuận từ các dự án này sang 2023 và các năm tiếp theo.
Dự kiến trong quý IV/2022, NLG tiếp tục bán hàng tại 3 dự án lớn. Cụ thể, chào bán 70 sản phẩm thuộc dự án Southgate tại Long An (giá trị 1.200 tỷ đồng) và giới thiệu giai đoạn 2 dòng sản phẩm Ehomes; mở bán 870 sản phẩm thuộc Akari City giai đoạn 2, Bình Tân, TP. HCM (2.871 tỷ đồng). Ngoài ra NLG sẽ chào bán 30 sản phẩm với tổng giá trị 750 tỷ đồng tại Izumi City giai đoạn 2C.
Các dự án trọng điểm Waterpoint, Akari và Izumi City mở bán trong Q4/2022 được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực cho tổng giá trị bán hàng dự phóng của MBS ở mức 12.000 – 14.000 tỷ đồng.
Việc mở bán đợt tiếp theo cho dự án Cần Thơ và Izumi City đang mất nhiều thời gian hơn dự kiến trước đây của MBS, một phần là do tiến độ pháp lý và một số thách thức mà thị trường BĐS đang gặp phải. MBS cho rằng NLG cần điều chỉnh giảm đối với doanh số bán hàng kế hoạch cho năm 2022 (kế hoạch 23.000 tỷ đồng).
Dự án Paragon Đại Phước mà NLG kỳ vọng sẽ đóng góp khoảng 350 tỷ lợi nhuận sau thuế từ việc bán 50% cổ phần vào quý IV/2022 hiện vẫn đang hoãn do cần điều chỉnh kế hoạch tổng thể.
Sử dụng phương pháp định giá RNAV, MBS cho rằng định giá hợp lý của NLG là 39.100 đồng/cổ phiếu với khuyến nghị mua, theo đó tại thị giá hiện tại PE 2022 ở mức khá hấp dẫn 11,1 lần và PB 2022 ở mức chỉ 0,6 lần, phản ánh mức độ rủi ro hiện tại của thị trường chứng khoán nói chung và ngành BĐS nói riêng nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội để tích lũy cổ phiếu của 1 trong những doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, chính sách sản phẩm phù hợp với tiềm năng tăng trưởng tích cực với định hưởng chiến lược 2022-2030 rõ ràng cùng quỹ đất sạch lớn.
VNM: KBSV khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 84.100 đồng/cổ phiếu
Luỹ kế 9 tháng năm 2022, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (HoSE: VNM) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 44,887 tỷ đồng - đi ngang so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 6.708 tỷ đồng, giảm 20% so với 9 tháng năm 2021. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 70,2% kế hoạch doanh thu, 68,7% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2022.
Theo VNM, công ty đã ký hợp đồng chốt giá sữa bột trong 3 - 6 tháng tới. Công ty Chứng khoán KB Việt Nam kỳ vọng biên lợi nhuận gộp sẽ được cải thiện đáng kể từ quý IV/2022.
Mặc dù lãi suất và đồng USD tăng sẽ làm tăng chi phí của các nhà nhập khẩu, nhưng giá sữa bột giảm mạnh hơn sẽ bù đắp được phần nào vấn đề này. KBSV duy trì mức biên lợi nhuận gộp cả năm 2022 là hơn 41%.
Ngoài ra, ban lãnh đạo cũng cho biết hiện VNM đã thử nghiệm chiết suất thành công sữa bột gầy và bơ. Sữa nguyên liệu thường cho năng suất cao hơn vào mùa đông trong khi cầu không thay đổi đáng kể đã dẫn đến tình trạng dư thừa.
VNM đã đầu tư dây chuyền sản xuất để giải quyết vấn đề dư thừa đồng thời cho ra 2 loại sản phẩm trong đó sữa bột gầy là nguyên liệu công ty đang phải nhập ngoài. Mặc dù chưa thể tối ưu về mặt chi phí, song với dây chuyền này VNM đang dần tự chủ hơn về nguyên liệu sữa bột.
Với 3 dự án trang trại bò sữa, KBSV ước tính quy mô đàn bò của VNM sẽ tăng thêm 20.000 - 30.000 con bò, qua đó nâng khả năng tự chủ sữa nguyên liệu thêm 18%. Nhà máy sữa tại Hưng Yên và Mộc Châu dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2025, công suất sản xuất của VNM sẽ tăng thêm 30 - 40%.
KBSV điều chỉnh hạ dự phóng kết quả kinh doanh so với báo cáo gần nhất do quý IV không phải là quý cao điểm bán hàng, bên cạnh đó rủi ro lạm phát có thể làm giảm sức mua.
Theo đó, KBSV kỳ vọng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2022 lần lượt 62.278 tỷ đồng (tăng 2,23% so với cùng kỳ), 9.507 tỷ đồng (giảm 10,5% so với cùng kỳ).
Với năm 2023, doanh thu thuần có thể đạt 65.081 tỷ đồng (tăng 4,5% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế đạt 10.105 tỷ đồng (tăng 6,2% so với cùng kỳ).
KBSV đánh giá VNM vẫn là cổ phiếu phòng thủ, với tốc độ tăng trưởng kép của doanh thu thuần hàng năm khoảng 5 - 6% trong giai đoạn 2023 - 2026.
KBSV kết hợp 2 phương pháp định giá DCF và P/E (tỷ trọng 50 - 50 cho mỗi phương pháp) để định giá cổ phiếu VNM. Công ty chứng khoán này điều chỉnh nâng giá mục tiêu từ 84.100 đồng/cổ phiếu (báo cáo gần nhất) lên 88.100 đồng/cổ phiếu với tiềm năng tăng giá 11% so với giá đóng cửa ngày 23/11/2022.
KBSV khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu VNM do thời gian gần đây cổ phiếu này có hiệu suất vượt trội so với thị trường chung, đã phản ảnh một phần kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2023