Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (27/2): VHC, CTR và MSH

Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng việc xây dựng nhà máy mới sẽ đóng góp vào tăng trưởng chung của MSH. Theo đó, vào tháng 3/2022, MSH đã đưa nhà máy may Sông Hồng 10 vào hoạt động với tổng mức đầu tư là 600 tỷ đồng, công suất trên 40 chuyền may, quy mô khoảng 2.800 lao động và dự kiến sẽ góp phần tăng thêm 25% công suất cho công ty.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (27/2): VHC, CTR và MSH
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (27/2): VHC, CTR và MSH

VHC: SSI khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 63.000 đồng/cổ phiếu

Trong quý IV/2022, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 2,5 nghìn tỷ đồng (giảm 7,8% so với cùng kỳ) và 200 tỷ đồng (giảm 58,2% so với cùng kỳ), thấp hơn so với ước tính của Công ty Chứng khoán SSI do giá bán cá tra bình quân giảm nhanh hơn dự báo.

Tuy nhiên, lũy kế cả năm 2022 ghi nhận kết quả tốt hơn với doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 13,2 nghìn tỷ đồng (tăng 46% so với cùng kỳ) và 2 nghìn tỷ đồng (tăng 82% so với cùng kỳ) – đấy là kết quả lợi nhuận ròng cao kỷ lục.

Bất chấp quý IV đầy biến động, VHC đã hoàn thành lần lượt 102% và 124% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng cả năm. Theo ước tính của SSI, doanh thu cá tra đạt 1,4 nghìn tỷ đồng (giảm 21% so với cùng kỳ), trong khi giá bán bình quân đạt 3,6 USD/kg (giảm 4% so với cùng kỳ) trong quý IV/2022.

So với quý III/2022, doanh thu và giá bán bình quân lần lượt giảm giảm 35% và giảm 25% so với quý trước. Điều này phản ánh sản lượng tiêu thụ giảm 15% so với cùng kỳ và giảm 10% so với quý trước, đồng thời phù hợp với nhu cầu yếu tại các nền kinh tế xuất khẩu lớn (đặc biệt là thị trường Mỹ), chiếm 70% tổng doanh thu cá tra trong năm 2022.

Xuất khẩu cá tra của VHC sang Trung Quốc (chiếm 15% doanh thu) cũng giảm 61% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ giảm 12% so với cùng kỳ. Điều này là do các sản phẩm của VHC vẫn có giá cao hơn so với mặt bằng chung cá tra mà Trung Quốc nhập khẩu.

Trong tháng 1/2023, VHC cũng ghi nhận doanh thu cá tra giảm 44% so với cùng kỳ, thấp hơn nhẹ so với doanh thu toàn thị trường. Doanh thu xuất khẩu sang Mỹ giảm 65% so với cùng kỳ, trong khi doanh thu xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 22% so với cùng kỳ từ mức nền thấp của năm trước và giảm 27% so với tháng trước.

Trong nửa đầu tháng 2/2023 (không có ngày làm việc do nghỉ Tết), sản lượng xuất khẩu sang Mỹ tiếp tục giảm 33% so với cùng kỳ và kim ngạch xuất khẩu giảm 55% so với cùng kỳ. Giá bán bình quân xuất sang Mỹ giảm xuống 2,8 USD/kg (giảm 37% so với cùng kỳ, 6% so với tháng trước).

Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng gấp đôi và kim ngạch xuất khẩu tăng 76%. Giá bán trung bình sang Trung Quốc đạt 2,5 USD/kg (tương đương năm trước và tăng 10% so với tháng trước).

Trong năm 2023, SSI dự báo VHC sẽ đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 11,1 nghìn tỷ đồng (giảm 16% so với cùng kỳ) và 1,4 nghìn tỷ đồng (giảm 27% so với cùng kỳ). SSI giả định sản lượng tiêu thụ sẽ ổn định và giá bán bình quân cá tra đạt 3,9 USD/kg (năm 2022 là 4,7 USD/kg) trong năm 2023.

SSI kỳ vọng sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ bù đắp một phần cho sự sụt giảm sản lượng xuất khẩu sang Mỹ của VHC trong nửa đầu năm 2023. Trong khi đó, giá bán bình quân bán sang Trung Quốc vẫn thấp hơn so với giá bán sang Mỹ khoảng 15%, cho thấy áp lực lên tỷ suất lợi nhuận gộp vẫn còn.

SSI giả định chi phí thức ăn thủy sản giảm 13% so với cùng kỳ, giảm ít hơn đáng kể so với mức giảm giá bán bình quân. Do đó, SSI kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ giảm 260 điểm cơ bản trong năm 2023.

Với mức giá 59.600 đồng/cổ phiếu, VHC giao dịch với P/E 2023 là 7,5 lần. SSI đưa ra giá mục tiêu 1 năm đối với cổ phiếu VHC là 63.000 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 6%), và lặp lại khuyến nghị trung lập.

CTR: VCBS khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 54.254 đồng/ cổ phiếu

Trong năm 2022, Tổng công ty cổ phần Công trình Viettel (HoSE: CTR)  ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.370 tỷ đồng (tăng 25,8%). Các lĩnh vực xây lắp, thương mại và dịch vụ kĩ thuật ghi nhận sự bùng nổ và đóng góp lớn vào tăng trưởng doanh thu năm 2022 nhờ 2 yếu tố.

Một là hoạt động đầu tư hạ tầng viễn thông của Viettel nối lại sau giai đoạn giãn cách và hiện tượng thiếu hụt linh kiện điện tử dần được kiểm soát. Hai là CTR tiếp tục đẩy mạnh tham gia lĩnh vực xây dựng dân dụng và các dịch vụ kĩ thuật kèm theo.

Lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 444 tỷ đồng, tăng trưởng 18,4% so với năm 2021. Biên lợi nhuận giảm nhẹ so với cùng kì khi mảng xây lắp chịu áp lực suy giảm biên lợi nhuận do gia tăng mức đóng góp từ lĩnh vực xây dựng dân dụng (có biên lợi nhuận thấp) và xu hướng tăng giá vật liệu trong kì. Chi phí lãi vay tăng đáng kể khi CTR gia tăng huy động nợ vay cho kế hoạch đầu tư hạ tầng cho thuê.

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), mảng vận hành khai thác duy trì đóng góp dòng tiền tích cực cho CTR. Mặc dù tăng trưởng chậm lại, mảng vận hành khai thác dự báo vẫn duy trì mức tăng trưởng trên 10%/ năm trong ít nhất 2-3 năm tới và đóng góp 300 – 400 tỷ đồng dòng tiền mỗi năm cho CTR .

VCBS cho rằng CTR có dư địa tăng trưởng dồi dào từ lĩnh vực xây dựng, dịch vụ dân dụng nhờ quy mô thị trường lớn; lợi thế từ độ phủ tới các địa phương; và thị trường cung cấp dịch vụ xây lắp nhà ở riêng lẻ và sửa chữa, tích hợp thiết bị hộ gia đình chưa có nhiều sự tham gia của các doanh nghiệp chuyên nghiệp.

Theo VCBS, 4G sẽ vẫn là động lực chủ đạo đối với mảng hạ tầng cho thuê của CTR. Theo đó, hạ tầng 5G nhiều khả năng sẽ chưa thể đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn 2023- 2024. Động lực tăng trưởng chủ yếu sẽ vẫn đến từ nhu cầu mở rộng hạ tầng phát sóng 4G của Viettel.

Công ty chứng khoán này cho rằng áp lực gia tăng chi phí lãi vay trong giai đoạn 2023-2024 cùng với sự gia tăng quy mô nợ vay tài chính và việc tham gia mạnh vào các lĩnh vực thâm hụt dòng tiền có thể tác động tiêu cực đến hiệu quả lợi nhuận.

VCBS đánh giá CTR còn nhiều dư địa để duy trì mức tăng trưởng tích cực trong dài hạn. Tuy vậy, trong 1-2 năm tới tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp dự báo sẽ chịu áp lực nhất định từ chi phí lãi vay gia tăng, khó khăn của thị trường bất động sản và việc phát triển hạ tầng 5G sẽ cần thêm thời gian để triển khai.

VCBS dự phóng doanh thu năm 2023 của CTR đạt 11.040 tỷ đồng (tăng 17,8%), lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 508 tỷ đồng (tăng 14,3%), tương ứng với EPS là 4.440 đồng/cổ phiếu. VCBS đưa ra khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu CTR với mức định giá hợp lý là 54.254 đồng/ cổ phiếu.

MSH: PHS khuyến nghị mua với giá mục tiêu 40.000 đồng/cổ phiếu

Kết thúc năm 2022, doanh thu của Công ty Cổ phần May Sông Hồng (HoSE: MSH), đạt 5.521 tỷ đồng (tăng 16,3%), hoàn thành 112,7% kế hoạch doanh thu. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế năm 2022 ghi nhận sự sụt giảm mạnh, đạt 338 tỷ đồng (giảm 23,7%), trong đó, lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 giảm mạnh còn 54,9 tỷ đồng (giảm 50,7%) cho thấy MSH cũng bị ảnh hưởng theo tình trạng chung của ngành dệt may trong nửa cuối năm 2022.

Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng việc xây dựng nhà máy mới sẽ đóng góp vào tăng trưởng chung của MSH. Theo đó, vào tháng 3/2022, MSH đã đưa nhà máy may Sông Hồng 10 vào hoạt động với tổng mức đầu tư là 600 tỷ đồng, công suất trên 40 chuyền may, quy mô khoảng 2.800 lao động và dự kiến sẽ góp phần tăng thêm 25% công suất cho công ty.

Về dự án nhà máy Xuân Trường, MSH dự kiến nắm 51% vốn điều lệ và sẽ bắt đầu xây dựng vào đầu quý I/2023, đưa vào hoạt động vào cuối năm 2023. Nhà máy này dự kiến có công suất tương đương nhà máy Sông Hồng 10, do đó PHS dự phóng nhà máy sẽ có khoảng 40 chuyền may, với quy mô khoảng 2.500 – 3.000 lao động. Nhà máy mới đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng năng suất cho các đơn hàng FOB, tạo động lực tăng trưởng trong tương lai.

PHS cho rằng chuyển dịch phương thức sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng đơn hàng FOB sẽ giúp tăng biên lợi nhuận gộp cho MSH. Không giống phần lớn các doanh nghiệp trong ngành, MSH là một trong số ít các doanh nghiệp dệt may chú trọng phát triển và gia tăng tỷ trọng nhóm sản phẩm theo phương thức FOB (Free On Board).

So với đơn hàng CMT, FOB là phương thức có biên lợi nhuận cao hơn do doanh nghiệp được chủ động tìm kiếm nguồn cung ứng đầu vào để làm ra sản phẩm. Do đó, MSH có biên lợi nhuận gộp ở đơn hàng FOB và chăn ga gối đệm cao hơn so với đơn hàng CMT, dao động khoảng 16 - 23%.

Theo PHS, ngành dệt may đang đối mặt với tình trạng nhu cầu suy yếu từ các thị trường xuất khẩu lớn do áp lực lạm phát tăng cao. PHS ước tính doanh thu thuần của MSH năm 2023 đạt 4.812 tỷ đồng (giảm 12,8%), biên lợi nhuận gộp năm 2023 dự kiến vẫn giữ ở mức 15%.

Qua đó, lợi nhuận sau thuế dự phóng giảm nhẹ giảm 3,8%, đạt 325 tỷ đồng dựa trên kì vọng chi phí nguyên vật liệu và chi phí logistic hạ nhiệt nhờ vào việc nới lỏng chính sách Zero-covid của Trung Quốc. Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, PHS ước tính mức giá hợp lý dành cho cổ phiếu MSH là 40.000 đồng/cổ phiếu, khuyến nghị mua.  

Hải Đường

Theo VietnamFinance