Bước nhảy vọt của Tổng Công ty Kinh Bắc (KBC) trong năm 2023

Ba quý của năm 2023 ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ của Kinh Băc, với doanh thu tăng gấp 3,7 lần và hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận sau thuế có chất lượng lợi nhuận tốt.

Kinh doanh cốt lõi thúc đẩy triển vọng tích cực

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023 với doanh thu thuần tăng trưởng 22% so với cùng kỳ năm trước, đạt 247 tỷ đồng; lợi nhuận gộp tăng 14%, đạt 111 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong kỳ, công ty đã nỗ lực tiết giảm đáng kể các loại chi phí. Chẳng hạn, chi phí tài chính giảm mạnh 72% so với cùng kỳ năm trước, còn 39 tỷ đồng; còn chi phí vận hành (chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng) đạt 75 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ.

Kết thúc quý III, Kinh Bắc ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 47 tỷ đồng, giảm 97% so với cùng kỳ. Theo giải trình của doanh nghiệp, nguyên nhân lợi nhuận suy giảm chủ yếu do trong kỳ công ty chưa kịp bàn giao đất cho khách hàng tại khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh, Quang Châu và Tân Phú Trung, với tổng diện tích 50 ha đã ký.

Tổng giá trị hợp đồng đã ký lên tới 1.700 tỷ đồng và dự kiến có thể bàn giao trong quý IV/2023 sẽ là nguồn thu giúp doanh thu của Kinh Bắc bứt tốc trong quý cuối năm.

Bước nhảy vọt của Tổng Công ty Kinh Bắc (KBC) trong năm 2023 - Ảnh 1
Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 sẽ đóng góp hơn 11.500 tỷ đồng doanh thu trong giai đoạn 2024 - 2027. (Ảnh minh hoạ: KBC)

Luỹ kế 9 tháng năm 2023, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh 3,7 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 4.798 tỷ đồng; lợi nhuận gộp tăng gần 6 lần, đạt 3.309 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.087 tỷ đồng; trong đó lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1.925 tỷ đồng.

Cơ cấu doanh thu cho thấy sự bật tăng mạnh mẽ của mảng cho thuê đất và cơ sở hạ tầng (tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 4.567 tỷ đồng) - mảng chủ lực của Kinh Bắc. Sự phục hồi mạnh mẽ từ hoạt động kinh doanh cốt lõi này sẽ động lực thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn tới nhờ sự đóng góp từ 3 dự án khu công nghiệp mới: Nam Sơn Hạp Lĩnh, Quang Châu mở rộng và đặc biệt là Tràng Duệ 3, có thể hoàn tất các thủ tục pháp lý trong năm nay.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VNDirect, các dự án khu công nghiệp của Kinh Bắc đang ở vị thế tốt để thu hút dòng vốn FDI đổ vào trong những năm tới do: Sở hữu quỹ đất lớn, chất lượng cao và sẵn sàng cho thuê; tập trung xây dựng môi trường hoàn chỉnh cho sản xuất linh kiện điện tử và bán dẫn, thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Đặc biệt, theo VNDirect, khu công nghiệp Tràng Duệ 3 sẽ là điểm nóng thu hút vốn FDI của Hải Phòng với các nhà đầu tư Hàn Quốc.

“Chúng tôi kỳ vọng diện tích cho thuê đất tại Tràng Duệ 3 sẽ đạt mức tăng trưởng hàng năm kép 5,6% trong giai đoạn 2024 - 2027. Với diện tích cho thuê và giá thuê cao hơn dự kiến, Tràng Duệ 3 sẽ đóng góp hơn 11.500 tỷ đồng doanh thu trong giai đoạn 2024 - 2027”, VNDirect đưa ra nhận định.

Dòng tiền vững chắc cùng sức khoẻ tài chính lành mạnh

Không chỉ ghi dấu ấn ở sự phục hồi của mảng chủ lực bất động sản công nghiệp, Kinh Bắc còn thể hiện bức tranh tài chính lành mạnh, đặc biệt là dòng tiền vững chắc.

Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Kinh Bắc đạt 33.747 tỷ đồng. Công ty duy trì lượng tiền và tương đương tiền tương đối dồi dào với khoản “tiền và tương đương tiền” đạt 911 tỷ đồng và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 2.284 tỷ đồng, trong đó có 427 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng.

Đặc biệt, nợ phải trả tại ngày kết thúc quý III/2023 đã giảm 20% so với đầu năm, đạt 13.684 tỷ đồng; trong đó nợ ngắn hạn giảm 33%, đạt 7.172,5 tỷ đồng.

Trong bối cảnh dòng tiền khó khăn, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải gia tăng nợ vay để có tiền hoạt động thì nợ vay tài chính của Kinh Bắc lại giảm mạnh so với đầu năm - giảm 49%, còn 3.867 tỷ đồng, chỉ chiếm 28% nợ phải trả.

Nguyên nhân là do Kinh Bắc đã chi gần 3.900 tỷ đồng để mua lại toàn bộ dư nợ trái phiếu trong quý II/2023, điều này giúp công ty giảm được áp lực đáo hạn trong giai đoạn tới. Với việc không còn dư nợ trái phiếu, hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu đã giảm từ 0,4 lần (cuối năm 2022) xuống còn 0,19 lần. So sánh với các doanh nghiệp cùng ngành có vốn thị trường tương tự, Kinh Bắc có tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu tương đối lành mạnh.

Với vốn chủ sở hữu đạt 20.063 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu chỉ 0,68 lần. Công ty còn 7.649 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, tăng 2.003 tỷ đồng so với đầu năm.

Điểm sáng trong bức tranh tài chính khác của Kinh Bắc là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cải thiện đáng kể trong 9 tháng, dương 2.402 tỷ đồng sau 3 năm liền thâm hụt. Điều này đến từ nguồn lợi nhuận dồi dào trong kỳ đồng thời công ty tăng các khoản phải trả (897 tỷ đồng). Với lượng lớn hợp đồng ghi nhớ cho thuê đất sẽ được thực hiện trong thời gian tới, dòng tiền kinh doanh của công ty từ hoạt động kinh doanh sẽ ngày trở nên tốt hơn./.

Hải Thu

Theo Kinh doanh và Phát triển