Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay 3/11: KBC, TCB và PVS
VDSC khuyến nghị tích lũy TCB với giá mục tiêu là 38.000 đồng/cổ phiếu. VDSC cũng lưu ý, với đặc thù danh mục cho vay các doanh nghiệp và cá nhân trong lĩnh vực BĐS, tốc độ hồi phục của ngành nghề này cũng sẽ ảnh hưởng đến sự hồi phục của NIM thông qua chi phí tín dụng trong nửa cuối năm 2023 và 2024.
KBC: VDSC duy trì giá mục tiêu 40.000 đồng/cổ phiếu
Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) công bố kết quả tài chính quý III/2023 với mức doanh thu 247 tỷ đồng (tăng 22%), LNST cổ đông công ty mẹ đạt gần 14 tỷ đồng, giảm 99% so với cùng kỳ, do chưa kịp bàn giao đất cho khách hàng và mức nền lợi nhuận cao của quý II/2023 được tạo ra do việc ghi nhận đánh giá lại khoản đầu tư vào công ty Sài Gòn – Đà Nẵng. Nếu loại trừ khoản lợi nhuận từ đánh giá lại, LNST quý III/2022 sẽ chuyển từ lãi sang lỗ.
Phúc Ninh và Tràng Cát là 2 dự án có điểm nghẽn pháp lý và còn quỹ đất lớn để kinh doanh, có khả tạo ra kết quả kinh doanh đột phá trong thời gian tới. Tính đến hết năm 2023, quỹ đất của các dự án KCN đang kinh doanh còn lại vào khoảng 142 ha. Trong đó, 58 ha thuộc KCN Tân Phú Trung, 84 ha thuộc KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, đủ đảm bảo cho kế hoạch kinh doanh trong 2 năm tới trong lúc chờ đợi sự sẵn sàng của Tràng Duệ 3, Tân Tập, và Lộc Giang. Ngoài ra, KBC hiện đang sở hữu hai dự án BĐS dân dụng có quỹ đất lớn là Phúc Ninh và Tràng Cát, vốn đang có các điểm nghẽn pháp lý chờ tháo gỡ.
Trong kịch bản tích cực, KBC bàn giao hết tất cả hợp đồng đã kí (50 ha) trong quý IV, tương đương việc hoàn thành bàn giao 182 ha trong năm 2023, và sẽ ghi nhận 7.536 tỷ đồng (tăng 693% so với cùng kỳ) tổng doanh thu, hoàn thành 83% kế hoạch năm. Ngoài ra, LNST dự kiến sẽ đạt 3.059 tỷ đồng (100% so với cùng kỳ), hoàn thành 76% so với kế hoạch đã đặt ra. EPS 2023 tương ứng là 3.985 đồng.
Dựa trên phương pháp định giá tổng hợp các thành phần (SOTP), Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) duy trì giá mục tiêu 40.000 đồng/cổ phiếu trong lần cập nhật gần nhất. Suất sinh lợi dự kiến trong 12 tháng tới sẽ là 50,0% (dựa trên giá đóng cửa ngày 01/11/2023).
TCB: VDSC ra giá mục tiêu là 38.000 đồng/cổ phiếu
Tổng thu nhập hoạt động trong quý III của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) là 10,4 nghìn tỷ (tăng 0,8% so với cùng kỳ và tăng 11,7% so với quý trước), cho thấy dấu hiệu hồi phục đã xuất hiện trên cơ sở theo quý nhờ vào đóng góp của: thu nhập lãi thuần tăng 15,5% so với quý trước, nhờ tăng trưởng tín dụng ở mức cao và NIM phục hồi 42 bps so với quý trước, thu nhập ngoài lãi đạt 3,1 nghìn tỷ tăng trưởng 3,8% so với quý trước, trong đó, đóng góp của thu nhập phí là 2,2 nghìn tỷ (tăng 11,7% so với quý trước) nhờ vào sự hồi phục mạnh mẽ trở lại của phí ngân hàng đầu tư từ sự hồi phục về thanh khoản của thị trường chứng khoán và hoạt động phát hành trái phiếu (tăng 93% so với quý trước), hoạt động banca (tăng 74% so với quý trước).
Cùng với đó là thu nhập từ kinh doanh ngoại hối đạt 124 tỷ đồng so với mức lỗ trong quý II; thu nhập từ hoạt động chứng khoán tăng 659% so với quý trước.
Tỷ lệ nợ xấu của TCB trong quý III sau CIC là 1,4%, tăng 30bps so với quý trước và tăng 73 bps so với cùng kỳ. Trong đó, nợ xấu ghi nhận chủ yếu ở khối bán lẻ và SMEs, lần lượt là 2,47% và 2,16%, đến từ ảnh hưởng của thị trường nhà ở và mảng thẻ tín dụng. Tuy nhiên, nợ nhóm 2 cho thấy sự tích cực khi giảm về mức 1,26% so với 1,96% trong quý.
Dự phóng LNTT của VDSC cho TCB năm 2023 sẽ tích cực hơn so với kế hoạch của ngân hàng tại AGM đầu năm và tăng trưởng ổn đinh hơn trong 2024 lần lượt đạt 23 nghìn tỷ (giảm 10,5%) và 27 nghìn tỷ (tăng 17,5%), tương đương EPS là 5.087 và 5.986 VND. Điều này có nghĩa rằng LNTT của TCB trong nửa cuối năm 2023 cải thiện đạt 11,7 nghìn tỷ (tăng 4% HoH và tăng 2% so với cùng kỳ).
Mặc dù tiềm năng mở rộng khiêm tốn trong năm 2023 do các điều kiện khó khăn, VDSC đánh giá khả quan với triển vọng dài hạn cho tăng trưởng bảng cân đối nhờ vào sự tiên phong và thành công của TCB trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ cũng như tiềm năng dài hạn của lĩnh vực BĐS tại Việt Nam, với các trụ cột: cơ sở hạ tầng công nghệ dẫn đầu, bộ đệm vốn mạnh và hệ sinh thái được kết nối tốt, sẽ giúp ngân hàng tăng trưởng nhanh trong các giai đoạn kinh tế thịnh vượng, do vậy việc cải thiện ROE khi ngân hàng sớm vượt qua giai đoạn khó khăn sẽ giúp tái định giá lại ngân hàng.
TCB đang được giao dịch ở mức P/B 0,8x lần, thấp hơn mức trung bình ngành và thấp hơn triển vọng dài hạn của ngân hàng. Do đó, VDSC khuyến nghị tích lũy TCB với giá mục tiêu là 38.000 đồng/cổ phiếu tương ứng PBR 1. Tuy nhiên, VDSC cũng lưu ý rằng với đặc thù danh mục cho vay các doanh nghiệp và cá nhân trong lĩnh vực BĐS, tốc độ hồi phục của ngành nghề này cũng sẽ ảnh hưởng đến sự hồi phục của NIM thông qua chi phí tín dụng trong nửa cuối năm 2023 và 2024.
PVS: Vietcap nâng giá mục tiêu thêm 0,5% lên 43.700 đồng/cổ phiếu
Công ty Cổ phần chứng khoán Vietcap nâng giá mục tiêu cho Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) thêm 0,5% lên 43.700 đồng/cổ phiếu và nâng khuyến nghị từ khả quan lên mua. Giá mục tiêu cao hơn đến từ việc Vietcap tăng dự báo LNST sau lợi ích CĐTS báo cáo giai đoạn 2023-2027 thêm 0,1% (tăng lần lượt 0,2%/1,1%/0,8% cho năm 2023/2024/2025). Điều này do: Vietcap tăng dự báo giá trị hợp đồng M&C đầu tiên của dự án Lô B từ 400 triệu USD lên 500 triệu USD và giả định PVS sẽ hoàn thành việc xây dựng cho Lô B vào năm 2027 sau tiến triển gần đây của dự án này. Những yếu tố tích cực này bù đắp cho: khối lượng công việc của dự án Lạc Đà Vàng bị trì hoãn từ năm 2024 sang năm 2025/2026 và Vietcap giảm dự báo lợi nhuận ròng trung bình giai đoạn 2023-2027 cho FSO Biển Đông từ 85 tỷ đồng xuống 21 tỷ đồng.
Vietcap nâng dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2023 thêm 0,2% lên 927 tỷ đồng (tăng 5% so với cùng kỳ) chủ yếu do dự báo thu nhập tài chính cao hơn bù đắp cho dự báo lợi nhuận thấp hơn từ FSO Biển Đông.
Vietcap cũng dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2024 sẽ tăng 32% so với cùng kỳ chủ yếu do dự báo doanh thu M&C sẽ tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ lên 19 nghìn tỷ đồng, nhờ sự phục hồi của các hoạt động thăm dò & khai thác (E&P) trong nước và đóng góp từ các dự án điện gió ngoài khơi mới.
Vietcap dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS đạt 21% trong giai đoạn 2022-2025, được hỗ trợ bởi dự báo backlog M&C giai đoạn 2023-2027 của Vietcap là 5,7 tỷ USD và lợi nhuận trung bình từ các liên doanh FSO/FPSO đạt ~493 tỷ đồng trong giai đoạn 2023-2028.