Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (3/3): PC1, NLG và POW
Công ty Chứng khoán SSI cho biết, trong số các doanh nghiệp bất động sản mà đơn vị này nghiên cứu, NLG có thể được coi là một trong những chủ đầu tư hàng đầu khi so sánh sức khỏe tài chính với các doanh nghiệp khác trong nước.
PC1: ACBS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 30.442 đồng/cổ phiếu
Năm 2022, tổng công suất lắp đặt toàn quốc của Công ty Cổ phần Tập đoàn PC1 (HoSE: PC1) đạt 79.651 MW (đã vươn lên đứng nhất Đông Nam Á), cung cấp 286,4 tỷ kWh. Theo Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), để tránh tình trạng khủng khoảng năng lượng như vừa xảy ra ở Nam Phi, ngành điện nói chung và cơ sở hạ tầng cần được quan tâm và tái đầu tư liên tục, song song và đồng bộ với quy mô của nền kinh tế, đặc biệt là hệ thống truyền tải và phân phối.
Chính phủ dự kiến nhu cầu vốn đầu tư trung bình hàng năm là 290.000 tỷ đồng cho ngành điện để đảm bảo an ninh năng lượng bền vững cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt. Như vậy, PC1 với lợi thế là công ty chuyên biệt về xây lắp hạ tầng điện, sẽ được hưởng lợi đầu tiên trong chuỗi giá trị.
Ngoài ra, PC1 cũng đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực xây dựng nhà máy điện, đặc biệt là thủy điện và điện gió trong bối cảnh Việt Nam tái cam kết tại COP27 về giảm phát thải ròng cac-bon bằng 0 vào năm 2050 cùng với khoản tài trợ 15,5 tỷ USD
Cũng theo Quy hoạch điện Quốc gia VIII (QHD8) – dự thảo lần 9 vào tháng 12/2022, dù chưa được phê duyệt chính thức nhưng nhiều dự án năng lượng tái tạo (NLTT) sẽ được sớm triển khai, đi kèm với việc nâng cấp hệ thống lưới điện thông minh để giảm bớt nhược điểm thiếu ổn định của NLTT.
Do đó, PC1 sẽ không chỉ được hưởng lợi từ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng mà còn từ các dự án xây dựng nhà máy NLTT.
Ngoài ra PC1 còn đầu tư vào các lĩnh vực khác. Trong danh mục NLTT, PC1 có 7 nhà máy thủy điện, tổng công suất 169MW và 3 nhà máy điện gió, tổng công suất 144MW và vẫn đang tìm kiếm phát triển thêm cơ hội đầu tư các nhà máy khác. Về khai khoáng, PC1 sở hữu 57,2% cổ phần của Công ty Cổ phần Thương mại Khoáng sản Tấn Phát, trở thành chủ sở hữu của mỏ Niken – Đồng tại Cao Bằng, với trữ lượng ước tính 14,29 triệu tấn, dự kiến sẽ sẵn sàng vận hành thương mại vào quý III/2023.
PC1 là một trong số ít doanh nghiệp đặc biệt chuyên về xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng, được thành lập từ năm 1963, hơn 60 năm với lĩnh vực kinh doanh ban đầu là xây lắp các công trình truyền tải điện quốc gia. Trong quá trình hình thành và phát triển, PC1 đã phát triển thành công ty đa ngành, nhưng hoạt động kinh doanh chính vẫn là xây dựng hệ thống truyền tải và trạm biến áp (TBA).
ACBS đưa ra khuyến nghị mua đối với PC1 với giá mục tiêu là 30.442 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức sinh lời kỳ vọng 16,2%.
NLG: SSI khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 29.200 đồng/cổ phiếu
Lũy kế cả năm 2022, Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) ghi nhận 4,3 nghìn tỷ đồng doanh thu thuần (giảm 16% so với cùng kỳ) và lợi nhuận ròng đạt 556 tỷ đồng (giảm 48% so với cùng kỳ), chỉ hoàn thành 57% kế hoạch năm.
Nguyên nhân là số lượng căn hộ bàn giao trong quý IV thấp hơn dự kiến, cũng như chi phí tài chính tăng cao. Chưa kể, khoản lãi 172 tỷ đồng từ việc thoái 25% cổ phần tại dự án Paragon trong năm coi như đã bù cho việc chậm ghi nhận doanh thu từ dự án Cần Thơ, khiến lợi nhuận giảm đáng kể.
Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp được duy trì ở mức cao 45% so với năm 2021 do hầu hết các sản phẩm được bàn giao là các căn hộ thấp tầng, thường có tỷ suất lợi nhuận gộp cao hơn, dao động trong khoảng 45-50%.
Công ty Chứng khoán SSI cho biết, trong số các doanh nghiệp bất động sản mà đơn vị này nghiên cứu, NLG có thể được coi là một trong những chủ đầu tư hàng đầu khi so sánh sức khỏe tài chính với các doanh nghiệp khác trong nước.
Tại thời điểm cuối năm 2022, tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu của NLG là 31% — thấp nhất trong số các chủ đầu tư bất động sản nhà ở mà SSI nghiên cứu. SSI cho rằng với bảng cân đối kế toán vững mạnh như vậy sẽ giúp công ty vượt qua những thách thức của thị trường trong năm 2023, tuy nhiên vẫn cần chờ đợi cơ hội thích hợp hơn để tích lũy các cổ phiếu bất động sản vốn hóa trung bình.
Trong năm 2023, hoạt động bán hàng và bàn giao tại nhiều dự án (bao gồm Akari và Mizuki Park, Izumi, Southgate) vẫn sẽ là động lực chính cho kết quả kinh doanh của NLG. Do đó, SSI dự báo doanh thu thuần năm 2023 là 5,5 nghìn tỷ đồng (234 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ) và lợi nhuận ròng là 930 tỷ đồng (39 triệu USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ).
Với giá trị bán hàng chưa ghi nhận gần 17 nghìn tỷ đồng (723 triệu USD) tại thời điểm cuối năm 2022 (chủ yếu đến từ các dự án nhà ở thuộc phân khúc trung cấp), lợi nhuận của NLG sẽ được phân bổ dần trong những năm tới (2023-2025).
SSI khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu NLG, với giá mục tiêu 1 năm là 29.200 đồng (tiềm năng tăng giá là 15,6%). SSI điều chỉnh giảm 25% giá mục tiêu so với báo cáo trước do điều chỉnh tỷ lệ chiết khấu từ 12% lên 14% cũng như giãn tiến độ bán hàng các dự án trọng điểm của NLG như Waterfront, Waterpoint, NLG Cần Thơ, cũng như các dự án khác.
Với tỷ lệ cao các dự án bất động sản ở các đô thị cấp 2 trong quỹ đất của công ty nhu cầu của người mua nhà đối với các dự án này sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do lãi suất cao, cũng như thanh khoản giao dịch ở mức thấp.
POW: Yuanta khuyến nghị mua với giá mục tiêu 16.724 đồng/cổ phiếu
Theo quan điểm của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, điều kiện thời tiết trong năm 2023 sẽ thuận lợi cho các nhà máy nhiệt điện hơn là thủy điện. Khả năng cao El Nino xảy ra ở bắc bán cầu kể từ tháng 5 đã dẫn đến dự báo lượng mưa trong năm 2023 sẽ thấp hơn so với năm 2022.
Do đó, Yuanta kỳ vọng các doanh nghiệp nhiệt điện sẽ được huy động cao hơn, điều này sẽ mang lại lợi thế cho POW. Yuanta dự báo sản lượng năm 2023 của POW sẽ đạt 18,4Gwh, tăng 29,5%.
Nhà máy Vũng Áng hoạt khôi phục công suất. POW cho biết các tua-bin tổ máy số 1 của nhà máy Vũng Áng đã được sữa chữa và vận chuyển trở lại nhà máy. POW dự kiến sẽ đưa các tuabin trở lại hoạt động vào ngày 15/3. Yuanta dự báo nhà máy Vũng Áng sẽ sản xuất được 5,64 GWh điện trong năm nay (tăng 70%).
POW đang xây dựng hai nhà máy nhiệt điện khí (LNG) với công suất thiết kế mỗi nhà máy là 750MW (NT3 và NT4), tổng công suất là 1.500MW và tổng vốn đầu tư là 1,4 tỷ USD. Yuanta kỳ vọng POW sẽ đưa vào vận hành NT3 vào năm 2025 và NT4 vào năm 2026.
Yuanta dự báo lợi nhuận ròng năm 2023 của POW sẽ tăng 34,2%, đạt 2,6 nghìn tỷ đồng. Doanh thu năm 2023 kỳ vọng sẽ tăng 6% lên 291 nghìn tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp sẽ tăng 90 điểm cơ bản dựa trên giả định về giá bán trung bình của các doanh nghiệp trong ngành và giá than sẽ giảm trong năm 2023.
Yuanta nâng khuyến nghị lên mua từ khuyến nghị bán trước đó và tăng giá mục tiêu 37,6% lên 16.724 đồng/cổ phiếu. Giá mục tiêu của Yuanta tương ứng với EV/EBITDA 2024 đạt 6,5 lần, thấp hơn 8% so với trung vị ngành.
Rủi ro chính đối với mô hình định giá của Yuanta là khả năng chậm trễ trong việc đưa nhà máy Vũng Áng hoạt động trở lại. Tiềm năng tăng giá là khoản bảo hiểm sự cố máy móc trị giá khoảng 300 tỷ đồng có khả năng sẽ được ghi nhận trong năm 2023.